Để không còn “rác” nghệ thuật

10:04 | 07/11/2019
(LĐTĐ) Đại thi hào Nga, Lep Tônxtôi từng nói: "Sự hoạt động của nghệ thuật chính là dựa trên cái khả năng những người này bị lây cảm xúc của những người khác... Những cảm xúc hết sức đa dạng, rất mạnh mẽ và yếu ớt, rất có ý nghĩa và rất nhỏ nhặt, rất xấu xa và rất tốt đẹp, chỉ cần chúng lây lan sang được độc giả, khán giả, thính giả sẽ làm nên đối tượng của nghệ thuật". Bởi vậy một tác phẩm nghệ thuật để có tính lan tỏa đến cộng đồng, đòi hỏi tác phẩm đó bên cạnh tính thẩm mỹ, cần phải có giá trị nhân văn sâu sắc.
de khong con rac nghe thuat Tổ chức các sự kiện nghệ thuật: Cần chuyên nghiệp hơn và quản lý chặt hơn
de khong con rac nghe thuat Nơi gặp gỡ và giao lưu văn hoá Pháp
de khong con rac nghe thuat Cần phân cấp quản lý rõ ràng

Vẫn còn tràn lan “rác” nghệ thuật

Vì có sự lây lan cảm xúc thông qua nghệ thuật mà con người cảm thấy gần gũi nhau hơn, đặc biệt là trong âm nhạc. Âm nhạc có thể đem đến cho mọi người những phản ứng tình cảm dễ chịu, thoải mái và bình tĩnh, hay kích thích sự sáng tạo và hứng khởi. Nhiều nghiên cứu cho rằng, sức mạnh của âm nhạc còn giúp con người loại bớt cảm giác tiêu cực từ những việc đã qua, có thể lọc ra những thông điệp lành mạnh và tích cực nhất.

de khong con rac nghe thuat
Ảnh minh họa

Vì thế, âm nhạc là một trong những nhu cầu không thể thiếu trong đời sống mỗi người. Có âm nhạc, con người cảm thấy yêu đời hơn, gần gũi nhau thêm và mang lại sự cân bằng về tâm - sinh lý.

Tuy nhiên, cho đến ngày nay, có thể thấy rằng, những loại âm nhạc nhảm nhí, vô nghĩa, phản cảm cũng phát triển song song với những âm nhạc mang tính nghệ thuật thật sự, trôi nổi khắp nơi như một thứ “rác nghệ thuật” khiến nhiều người lo ngại. Điều đáng nói là thứ âm nhạc này vẫn đang trôi nổi trên rất nhiều phương tiện và không ít người nghe là giới trẻ vẫn đang tiếp cận hàng ngày với chúng.

Ngược thời gian về trước, thị trường nhạc Việt từng “đảo điên” với những bài hát mà mới chỉ nghe qua tên người ta thấy không chỉ có ca từ vô nghĩa, nhảm nhí, phản cảm, giai điệu cũng rất phi âm nhạc như “Ô mai chuối”, “Số nhọ”, “Mất trí nhớ”, “Không cảm xúc”, “Anh không đòi quà”… Điều đáng nói là những bài hát này được lưu hành và phổ biến rất công khai trên nhiều phương tiện. Và không ít giới trẻ đã tìm đến chúng với một sự thích thú hoặc tò mò đáng ngạc nhiên.

Việc tồn tại những ca khúc nhạt và nhảm như vậy là do một bộ phận người viết ca khúc còn trẻ nghĩ sao viết vậy, cảm xúc bộc phát, một bộ phận khác thì dễ dãi trong sáng tạo, một bộ phận khác tìm cách chạy theo trào lưu, cố tình gây sốc để trở thành hiện tượng mạng.

Ca sỹ Tùng Dương cũng từng nói: “Tôi nghĩ nhạc sĩ cần đọc thơ, cần trau dồi cảm xúc, trải nghiệm nhiều hơn để thoát ra khỏi kiểu viết ca từ quá ư là phù phiếm, suồng sã, bề nổi”.

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Nghệ sĩ, nghệ thuật và các vấn đề liên quan” diễn ra tại Hà Nội trong khuôn khổ Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa, nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng, các nghệ sỹ trẻ bây giờ làm gì cũng nhanh, họ làm theo “trend” (xu hướng), “trend” cũng thay đổi nhanh, thậm chí vòng đời của sản phẩm nghệ thuật tính bằng tuần, có khi chỉ một đến hai tuần. Họ bị sức ép của sự thay đổi. Khác với chuyện cách đây mười năm trước thì vòng đời của sản phẩm lớn hơn, các nghệ sỹ đầu tư cho các sản phẩm cẩn thận và bài bản hơn, chỉn chu hơn.

