Kinh tế tư nhân là động lực mới cho phát triển

09:53 | 13/10/2019
(LĐTĐ) Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, để kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển không thể thiếu khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, ngày càng trưởng thành và phát triển, vươn ra tầm khu vực và thế giới.
kinh te tu nhan la dong luc moi cho phat trien Luồng gió mới để kinh tế tư nhân phát triển
kinh te tu nhan la dong luc moi cho phat trien Cần tạo ra những tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân xứng tầm
kinh te tu nhan la dong luc moi cho phat trien Việt Nam luôn coi trọng khu vực kinh tế tư nhân
kinh te tu nhan la dong luc moi cho phat trien
TS.Nguyễn Minh Phong

Sức bật từ thể chế

Kinh tế Việt Nam muốn có sức bật mới và động lực phát triển bền vững không thể thiếu một khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, ngày càng trưởng thành và phát triển, vươn ra tầm khu vực và thế giới. Một Chính phủ kiến tạo cần biết cách giải phóng sức sáng tạo và phát huy toàn diện vai trò của doanh nghiệp, khu vực tư nhân trong mọi công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, nhà đầu tư có sự lựa chọn và phản ứng nhanh nhậy, đáp ứng hiệu quả hơn với các tín hiệu thị trường.

Để làm được điều này, Chính phủ cần đổi mới chính mình, đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm, xây dựng chính quyền đối thoại và “3 cùng” với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ môi trường kinh doanh lành mạnh, giữ môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thúc đẩy đổi mới sáng tạo; kịp thời và thực tâm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách pháp luật tạo động lực huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển trong và ngoài nước; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thống nhất tinh thần “cùng thắng” giữa doanh nghiệp, người dân và nhà nước.

Ngoài ra, cần coi trọng phát triển các dịch vụ tư vấn, thông tin và dự báo thị trường, hỗ trợ kinh doanh, giảm thiểu cho khu vực doanh nghiệp các gánh nặng thể chế, tài chính và tín dụng trong đầu tư mở rộng thị trường trong nước và hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân đầu tư ra nước ngoài; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và văn hóa quản lý, thúc đẩy tinh thần tự trọng, tự tôn và tự hào dân tộc, gắn kết và hợp tác cộng đồng, phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân, các “Công ty mẹ-con” và các hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề phù hợp, hỗ trợ cho kinh tế tư nhân phát triển; đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, kiểm soát độc quyền và hạn chế các hiện tượng tiêu cực trốn lậu thuế, làm hàng giả trong sản xuất, kinh doanh.

kinh te tu nhan la dong luc moi cho phat trien
Ảnh minh họa: KTDT

Tháo gỡ định kiến

Trong tương lai, cần xóa bỏ những định kiến về thành phần kinh tế nói chung, về kinh tế tư nhân nói riêng phải trở thành khâu đột phá trong nhận thức và cơ sở pháp lý cho sự phát triển kinh tế tư nhân tương lai. Theo đó, cần tuân thủ các nguyên tắc và thông lệ quốc tế, đặc biệt là các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo sự tự do hoá ngày càng cao, đầy đủ và rộng rãi các lĩnh vực hoạt động kinh doanh cho phép khu vực kinh tế tư nhân tham gia.

Đặt khu vực kinh tế Nhà nước trong sự liên kết, hỗ trợ và cạnh tranh ngày càng bình đẳng với các khu vực kinh tế ngoài Nhà nước về pháp luật và điều kiện tiếp cận, sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra của doanh nghiệp theo pháp luật và nguyên tắc thị trường; xây dựng, triển khai các công cụ quản lý và hỗ trợ mới đối với khu vực kinh tế tư nhân, chuyển từ mục đích " quản chặt" sang "hỗ trợ” doanh nghiệp bằng định hướng chính sách, thông tin thị trường và những khuyến khích tài chính, cũng như tinh thần theo ngành, sản phẩm, địa bàn..., chứ không theo từng doanh nghiệp, dự án cụ thể hoặc tính chất sở hữu.

