Đề nghị rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp lao động

20:25 | 09/10/2019
(LĐTĐ) Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị bổ sung vào Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi quy định giao Chính phủ là cơ quan có trách nhiệm xác định “mức sống tối thiểu” và thời điểm công bố “mức sống tối thiểu” làm căn cứ quan trọng để Hội đồng tiền lương quốc gia xác định mức tiền lương tối thiểu hàng năm.  
de nghi rut ngan thoi gian giai quyet tranh chap lao dong Công đoàn chủ động phòng ngừa, tham gia giải quyết tranh chấp lao động
de nghi rut ngan thoi gian giai quyet tranh chap lao dong Nâng cao kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động cho cán bộ công đoàn
de nghi rut ngan thoi gian giai quyet tranh chap lao dong
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, giảm giờ làm sẽ tạo điều kiện để người lao động có thêm thời gian tái tạo sức lao động

Đề nghị giao Chính phủ xác định “mức sống tối thiểu”

Bày tỏ quan điểm về vấn đề tiền lương được nêu trong sửa đổi Bộ luật Lao động lần này, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia - cho biết: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất quy định theo hướng hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào quan hệ của các bên trong thị trường lao động; tạo điều kiện để doanh nghiệp có quyền chủ động trong quản trị doanh nghiệp liên quan đến việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động trong sản xuất kinh doanh; nâng cao sự chủ động thỏa thuận, thương lượng giữa đại diện người lao động và người sử dụng lao động để quyết định thang lương, bảng lương và định mức lao động. Tuy nhiên, cần có lộ trình và bước đi phù hợp, tránh gây khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp cũng như bất lợi cho người lao động.

“Đề nghị bổ sung vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi quy định giao Chính phủ là cơ quan có trách nhiệm xác định “mức sống tối thiểu” và thời điểm công bố “mức sống tối thiểu” làm căn cứ quan trọng để Hội đồng tiền lương quốc gia xác định mức tiền lương tối thiểu hàng năm”, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cũng đề nghị bỏ căn cứ xác định mức lương tối thiếu vùng là “khả năng chi trả của doanh nghiệp”, vì đây là yếu tố khó hiểu, khó định lượng, gây khó khăn cho Hội đồng lương quốc gia khi xác định. Mặt khác, năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở khía cạnh nhất định cũng đã thể hiện được “sức sống”, sự phát triển và khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Mỗi doanh nghiệp chỉ có 1 thỏa ước lao động tập thể

Bàn về vấn đề thương lượng và thỏa ước lao động trong Bộ luật Lao động, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: Trong quyền yêu cầu thương lượng tập thể, đề nghị quy định trường hợp tại cơ sở chỉ có một tổ chức đại diện của người lao động thì tổ chức đó đương nhiên có quyền thương lượng tập thể.

Thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp cần được xây dựng theo hướng, mỗi doanh nghiệp chỉ có 1 thỏa ước lao động tập thể do công đoàn cơ sở hoặc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thương lượng và ký kết, tùy thuộc vào số lượng thành viên là người lao động của tổ chức nào nhiều hơn và đạt mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ (Tổng Liên đoàn đề nghị xem xét mức 50% + 1).

Về thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia: Để thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia thúc đẩy được quan hệ lao động, đảm bảo quyền lợi đối với cả người lao động và người sử dụng lao động, cần có những quy định, ràng buộc mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong việc đảm bảo quyền đề nghị thương lượng của các tổ chức đại diện người lao động và nghĩa vụ không được từ chối thương lượng của người sử dụng lao động trong thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia.

Theo đó, Tổng Liên đoàn đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc đảm bảo nghĩa vụ thương lượng thiện chí trong thương lượng có nhiều doanh nghiệp tham gia (hoặc áp dụng nghĩa vụ đảm bảo thương lượng thiện chí như đối với thương lượng tại cấp doanh nghiệp).

Đề nghị rút ngắn thời gian giải quyết 1 vụ tranh chấp còn 21 ngày

Bàn về vấn đề tranh chấp, lao động, đình công, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Tổng Liên đoàn đồng ý việc thay đổi cơ cấu tổ chức, hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh. Cụ thể, Hội đồng trọng tài lao động là một thiết chế tài phán, có thẩm quyền ra phán quyết và phán quyết có giá trị bắt buộc các bên phải thi hành.

Tuy nhiên, cần lưu ý việc bổ sung thẩm quyền của Hội đồng trọng tài lao động có đảm bảo tính khả thi hay không trong điều kiện Hội đồng trọng tài lao động đã được thành lập ở 60 tỉnh, thành phố nhưng chưa hề có một vụ việc nào mà các bên tranh chấp đề nghị Hội đồng trọng tài lao động giải quyết. Đồng thời, cân nhắc quy định phán quyết của Hội đồng trọng tài là chung thẩm và các quy định của Luật Thi hành án dân sự về thi hành phán quyết trọng tài thương mại được áp dụng cho phán quyết của Ban trọng tài lao động (bởi tính rủi ro khá cao cho các bên khi lựa chọn con đường giải quyết tranh chấp qua Hội đồng trọng tài).

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị quy định về số lượng hòa giải viên chuyên trách (trong Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động chưa đề cập đến vấn đề này). Theo đó, mỗi tỉnh, thành phố có từ 1 đến 3 hòa giải viên chuyên trách, căn cứ theo tình hình của địa phương, đơn vị, chưa kể các hòa giải viên kiêm nhiệm.

Từ ý kiến của các cấp công đoàn và thực tiễn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp của hòa giải viên xuống còn 3 ngày (Dự thảo quy định là 5 ngày), rút ngắn thời gian thành lập Ban Trọng tài xuống còn 3 ngày (Dự thảo quy định 7 ngày), rút ngắn thời gian giải quyết của Ban Trọng tài xuống còn 15 ngày (Dự thảo quy định 30 ngày).

Với quan điểm trên, như vậy, tổng thời gian giải quyết 1 vụ tranh chấp, đề nghị rút ngắn còn 21 ngày (Dự thảo quy định 42 ngày). Theo quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc kéo dài thời gian giải quyết vụ việc có thể gây bức xúc cho người lao động, dẫn đến các hành động vi phạm pháp luật, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự.

Đồng thời, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị cần tiếp tục cân nhắc kỹ hơn về việc mở rộng quy định về các trường hợp được phép đình công về quyền. Quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là không mở rộng quy định về các trường hợp được phép đình công về quyền.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này