Nhân lên nét đẹp nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo

15:44 | 09/10/2019
(LĐTĐ) Trước xu thế đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, sự tâm huyết gắn với sự sáng tạo sẽ là những giá trị cốt lõi của người thầy giáo; là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công yêu cầu của công cuộc đổi mới và xây dựng một nền giáo dục nhân văn, phát triển bền vững.
nhan len net dep nha giao thu do tam huyet sang tao Lan tỏa nhiều mô hình giảng dạy sáng tạo
nhan len net dep nha giao thu do tam huyet sang tao Giảm áp lực học tập, tăng ứng dụng công nghệ vào giáo dục phổ thông
nhan len net dep nha giao thu do tam huyet sang tao Nhiều sáng tạo trong phương pháp giảng dạy

Tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia "65 năm giáo dục Thủ đô và giá trị sống của người Hà Nội" vừa được tổ chức tại Đại học Thủ đô Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội) cho biết: Giáo dục Hà Nội luôn đứng đầu cả nước về mọi phương diện với những nhà giáo luôn tâm huyết, sáng tạo đã tạo nên những điển hình, mô hình giáo dục tiên tiến ở mọi cấp học.

Trước hết phải kể đến những nhà giáo đã trưởng thành từ các nhà trường của Thủ đô, bằng sự tâm huyết, sáng tạo với nghề đã trưởng thành, tham gia lãnh đạo ngành Giáo dục Hà Nội, lãnh đạo thành phố và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiêu biểu như cố nhà giáo Nghiêm Chưởng Châu từ giáo viên ở khu học xá trở về làm Hiệu trưởng Trường Cấp II Trưng Vương, rồi Hiệu trưởng Trường Trung cấp Sư phạm Hà Nội (tiền thân của Đại học Thủ đô). Sau đó được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố, Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục.

Ở cương vị công tác nào, cố nhà giáo Nghiêm Chưởng Châu luôn là nhà giáo mẫu mực, hết lòng thương yêu các học sinh, luôn tìm cách giúp đỡ mọi người và tạo mọi điều kiện cho các nhà giáo cống hiến.

nhan len net dep nha giao thu do tam huyet sang tao
Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô luôn đứng đầu cả nước về mọi phương diện.

Hay nhiều nhà giáo Hà Nội chỉ xuất phát từ giáo viên bình thường nhưng nhờ sự tâm huyết, sáng tạo đã đóng góp nhiều công sức cho nền giáo dục Thủ đô.

Đó là cô giáo Phi Vân Khanh - một cô giáo mẫu giáo tâm huyết sáng tạo, đã đưa Trường Mẫu giáo Chim non của quận Hai Bà Trưng trở thành trường mẫu giáo xuất sắc của Hà Nội. Với những nỗ lực và thành tích đạt được trong quá trình công tác của mình, cô giáo Phi Vân Khanh đã được phong danh hiệu Anh hùng lao động đợt đầu tiên của Hà Nội.

Cố nhà giáo Phạm Thế Bổng - một giáo viên Vật lý ở trường cấp III Hai Bà Trưng, đã sáng tạo, biến phòng thí nghiệm của nhà trường thành nơi để học sinh được trải nghiệm sáng tạo, học tốt các bộ môn tự nhiên.

Cố nhà giáo Nguyễn Đức Cung đã sáng tạo thành công trong việc đưa một trường cấp III ngoại thành (Trường Cao Bá Quát - Gia Lâm) thành lá cờ đầu của toàn quốc về phương pháp giáo dục “dạy người” qua giáo dục lao động sản xuất và giáo dục kỹ thuật tổng hợp.

Ngoài ra, nhà giáo Thủ đô còn tâm huyết, sáng tạo trong nhiều phong trào thi đua, các cuộc vận động để nêu cao vị trí vai trò, thể hiện tài năng tâm huyết của nhà giáo Hà Nội. Theo đó, từ những năm 1988 khi đời sống của nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung chưa thoát thời kỳ bao cấp, đời sống nhà giáo Hà Nội gặp nhiều khó khăn.

Nếu không củng cố đội ngũ nhà giáo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục. Nhiều nhà giáo vừa phải đảm bảo giờ đứng lớp, vừa phải kiếm sống bằng nhiều nghề khác. Thực tế lúc đó đã có giáo viên bỏ nghề.

nhan len net dep nha giao thu do tam huyet sang tao
Trao giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" lần thứ 2 năm học 2017 - 2018

Trước tình hình này, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có sáng kiến mở cuộc vận động “Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” trong toàn ngành.

Cuộc vận động đã gây tiếng vang lớn trong các trường học cả nước. Năm 1993, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam và Bộ Giáo dục đã lấy làm khẩu hiệu vận động giáo giới của cả nước. Khi tổng kết 5 năm cuộc vận động nhiều tấm gương điển hình của các nhà giáo ở các nhà trường, các cấp học được biểu dương.

Bên cạnh đó, nhà giáo Hà Nội số đông là nữ giáo viên. Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã có cuộc vận động "Cô giáo - người mẹ hiền" để nêu cao vai trò của nữ giáo viên, nêu cao tài năng sư phạm và tình thương yêu, bao dung, hi sinh của người mẹ - cô giáo với các trò gặp khá khăn.

Song song với cuộc vận động này, từ năm 1995 đến nay, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức cuộc thi “Cô giáo tài năng duyên dáng”. Từ cuộc thi này, nghành Giáo dục Thủ đô đã lựa chọn và bồi dưỡng được nhiều cán bộ quản lý giỏi cho ngành.

Đặc biệt, từ năm học 2016 - 2017, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” để tôn vinh những nhà giáo nhiệt tình, tâm huyết với nghề dạy học; có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.

Qua đó, khích lệ các nhà giáo Hà Nội tự học tập, rèn luyện, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn giáo dục mỗi cơ sở, tạo ra những hiệu quả mới, những chuyển biến mới ở mỗi đơn vị nhà trường.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, tâm huyết và sáng tạo là phẩm chất, là giá trị sống của nhà giáo Hà Nội trong suốt 65 năm qua. Nó là truyền thống, giá trị sống gắn liền với giáo giới Thủ đô mãi mãi.

P.T

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này