Cộng đồng kinh tế tư nhân hiện có hơn 700.000 doanh nghiệp, với 96% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp quy mô vừa và 2% doanh nghiệp lớn, cùng một số công ty tư nhân, công ty cổ phần lớn, có thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế và chỉ được sử dụng chưa đến 30% diện tích đất kinh doanh cả nước, nhưng hiện chiếm trên 51% lực lượng lao động cả nước, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 30% ngân sách nhà nước.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII nhấn mạnh “tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”; “Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”…

Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy cải cách hành chính nhằm thống nhất, đơn giản hoá và hiện đại hoá các quy trình, thủ tục, công nghệ và tiêu chuẩn quản lý kinh tế - xã hội. Cải cách, tăng cường năng lực và hiệu lực của các định chế và chế tài, kinh tế, hành chính, cũng như bộ máy tư pháp quốc gia và địa phương nhằm bảo vệ có hiệu quả lợi ích Nhà nước, lợi ích doanh nghiệp, doanh nhân và người lao động, phát triển hệ thống an sinh xã hội, hệ thống phòng ngừa rủi ro, cảnh báo sớm các nguy cơ và giải quyết kịp thời các chấn động kinh tế - xã hội do quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và hội nhập kinh tế quốc tế gây ra. Đặc biệt, trong tư duy mới về phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam cũng cần nghiêm khắc với những doanh nghiệp cố tình chuyển giá, trốn thuế và trốn tránh trách nhiệm bảo vệ môi trường, không tôn trọng quyền lợi người lao động và khách hàng, người tiêu dùng…

Quá trình xóa bỏ những thể chế kìm hãm doanh nghiệp, điều chỉnh những thể chế làm lệch lạc, lãng phí các nguồn lực doanh nghiệp, lấp đầy những “khoảng trống thể chế” cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển lành mạnh, hiệu quả đã, đang và sẽ cho phép từng bước định hình một tầm nhìn mới, một thực tiễn mới và mở ra triển vọng phát triển mới với nhiều thay đổi về chất đối với vai trò, vị thế và cách thức tổ chức mới của khu vực kinh tế tư nhân trong toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ chuyển mình hội nhập cùng thế giới...

Cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phát huy tinh thần doanh nghiệp. Đó là tinh thần dũng cảm, quyết tâm và ý chí làm giàu có tổ chức cho mình và cộng đồng, trên cơ sở tuân thủ pháp luật quốc gia và quốc tế, tự trọng, tự tôn, tự hào dân tộc và đề cao trách nhiệm xã hội; sự chủ động và linh hoạt trong phản ứng hiệu quả với những biến động thị trường và chính sách; xây dựng và củng cố sự gắn kết cộng đồng, phát triển các chuỗi liên kết và cung ứng giá trị quốc gia và quốc tế; tiếp cận 4.0 là dựa trên niềm tin, sự sáng tạo mà không đánh mất bản sắc; xử lý hài hòa các lợi ích và các khác biệt văn hóa trong kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững cả trong phạm vi quốc gia và khu vực…

Đặc biệt, tinh thần doanh nghiệp thể hiện tập trung ở sự dám nghĩ, dám làm, đầu tư thông minh và nâng cao năng suất và chất lượng, giảm giá thành sản phẩm trên cơ sở coi trọng thu hút, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài, nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ, thiết bị sản xuất và quản trị doanh nghiệp tiên tiến. Tinh thần doanh nghiệp không chỉ đòi hỏi sự chủ động, tự giác và tự thân của cộng đồng và từng doanh nghiệp, mà còn cần được hun đúc, tôn vinh, chia sẻ và hỗ trợ từ cả hệ thống chính trị và xã hội; theo đó, Chính phủ cần đột phá mạnh mẽ hơn về tư duy và thể chế; tập trung “kiến tạo” môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả; đổi mới nền giáo dục và đào tạo nghề quốc gia theo hướng thông minh và đi trước một bước, bảo đảm người lao động được chuẩn bị tốt các kỹ năng và phẩm chất cần thiết để hòa nhập và tái hòa nhập thị trường lao động xã hội; phát triển thị trường công nghệ, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là thị trường tài chính đầu tư cho phát triển nghiên cứu, sáng chế và thuận lợi trong thương mại hóa ý tưởng kinh doanh và sáng tạo, để tinh thần cởi mở, sự hứng khởi và niềm tin của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, người dân lan tỏa trong xã hội và thị trường Việt Nam.

Thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là thúc đẩy quá trình kiến tạo và đổi mới, đột phá về công nghệ, ý tưởng và chính sách, phát huy các lợi thế và tận dụng các cơ hội, thích ứng với các thách thức mới, dũng cảm lựa chọn các định hướng mới và khai thác hiệu quả các động lực mới, ngày càng nhận thức rõ hơn về tương lai; không ngừng chủ động, sáng tạo và hoàn thiện mình để trở thành “Doanh nghiệp Thông minh” của “Quốc gia Thông minh” trên hành trình xây dựng một Tổ Quốc Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”...

TS.Nguyễn Minh Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này