Độc đáo làng nghề đan cỏ tế

11:43 | 24/10/2019
(LĐTĐ) Xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 40km về phía Nam. Tại đây, có một nghề truyền thống vô cùng độc đáo, đó là nghề đan cỏ tế.  
doc dao lang nghe dan co te Khảo sát điểm du lịch làng nghề hai xã thuộc huyện Phú Xuyên
doc dao lang nghe dan co te Thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Ngọc Mỹ - Thạch Thán
doc dao lang nghe dan co te Sẵn sàng cho Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống may comple xã Vân Từ

Vào khoảng thế kỷ 17, dân cư ở Phú Túc còn thưa thớt, đất đai hoang hóa, mọc đầy cỏ dại. Lúc đó, bà Nguyễn Thảo Lâm đến Phú Túc an cư, lập nghiệp và đã phát hiện ra loại cỏ có thể đan lát thành các vật dụng dùng trong gia đình.

Thấy vậy, dân trong vùng học làm theo rồi tiếp tục truyền nghề từ đời này sang đời khác. Để ghi ơn người có công phát hiện ra cỏ tế, người dân đã tôn vinh bà là tổ nghề và thờ phụng tại đình làng Lưu Thượng.

Cây cỏ tế thuộc họ dương xỉ, thường mọc hoang ở các khu rừng miền núi phía Bắc và một số tỉnh miền Trung từ Quảng Bình trở ra. Từ cỏ tế, người thợ Phú Túc với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa đã tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng như: rổ, rá, tủ, bàn, ghế, khung ảnh, lọ hoa, con giống...

doc dao lang nghe dan co te
Biểu diễn tay nghề đan cỏ tế xã Phú Túc tại Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên (Ảnh: N.Vàn)

Về cơ bản, nghề đan cỏ tế giống nghề đan lát mây tre. Tuy nhiên, cỏ tế lại có những ưu thế mà sợi mây, nan tre không có được, đó là sự nổi bật về màu sắc tự nhiên (màu đỏ nâu rất đẹp).

Hơn nữa, cỏ tế rất mềm mại, dẻo dai nên dễ cho việc tạo dáng và đặc biệt là có độ bền cao. Các loại cỏ tế sau khi mua về sẽ được phân loại rồi phải phơi ít nhất 3 nắng to liên tục mới đạt chất lượng cả về độ bền và màu sắc.

Tiếp theo, người thợ để nguyên hoặc chẻ cây cỏ tế ra làm 2, 3 hay 4 phần tùy thuộc vào việc dùng để sản xuất loại hàng hóa nào. Sau đó, cỏ tế được dùng để đan và tạo hình cho sản phẩm. Các loại cỏ tế được đan phải có cùng màu sắc, độ dẻo dai để tạo sự đồng đều.

Sản phẩm sau khi tạo hình được hun qua diêm sinh, rồi nhúng qua dầu keo để màu sắc được bền và tươi tắn hơn. Nhúng dầu keo xong, người thợ sẽ phơi hoặc sấy khô sản phẩm rồi tiếp tục nhúng dầu lần thứ hai hoặc lần thứ 3 tùy theo yêu cầu đối với từng loại sản phẩm.

Bằng sự tìm tòi, sáng tạo, những người thợ Phú Túc còn kết hợp cỏ tế với các nguyên liệu khác như cói, bẹ ngô, mây, tre, bèo, bẹ chuối, cỏ lăn… để tạo ra 8 loại sản phẩm với hơn 2.000 mẫu mã.

Với ưu điểm nguyên liệu sản xuất là tự nhiên, mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt, bền, đẹp và giá thành rẻ, các sản phẩm cỏ tế ở Phú Túc không những được ưa chuộng ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu đến 20 quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, các nước Trung Đông…

Việc sản xuất hàng xuất khẩu ở Phú Túc đã được chuyên môn hóa đến từng công đoạn. Có hộ gia đình chỉ chuyên đan đế, có hộ chuyên đan phần thân, hộ khác chuyên phơi, sấy, hun, phun bóng…

Qua bàn tay tài hoa, khéo léo của những người thợ Phú Túc, cây cỏ tế tưởng chừng như bỏ đi bỗng trở thành những sản phẩm có giá trị nghệ thuật, chinh phục bao du khách tới thăm.

P.V

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này