Cán bộ công đoàn, công nhân viên chức lao động Thủ đô góp ý Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi)

22:58 | 08/10/2019
(LĐTĐ) Chiều 8/10, tại trụ sở, Liên đoàn Lao động  thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc, lắng nghe ý kiến cán bộ công đoàn, công nhân viên chức lao động Thủ đô góp ý dự thảo Bộ Luật  Lao động (sửa đổi).  
can bo cong doan cong nhan vien chuc lao dong thu do gop y du thao bo luat lao dong sua doi Không tán thành tăng giờ làm thêm
can bo cong doan cong nhan vien chuc lao dong thu do gop y du thao bo luat lao dong sua doi Nỗ lực vì thành phố an toàn và thân thiện cho trẻ em gái
can bo cong doan cong nhan vien chuc lao dong thu do gop y du thao bo luat lao dong sua doi Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi: Những nội dung chính được điều chỉnh

Dự hội nghị có các đồng chí: Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội; Bùi Huyền Mai - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội.

Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi gồm 17 chương, 221 điều, sửa đổi 171 điều trong tất cả các chương và có liên quan đến 14 chính sách lớn. Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội, đồng chí Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân viên chức lao động Thủ đô tham gia vào Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), đồng thời các đại biểu có mặt tại hội nghị cũng trực tiếp đóng góp 10 lượt ý kiến cho Dự thảo.

can bo cong doan cong nhan vien chuc lao dong thu do gop y du thao bo luat lao dong sua doi
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu- Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Theo đó, các ý kiến tập trung góp ý vào một số nội dung liên quan, tác động trực tiếp tới hoạt động công đoàn và người lao động như: thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, về khung thỏa thuận làm thêm giờ, tuổi nghỉ hưu, tiền lương, thương lượng và thỏa ước lao động, tranh chấp lao động và đình công, về bình đẳng giới v.v…

Trong đó, nội dung quy định về thời giờ làm việc được trao đổi sôi nổi ở hầu hết các ý kiến. Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 105, đa số cán bộ công đoàn và công nhân lao động Thủ đô đề nghị giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ 48 giờ trong một tuần xuống 44 giờ trong một tuần, đưa vào Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) xin ý kiến Quốc hội. Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nước sạch Hà Nội Phạm Thị Vân Hương cho biết: Công ty đã và đang thực hiện số giờ làm việc là 44 giờ. Trong thời gian tới, Công đoàn Công ty sẽ tiếp tục đề xuất người sử dụng lao động ở khối gián tiếp giảm xuống còn 40 giờ, như vậy sẽ giảm giờ lao động cho hơn 400 người lao động thuộc lĩnh vực nước sạch của Thành phố.

Tán thành với đề nghị trên, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Toto Việt Nam Phạm Thị Bích Hải cũng cho biết Công ty đã thực hiện giờ làm việc cho người lao động là 41,7 giờ/tuần. Bà Hải cho rằng sự thay đổi này sẽ là động lực cho người sử dụng lao động đưa ra cải tiến về thiết bị công nghệ, vừa giúp tăng năng suất, vừa giảm thời gian lao động cho người lao động. Dẫn chứng cụ thể tại Công ty Meiko, Chủ tịch Công đoàn Công ty Phan Thanh Hải cho biết từ khi Công ty thay đổi giờ làm xuống còn 40 giờ/tuần, người lao động hết sức phấn khởi, từ đó năng suất lao động tốt lên, chi phí sản xuất giảm đem lại lợi nhuận cho Công ty.

can bo cong doan cong nhan vien chuc lao dong thu do gop y du thao bo luat lao dong sua doi
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến- Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy phát biểu tại Hội nghị

Đối với quy định về nới rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm, đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên khung thỏa thuận làm thêm giờ như trong Bộ luật Lao động 2012. Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Toto Việt Nam Phạm Bích Hải cho rằng, thực tế, người lao động muốn làm thêm giờ chỉ vì muốn cải thiện thu nhập do thu nhập thực tế còn thấp, vì thế thay vì kéo dài thời gian làm việc của người lao động, cần phát huy hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan đối với việc tăng thu nhập cho người lao động như: nâng lương tối thiểu, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc để nâng cao năng suất lao động, tăng chế độ đãi ngộ... Một số ý kiến khác cho rằng, nếu tăng khung thỏa thuận giờ làm thêm thì khi chi trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động phải được tính theo lũy tiến.

