Thành phố Hà Nội: Chỉ đạo quyết liệt nhiều hoạt động

16:16 | 31/10/2019
(LĐTĐ) 100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc Thành phố không sử dụng túi ni lông khó phân hủy từ tháng 11/2019; phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025; tiếp tục đầu tư xây dựng 4 cầu vượt trên địa bàn Thành phố. Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hệ thống cấp nước sạch; không giao dự án mới hoặc điều chỉnh dự án đối với nhà đầu tư vi phạm về trật tự xây dựng - đó là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của Ủy ban nhân dân Thành phố từ ngày 18 - 25/10/2019.
thanh pho ha noi chi dao quyet liet nhieu hoat dong Tạo môi trường an toàn góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân
thanh pho ha noi chi dao quyet liet nhieu hoat dong Lãnh đạo Thành phố Hà Nội tiếp các đoàn ngoại giao quốc tế
thanh pho ha noi chi dao quyet liet nhieu hoat dong 5 quận nội thành Hà Nội không còn hộ nghèo

Xây dựng 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ký ban hành 4 Quyết định phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025.

Theo quyết định Thành phố sẽ đầu tư, xây dựng huyện Đông Anh giai đoạn 2020 - 2025 đáp ứng các tiêu chí thành lập Quận của Ủy ban thường vụ Quốc hội; trong tương lai sẽ phát triển theo hướng bền vững, trở thành Quận hiện đại, điểm nhấn là các đô thị thông minh, khu công viên phần mềm, trung tâm mua sắm cao cấp, các khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, trung tâm sáng tạo phục vụ cho nghiên cứu và phát triển. Đồng thời gìn giữ và phát huy bản sắc, giá trị của miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời; kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu đô thị mới với hạ tầng nông thôn hiện nay.

thanh pho ha noi chi dao quyet liet nhieu hoat dong
Hưởng ứng không dùng túi ni lông nhiều siêu thị của Hà Nội dùng lá chuối để gói rau xanh.

Đối với huyện Thanh Trì, Thành phố tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng mạnh thương mại dịch vụ. Phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội và xây dựng nông thôn mới theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại. Huy động, thu hút và sử dụng hiệu quả các tiềm năng, nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tích cực cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường.

Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hoá mới, duy trì và phát huy hiệu quả văn hoá truyền thống. Đổi mới và tạo bước phát triển mạnh giáo dục - đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Phấn đấu năm 2025, huyện Thanh Trì phát triển theo hướng đô thị.

Huyện Gia Lâm, Thành phố tập trung phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ - công nghiệp, xây dựng; đẩy mạnh huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khung theo hướng đô thị. Thành phố sẽ quan tâm đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế; củng cố, sắp xếp bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, phấn đấu chậm nhất vào năm 2022 huyện Gia Lâm và các xã, thị trấn thuộc huyện đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của quận, phường theo quy định.

Với huyện Đan Phượng, Thành phố tập trung phát triển kinh tế, đẩy mạnh huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng đô thị, quan tâm đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, hoàn thiện các tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống cơ sở hạ tầng, phấn đấu đến năm 2025 huyện Đan Phượng và các xã, thị trấn thuộc huyện đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của quận, phường theo quy định. Trong tương lai phát triển theo hướng bền vững, trở thành quận hiện đại.

Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hệ thống cấp nước sạch

Để nâng cao chất lượng nước, chất lượng phân phối, đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước cung cấp nước sạch trên địa bàn Thành phố, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng hệ thống cấp nước sạch cho Thành phố, đáp ứng yêu cầu xây dựng Thành phố thông minh trong tương lai gần, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo nhiều giải pháp cụ thể.

Cụ thể, Thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và chủ đầu tư các nhà máy nước sạch (kể cả các nhà đầu tư dự án đang triển khai đầu tư) rà soát hệ thống truyền dẫn nước sạch của từng nhà máy, đề xuất các biện pháp hoàn thành kết nối thành mạch vòng hệ thống cấp nước sạch toàn thành phố (trừ các xã vùng sâu, vùng xa sử dụng các trạm cấp nước riêng), báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố trước ngày 30/11/2019.

Thành phố cũng giao Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ nghiên cứu, đề xuất thành lập Trung tâm quản lý, điều tiết, giám sát hệ thống cấp nước sạch (dạng như Trung tâm điều độ điện của ngành điện lực), trong đó sử dụng công nghệ thông minh để quản lý, vận hành. Yêu cầu tất cả các nhà máy nước sạch, các nhà phân phối nước sạch phải kết nối hệ thống quản lý vận hành, các trạm quan trắc chất lượng nước tới Trung tâm này và báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố trong tháng 12 năm 2019. Thành phố cũng yêu cầu các Nhà máy nước lập khoanh vùng bảo vệ nguồn nước đầu vào và xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước theo khoanh vùng; tổ chức thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Nội dung này yêu cầu thực hiện xong trong năm 2019.

Không giao dự án mới hoặc điều chỉnh dự án đối với nhà đầu tư vi phạm về trật tự xây dựng

Xét báo cáo của Sở Xây dựng về kết quả xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng năm 2015 - 2016 trên địa bàn Thành phố, từ tháng 5/2019 đến nay, Ủy ban nhân dân các quận, huyện mới xử lý được 2/40 trường hợp, còn tồn đọng 38 trường hợp chưa xử lý, không đạt kết quả và tiến độ theo yêu cầu, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chưa xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm còn tồn đọng trên địa bàn.

Quyết liệt chỉ đạo các lực lượng quận, huyện, xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai cưỡng chế xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng năm 2015 - 2016 trên địa bàn Thành phố theo đúng quy định pháp luật. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã cam kết với Ủy ban nhân dân Thành phố về tiến độ, thời gian xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng, định kỳ ngày 20 hàng tháng báo cáo Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố.

Không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đang chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để hướng tới mục tiêu 100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc Thành phố không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11/2019; thay đổi thói quen, giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt cộng đồng dân cư và hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ từ năm 2020; tăng cường thu gom, tái chế chất thải nhựa từ hoạt động sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; giảm thiểu sự phát thải chất thải nhựa trên địa bàn Thành phố; đến 31/12/2020 hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa.

Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị tập trung triển khai các nhiệm vụ như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của túi ni lông và chất thải nhựa và một số biện pháp chủ động áp dụng để hạn chế sử dụng túi ni lông. Thành phố yêu cầu hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt của người dân. Khuyến khích, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường và giảm thiểu sử dụng đối với sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy đối với từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị, trường học, trung tâm thương mại, khu du lịch, khu danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử…

Cùng với đó giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt. Yêu cầu tất cả các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố không sử dụng nước uống đóng chai nhựa (có thể tích 330ml - 500ml) trong công sở và khi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động ngoài trời, chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (> 20 lít) hoặc sử dụng các bình thủy tinh, chai đựng nước bằng giấy... và các vật liệu khác thân thiện với môi trường.

Không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và giảm tối đa việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong các hoạt động mua sắm, vận chuyển tại cơ quan, nơi làm việc. Đến ngày 31/12/2020 giảm tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa trên địa bàn Thành phố. Đề xuất thay thế công nghệ sản xuất bao bì lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích sử dụng công nghệ hiện đại tái chế chất thải nhựa; đưa ra lộ trình để các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng các sản phẩm túi đựng thân thiện với môi trường.

Thành phố cũng yêu cầu đẩy mạnh việc, tái chế chất thải nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường; thực hiện các biện pháp phân loại chất thải tại nguồn.

Trần Vũ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này