Công nhân lao động chủ động luyện tay nghề

09:42 | 22/10/2019
(LĐTĐ) Để thúc đẩy tinh thần phát huy sáng tạo trong công nhân lao động, nhiều doanh nghiệp đã có sự đầu tư nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động. Song hành cùng với đó, bản thân mỗi công nhân lao động, đã hình thành tinh thần chủ động, thích ứng sáng tạo.
cong nhan lao dong chu dong luyen tay nghe Thừa Thiên - Huế: Hàng tỉ đồng chăm lo cho công nhân lao động
cong nhan lao dong chu dong luyen tay nghe Tôn vinh 47 gương công nhân lao động sáng kiến, sáng tạo
cong nhan lao dong chu dong luyen tay nghe Nhân lên niềm vui cho con em công nhân lao động

Ngoài kiến thức chuyên môn, họ đã trang bị cho mình những kỹ năng mềm như giao tiếp, sử dụng thành thạo vi tính, làm chủ công nghệ mới… để tiến tới nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, có được những giải pháp cải tiến ngày càng mới hơn trong công việc.

cong nhan lao dong chu dong luyen tay nghe
Công nhân lao động tham gia phần thi lý thuyết tại Hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội năm 2019.

Nhận thức rõ những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các công nhân lao động đều không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao tay nghề, tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào lao động sản xuất để có thể gắn bó lâu dài với công ty, với công việc.

Có mặt tại khu nhà trọ của khu công nghiệp Nội Bài (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) sau giờ tan làm, chúng tôi gặp những công nhân lao động trở về nhà trọ sau nhiều giờ làm việc tại xưởng sản xuất. Trên gương mặt còn đẫm mồ hôi của họ không giấu nổi sự mệt mỏi nhưng ai nấy đều vui vẻ khi được hỏi đến công việc.

Trong ánh mắt họ còn ánh lên sự tươi vui bởi làm việc ở công ty họ có công việc cùng nguồn thu nhập ổn định, được hưởng nhiều chế độ phúc lợi như bảo hiểm, phụ cấp, thưởng lễ, Tết, được các cấp công đoàn quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền lợi… Chính từ sự quan tâm đó, đa phần công nhân lao động đều quyết định gắn bó lâu dài với công ty và họ chủ động tìm cách tự rèn luyện, nâng cao tay nghề cho bản thân để đáp ứng yêu cầu công việc được giao.

Anh Nguyễn Trọng Được (Tổ trưởng Tổ Motor, Công ty TNHH Yamaha Motor Electronics Việt Nam) là một người tổ trưởng điển hình trong việc tự trang bị kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn cho bản thân, khiến nhiều công nhân trong tổ học tập theo. Anh Được cho biết thời gian đầu mới vào công ty, anh làm công nhân sản xuất trực tiếp trong dây chuyền.

Hứng thú với môi trường làm việc hoàn toàn mới, chuyên nghiệp, hiện đại, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn lao động. Cùng với đó, công nhân trong công ty luôn được công đoàn quan tâm, bảo vệ quyền lợi, được hưởng đầy đủ các chế độ. Đặc biệt, đối với những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, công đoàn luôn quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ, động viên bằng nhiều hình thức, từ đó, thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Chính vì thế, anh Được đã quyết tâm phải gắn bó lâu dài với công ty.

Không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, anh luôn quan sát, học hỏi từ đồng nghiệp, lãnh đạo cấp trên trong quá trình sản xuất để đúc rút kinh nghiệm cho mình. Nhờ vậy, trải qua nhiều năm nỗ lực, phấn đấu, khẳng định được năng lực trong công tác chuyên môn, đồng thời được sự tin yêu, ủng hộ của đồng nghiệp, đến năm 2016, anh Được đã được Ban lãnh đạo công ty bổ nhiệm làm Tổ trưởng Tổ Motor.

Ở vị trí công tác mới, anh không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như năng lực quản lý, điều hành tổ. Bản thân anh luôn coi sáng tạo là công việc thường xuyên, trong mỗi công việc anh đều trăn trở làm sao để đem lại hiệu quả cao nhất, khi có mẫu hàng mới triển khai, anh luôn là người bố trí công việc, nắm bắt, nghiên cứu trước sản phẩm rồi mới hướng dẫn công nhân trong tổ làm ra những sản phẩm chất lượng.