Đối với tuổi nghỉ hưu, nhiều ý kiến đồng tình với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu (được quy định tại Khoản 2 Điều 169) trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động lần này tuy nhiên, mức tăng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn, trong đó cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật.

can bo cong doan cong nhan vien chuc lao dong thu do gop y du thao bo luat lao dong sua doi
Đồng chí Bùi Huyền Mai - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

Về nội dung bình đẳng giới và lao động nữ, các ý kiến đề nghị bổ sung quy định: “Khi lao động nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến khi con đủ 12 tháng tuổi”… bởi trên thực tế, nhiều lao động nữ ký Hợp đồng lao động có thời hạn khi mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi mà hết hạn Hợp đồng lao động thì đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động, khi đó lao động nữ rất khó tìm việc làm mới do mang thai và nuôi con nhỏ, sẽ gặp khó khăn về thu nhập, việc làm ảnh hưởng tới việc nuôi dưỡng thai nhi, chăm sóc con dưới 12 tháng tuổi.

Ngoài những nội dung liên quan thiết thân tới người lao động như trên, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về các điều kiện đảm bảo hoạt động của tổ chức Công đoàn, việc thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở theo cam kết CPTPP và nhiều nội dung khác.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đánh giá cao việc Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội đã chủ động, tích cực, trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân viên chức lao động với Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng như đánh giá cao các ý kiến đóng góp sát thực, có tinh thần xây dựng của các đai biểu tại hội nghị. Nhấn mạnh mục đích, yêu cầu của việc sửa đổi Bộ Luật Lao động cũng như tính cần thiết của việc lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân viên chức lao động đóng góp cho Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu đề nghị các cấp công đoàn Thành phố Hà Nội tiếp tục lấy kiến của cán bộ công đoàn cơ sở và người lao động trực tiếp tại cơ sở, tập trung vào những vấn đề thiết thân với người lao động.

can bo cong doan cong nhan vien chuc lao dong thu do gop y du thao bo luat lao dong sua doi
Đại biểu đóng góp ý kiến cho Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi)

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy cho rằng, việc sửa đổi Bộ Luật Lao động lần này là yêu cầu cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quan hệ lao động, thị trường lao động và đặc biệt là tác động trực tiếp tới quyền lợi của người lao động cũng như hoạt động công đoàn.

“Hôm nay Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội lắng nghe ý kiến của cán bộ công đoàn, công nhân viên chức lao động Thủ đô là rất ý nghĩa và cần thiết vì các đại biểu Quốc hội của Hà Nội có tiếng nói, tầm ảnh hưởng rất lớn tại diễn đàn nghị trường Quốc hội”- đồng chí Nguyễn Thị Tuyến khẳng định. Trao đổi thêm một số ý kiến, góp ý cho dự thảo Bộ Luật Lao động, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến bày tỏ tin tưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội sẽ truyền tải những ý kiến đóng góp tâm huyết, sâu sắc của cán bộ công đoàn, công nhân viên chức lao động Thủ đô tới Quốc hội, để Bộ Luật Lao động khi được sửa đổi và có hiệu lực thi hành sẽ có tính khả thi, góp phần đảm bảo ổn định xã hội, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống thu nhập của người lao động; góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Huyền Mai, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến góp ý xác đáng, cụ thể, sâu sắc của cán bộ công đoàn, công nhân viên chức lao động Thủ đô. Sau khi phân tích cụ thể về từng nội dung góp ý, đồng chí Bùi Huyền Mai cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội sẽ có những tổng hợp cụ thể và trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Diệp- Ngọc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này