Nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ trong khối doanh nghiệp

21:01 | 01/11/2019
(LĐTĐ) Ngày 1/11, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ trong khối doanh nghiệp” theo Nghị định số 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
nang cao hieu qua thuc hien quy che dan chu trong khoi doanh nghiep Tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở
nang cao hieu qua thuc hien quy che dan chu trong khoi doanh nghiep Tăng cường thực hiện quy chế dân chủ trong ngành Giáo dục và Đào tạo
nang cao hieu qua thuc hien quy che dan chu trong khoi doanh nghiep Thực hiện Quy chế dân chủ góp phần phát huy trí tuệ tập thể

Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hà Ngọc Anh - Phó trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở thành phố Hà Nội.

Báo cáo đề dẫn tọa đàm, đồng chí Phạm Hải Hoa - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy cho biết, trong những năm qua, việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo không khí dân chủ, cởi mở, góp phần ổn định tình hình doanh nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực hiện Quy chế dân chủ tại một số doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

nang cao hieu qua thuc hien quy che dan chu trong khoi doanh nghiep
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại tọa đàm

Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ trong khối doanh nghiệp” theo Nghị định số 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ chính là dịp để đánh giá toàn diện kết quả xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong các loại hình doanh nghiệp nói riêng cũng như việc thực hiện Nghị định 149/2018/NĐ-CP về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

Đặc biệt, thông qua buổi tọa đàm, các đơn vị sẽ chia sẻ những cách làm hay, hiệu quả; mạnh dạn chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế để cùng rút kinh nghiệm và khắc phục trong thời gian tới.

Phát biểu tham luận tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, việc thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của doanh nghiệp đã khẳng định vai trò của Công đoàn trong việc tích cực chủ động phối hợp với doanh nghiệp tổ chức tốt Hội nghị Người lao động, phát huy dân chủ, tạo điều kiện cho người lao động tham gia ý kiến và quyết định những vấn đề có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động, trong đó có việc tham gia thương lượng ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện còn gặp nhiều khó khăn như: Nhận thức của người sử dụng lao động về thực hiện Quy chế dân chủ chưa đầy đủ, không có sự phối hợp cùng công đoàn trong tổ chức thực hiện; Những nơi không có tổ chức Đảng nhưng đã có tổ chức Công đoàn thì Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hướng dẫn, Công đoàn cơ sở phối hợp với chủ sử dụng lao động tổ chức thực hiện, tuy nhiên cũng rất khó khăn, còn nặng về hình thức, chất lượng không cao…

Chia sẻ kinh nghiệm về việc tổ chức Hội nghị Người lao động trong doanh nghiệp, Ủy viên Ban Thường vụ, Phụ trách công tác Dân vận Đảng ủy Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 cho biết, lãnh đạo công ty nhận thức rõ việc tổ chức Hội nghị Người lao động là hết sức quan trọng. Do đó, trong những năm qua, Đảng ủy công ty đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, phối hợp với tổ chức Công đoàn tổ chức, thực hiện tốt Hội nghị người lao động, đặc biệt chú trọng công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị, từ các tổ, đội sản xuất, lấy ý kiến rộng rãi các nội dung của Thỏa ước lao động tập thể trước khi ký kết...

nang cao hieu qua thuc hien quy che dan chu trong khoi doanh nghiep
Quang cảnh buổi tọa đàm

Thông qua việc tổ chức tốt Hội nghị Người lao động đã tạo bầu không khí dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, người lao động và người sử dụng lao động hiểu rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Các ý kiến, kiến nghị về chế độ chính sách của người lao động được giải quyết kịp thời, thấu tình đạt lý, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện... Đặc biệt, những khó khăn của doanh nghiệp sau cổ phần hóa được người lao động đồng cam, cộng khổ, gắn bó, đoàn kết cùng với doanh nghiệp vượt qua và tiếp tục phát triển.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Ngọc Anh cho rằng, một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ trong doanh nghiệp là tổ chức tốt các hội nghị người lao động gắn với thường xuyên tiếp xúc, đối thoại; phát động các phong trào thi đua, xử lý nghiêm các doanh nghiệp có vi phạm như nợ đọng bảo hiểm xã hội, vi phạm các quyền lợi của người lao động... để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động.

Kết luận hội nghị tọa đàm, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh: Việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong các loại hình doanh nghiệp là một nhiệm vụ, yêu cầu cần thiết để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, bền vững, góp phần ổn định tình hình và phát triển kinh tế - xã hội. Đây không chỉ là nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn mà còn là nhiệm vụ chung của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các tổ chức, đơn vị.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị thời gian tới cần tiếp tục quán triệt tinh thần Nghị quyết 149/2018/NĐ-CP, Chỉ thị số 04-CT/TU về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đặc biệt coi trọng việc vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp, coi đây là chìa khóa để thực hiện thành công nhiệm vụ này.

Cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; chú trọng xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa đảng ủy, các tổ chức Công đoàn với chủ doanh nghiệp...

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này