“Xác định việc được giao là vô cùng quan trọng, không cho phép bất kì một sai sót nào, bởi sai sót sẽ ảnh hưởng đến uy tín của công ty, chất lượng của sản phẩm cũng như ảnh hưởng trực tiếp thu nhập của bản thân và các anh, chị em lao động. Bởi vậy mà tôi thường suy nghĩ, tìm tòi đưa ra các biện pháp cải tiến các thao tác hợp lý, rút ngắn thời gian chế tạo, bố trí lại dây chuyền sản xuất, lao động phù hợp với tay nghề theo từng bước công việc.

Để có được những cải tiến đó, ngoài việc tham gia các khóa đào tạo nâng cao tay nghề mà công ty tổ chức đều đặn hàng năm cho công nhân thì bản thân tôi vẫn luôn chủ động tự cập nhật, học hỏi, trang bị những kiến thức mới, để nâng cao trình độ cho mình, có thể vững tay nghề xử lý công việc được chu đáo nhất, có như vậy mới tạo được niềm tin với Ban lãnh đạo công ty”, anh Được cho hay.

Ở một vị trí công việc khác, là một người từng trải qua nhiều nghề để kiếm sống, anh Trần Khả Thư (quê Thiệu Sơn, Thanh Hóa) quyết định ra Thủ đô tìm một công việc ổn định. Ban đầu anh được nhận vào làm tại một xưởng sản xuất cơ khí, thu nhập không ổn định nhưng không nản trước công việc, khi ấy anh đã tự mày mò, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các công nhân đi trước.

Sau đó, được người quen giới thiệu anh xin vào làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Canon Việt Nam, tính đến nay anh đã làm việc ở công ty được hơn 4 năm, với mức thu nhập ổn định hàng tháng, ngoài ra anh được hưởng đầy đủ các chế độ của công ty về bảo hiểm, phụ cấp, lương thưởng… với sự hài lòng đó, anh luôn chủ động tìm kiếm các khóa đào tạo nghề Tiện CNC để nâng cao tay nghề, giải quyết công việc một cách nhanh nhất.

Trò chuyện cùng anh, chúng tôi thấu hiểu, thành quả này không phải tự nhiên mà anh có được, bản thân anh đã phải nỗ lực rất nhiều, kiên trì rèn luyện, học hỏi thêm từ những chị, em đồng nghiệp có tay nghề giỏi hơn mình.

“Ban đầu mới vào làm việc, tôi chỉ nghĩ là làm tạm một thời gian nhưng rồi làm nhiều thành quen, lại thấy công việc và thu nhập tương đối ổn định nên tôi đã quyết định gắn bó với công ty. Để được làm việc lâu dài, tôi luôn chủ động rèn luyện, nâng cao tay nghề, ngoài những lớp đào tạo được công ty tạo điều kiện cho tham gia học, tôi chấp nhận trừ khoản tiền lương để đăng ký lớp học bên ngoài, miễn sao bản thân có thể đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của công việc, đồng thời giúp tăng năng suất lao động, tăng lợi nhuận cho công ty và đó cũng là cách tăng thu nhập cho bản thân”, anh Thư vui vẻ cho hay.

Từ chia sẻ của những công nhân lao động đang làm việc tại các Khu công nghiệp và Chế xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội, có thể thấy rằng phương cách hữu hiệu nhất để người lao động gắn bó với doanh nghiệp là doanh nghiệp phải tạo điểm tựa cho họ thông qua việc tạo công việc lâu dài để họ có nguồn thu nhập ổn định, kèm theo đó là bảo đảm đầy đủ các chế độ phúc lợi. Ngược lại, bản thân mỗi công nhân lao động họ cũng luôn chủ động học tập, trao đổi kinh nghiệm để tự nâng cao tay nghề, ngày càng hoàn thành tốt mọi công việc được giao.

Cũng từ đó, nhiều năm qua, Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội hàng năm đều tổ chức Hội thi thợ giỏi được chủ doanh nghiệp ủng hộ, thu hút sự tham gia của đông đảo công nhân lao động. Theo ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, thông qua Hội thi thợ giỏi, công nhân đã có ý thức tích cực học hỏi, rèn luyện tay nghề năng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra sẽ góp phần xây dựng được đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, có phẩm chất đạo đức và tác phong công nghiệp, có khả năng đáp ứng công nghệ, thiết bị sản xuất ngày càng tiên tiến hiện đại.

Hoa Nguyễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này