![]() | Dự án xử lý ô nhiễm nước bằng công nghệ Nhật Bản được đánh giá cao |
![]() | Hà Nội sẽ xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường do sử dụng than tổ ong |
![]() | Giảm phát thải các chất ô nhiễm từ hoạt động đốt than |
Theo đại biểu Trần Thị Dung, vụ cháy tại Công ty Rạng Đông xảy ra từ ngày 28/8, nhưng sau 10 ngày mới đưa ra lời xin lỗi đến chính quyền và người dân, vì làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe.
![]() |
Đại biểu Trần Thị Dung (đoàn đại biểu tỉnh Điện Biên) nêu quan điểm liên quan vấn đề ô nhiễm môi trường xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội |
"Sau vụ cháy, lãnh đạo công ty này từng trấn an rằng, họ đã thay thế thủy ngân bằng vật liệu khác rất an toàn, kể cả khi cháy cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Thế nhưng khi cơ quan chức năng công bố kết quả với số liệu rõ ràng thì Công ty Rạng Đông mới thừa nhận sự cố cháy nhà máy thực sự ảnh hưởng đến môi trường", đại biểu Trần Thị Dung nói.
Sự cố nghiêm trọng thứ 2 đại biểu đoàn Điện Biên nêu liên quan đến nguồn nước sạch cung cấp cho hơn 250.000 hộ dân Thủ đô bị nhiễm dầu thải. Sau hơn 2 tuần xảy ra sự cố, đến ngày 25/10, Công ty nước sạch sông Đà mới đưa ra lời xin lỗi, mong được lượng thứ.
Theo đại biểu, Công ty nước sạch sông Đà xin lỗi người dân đơn thuần là vì chịu sức ép của dư luận và để xoa dịu dư luận, chứ không thực sự nhận trách nhiệm và không có ý nghĩa về mặt pháp lý. Đại biểu Dung cho rằng, vấn đề đặt ra là trách nhiệm của công ty với thiệt hại của người dân họ phải gánh chịu trong suốt 2 tuần.
Tại hội trường, đại biểu Trần Thị Dung cũng cho biết, trong ngày 4/11, Uỷ ban nhân dân TP Hà Nội thông tin, Công ty nước sạch sông Đà đã xả khoảng 2.500 m3 nước súc rửa bể chứa nước trung gian ra suối Đồng Bãi ở Thạch Thất. Việc xả thải như vậy mà không thông báo đến nhân dân, chính quyền địa phương…
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho biết, các vụ việc trên để lại hậu quả rất lớn nhưng không đơn vị nào chịu trách nhiệm với các nạn nhân. "Những người dân rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền để mọi việc được xử lý công khai, minh bạch, rõ trách nhiệm. Đó là quyền của công dân được hiến định trong Hiến pháp 2013", nữ đại biểu nêu.
Cùng quan điểm với đại biểu tỉnh Điện Biên, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội) nêu quan điểm, phải xử lý hình sự các pháp nhân gây ô nhiễm các ao hồ, sông suối trên địa bàn thành phố Hà Nội. Qua thực tế, đại biểu băn khoăn có hay không lực lượng cảnh sát môi trường chỉ thiên về xử lý hành chính, dẫn đến bỏ lọt tội phạm gây ô nhiễm môi trường.
"Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an xử lý hành chính, hình sự đúng quy định của pháp luật các hành vi gây ô nhiễm môi trường", đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị.
Đỗ Đạt
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/phai-xu-ly-hinh-su-cac-phap-nhan-gay-o-nhiem-ao-ho-tren-dia-ban-ha-noi-99125.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này