“Nghệ sĩ trẻ ngày hôm nay tuy có lợi thế tiếp cận ngay với lượng khán giả đông trên mạng xã hội, tuy nhiên nếu họ muốn trở thành nghệ sĩ với con đường dài thì những sản phẩm âm nhạc đó không phải là lựa chọn duy nhất, họ cần phải là những người làm sản phẩm âm nhạc tử tế, trong không gian albulm sẽ phải thể hiện dòng nhạc với những tư tưởng rất rõ. Thoải mái vùng vẫy trong albulm sẽ cho ra một sản phẩm âm nhạc cá tính rõ ràng hơn và cá tính đó mới giúp cho họ có con đường dài hơn với nghệ thuật. Nếu dựa vào những video nhạc (MV) họ sẽ dẫn đầu “trend” nhưng “trend” rất ngắn”, nhạc sĩ Huy Tuấn nhận định.

Rõ ràng ngày nay, việc đua theo “trend” cũng cho ra những tác phẩm âm nhạc kém chất lượng, tác động tiêu cực đến cộng đồng, làm đầy thêm những hố “rác nghệ thuật” đương đại.

Cần những dự án nghệ thuật đỉnh cao

Theo nhạc sĩ Quốc Trung, nghệ thuật đỉnh cao sẽ thu hút được cộng đồng, mang lại cảm xúc cho khán giả, tác động tích cực đến cộng đồng. Thông qua các dự án nghệ thuật đỉnh cao sẽ có những tác động về tính quảng bá cũng như ứng dụng tạo ra cảm hứng cho người nghe

Việc thưởng thức nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo, bởi để cảm thụ nghệ thuật thì đơn thuần việc trải nghiệm thành thật các cảm xúc vẫn chưa đủ, còn nhất thiết phải khắc phục một cách sáng tạo cảm xúc của bản thân. Chỉ khi đó tác động của nghệ thuật mới được thể hiện đầy đủ. Do đó, không phải ngẫu nhiên ngay từ thời cổ xưa nhất, nghệ thuật đã được nhìn nhận như một bộ phận và một phương tiện giáo dục. Ý nghĩa ứng dụng của nghệ thuật xét đến cùng đều được quy vào tác động giáo dục của nó.

“Chúng ta không ai phủ nhận được tác động của các dự án nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, âm nhạc tồn tại và ngày càng phát triển, còn riêng ở Việt Nam, nghệ thuật luôn mang tính giáo dục, tuyên truyền. Một bài hát mà nhiều người hay hát như “Bài ca đổ rác”…. tôi chắc chắn sau khi nghe sẽ rất ít những người nghe xong sẽ làm nhiệm vụ đổ rác hoặc gìn giữ môi trường, nó không mang tính giáo dục nghiêm túc. Nhưng tôi chắc chắn với dự án nghệ thuật đỉnh cao như Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa, chúng tôi chỉ cần 15 phút là có thể khiến khán giả dọn sạch rác ở Hoàng Thành Thăng Long”, nhạc sĩ Quốc Trung dí dỏm cho biết.

Ông cũng cho rằng tác động của các dự án nghệ thuật đến công chúng trước tiên là mang lại sự hứng khởi cho người thưởng thức và sau đó là mang lại hiệu quả về tuyên truyền giáo dục. Nhạc sĩ cho rằng, không thể tuyên truyền giáo dục bằng cách nhét vào âm nhạc sự thô thiển. Tất cả các dự án nghệ thuật ở đâu đi chăng nữa cũng phải có tính nhân văn giáo dục khuyến khích mọi người làm điều tốt đẹp nên nó cần là những dự án nghệ thuật đỉnh cao. Không có bài hát dở nào lại có thể khuyến khích ai đó làm việc tốt, không bộ phim nào kể được câu chuyện hay, xúc động mà lại có hình ảnh xấu. Theo nhạc sĩ Quốc Trung, cần ưu tiên việc tôn trọng sự sáng tạo. Chỉ có sự sáng tạo thật sự mới mang lại những dự án nghệ thuật có giá trị và lan tỏa giá trị nhân văn bởi nghệ thuật tác động đến cộng đồng rất lớn.

Việc thưởng thức nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo, bởi để cảm thụ nghệ thuật thì đơn thuần việc trải nghiệm thành thật các cảm xúc vẫn chưa đủ, còn nhất thiết phải khắc phục một cách sáng tạo cảm xúc của bản thân. Chỉ khi đó tác động của nghệ thuật mới được thể hiện đầy đủ. Do đó, không phải ngẫu nhiên ngay từ thời cổ xưa nhất, nghệ thuật đã được nhìn nhận như một bộ phận và một phương tiện giáo dục. Ý nghĩa ứng dụng của nghệ thuật xét đến cùng đều được quy vào tác động giáo dục của nó.

Các dự án nghệ thuật được đầu tư bài bản, chau chuốt, nội dung rõ ràng, mục đích rõ ràng luôn thu hút được sự quan tâm lâu dài của công chúng, đồng thời cũng lan tỏa được những thông điệp tốt đẹp ở hiện tại và hướng tới tương lai. Cho đến ngày hôm nay, những nghệ sỹ, những nhà sản xuất chương trình, những nhà kiểm duyệt chương trình cũng đang hết sức nỗ lực, tích cực để cùng chung tay góp sức cho ra những dự án nghệ thuật đỉnh cao, xóa bỏ những dự án nghệ thuật không mang tính nhân văn, có tác động xấu đến công chúng và định hướng xã hội.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này