Cô giáo hơn 20 năm gắn bó với lớp học tình thương

22:18 | 08/10/2019
(LĐTĐ) 26 năm qua, ngoài việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn tại trường, cô giáo Lê Thị Hòa, Trường Tiểu học Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) còn nhiệt huyết với công việc truyền con chữ cho nhiều học sinh khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của cô được người dân địa phương đồng tình, ủng hộ.  
co giao hon 20 nam gan bo voi lop hoc tinh thuong Phường Giang Biên: Khai giảng lớp học “Bơi tự cứu” miễn phí cho học sinh
co giao hon 20 nam gan bo voi lop hoc tinh thuong Lớp học đặc biệt của cô giáo khuyết tật
co giao hon 20 nam gan bo voi lop hoc tinh thuong Lớp học tình thương của “mẹ Phúc”

Không chỉ là giáo viên, cô Hòa còn từng đảm nhiệm vai trò là Tổng phụ trách Đội của nhà trường, ở vai trò nào, cô cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với tấm lòng và sự bao dung, tình yêu thương trẻ, thấy nhiều em không có khả năng đến trường để theo học ở các lớp hòa nhập, từ năm 1993, cô Hòa mở lớp dạy học cho các em học sinh khuyết tật, tự kỷ… tại nhà.

co giao hon 20 nam gan bo voi lop hoc tinh thuong
Cô Lê Thị Hòa là một trong số 10 người được vinh danh công dân Thủ đô ưu tú năm 2019

Sau hai tháng khi lớp học mở ra, các em học sinh tìm đến học ngày một đông, không chỉ học sinh trong xã mà nhiều trẻ khuyết tật, khó khăn ở các xã lân cận cũng đến tham gia lớp học của cô Hòa. Do nhà chật và điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, năm 2007, được sự động viên, khuyến khích của gia đình và sư thầy trụ trì chùa Hương Lan cô đã mở lớp dạy cho trẻ ở tại chùa.

“Bố mẹ tôi đều là trẻ mồ côi, mẹ tôi không biết chữ, bố tôi chỉ học hết lớp 3, khi nuôi dạy các con, bố mẹ tôi chỉ mong chị em tôi trưởng thành, được học hành đầy đủ. Nhiều lần, bố tôi tâm sự, chỉ mong chúng tôi làm được điều gì có ích cho xã hội, nhất là với những người yếu thế, thiệt thòi”, cô Hòa chia sẻ về lý do mở lớp học tình thương.

Được biết, đa số các em học sinh ở đây đều nhận thức chậm, nhiều trường hợp bị khuyết tật bẩm sinh, tự kỷ nặng phải ngồi xe lăn, không chủ động sinh hoạt được. Có em tính tình thất thường, bướng bỉnh... Nhiều lúc khó khăn tưởng chừng như không thể duy trì được, vì các học sinh hay ốm, thường xuyên phải đi viện, sách vở thiếu nhưng được sự hỗ trợ của các phật tử và các cô giáo tình nguyện, đặc biệt là có sự động viên của sư thầy trụ trì chùa Hương Lan, cô Hòa từng bước vượt qua khó khăn.

Niềm vui nhân lên khi lớp học đã tăng lên 63 em ở các địa phương khác nhau của Hà Nội đến học tại lớp học tình thương của cô Hòa. Khi số học sinh tăng lên, cô Hòa càng trăn trở phải có những cách dạy làm sao giúp trẻ dễ tiếp cận, dễ hiểu.

Chia sẻ về cách giảng dạy mà cô chuẩn bị dành riêng cho học sinh ở lớp học tình thương, cô Hòa cho biết, các em đều là những trẻ khuyết tật nhưng các con đều ham học, thấy các con mong muốn được đi học cô cảm cảm thấy yêu hơn, muốn giúp đỡ các con để bù đắp cho các em những thiệt thòi đang phải gánh chịu.

"Để dạy trẻ mình phải giảng từ từ, kiên nhẫn, thậm chí dạy kèm từng em, để có phương pháp truyền tải kiến thức dành cho những em khuyết tật đặc biệt như vậy, hàng ngày ngoài giờ lên lớp là mình lại vào internet, đọc sách báo và thậm chí phải tới các trung tâm dạy học dành cho người khuyết tật để học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Từ đó, mình rút ra những phương pháp và kiến thức phù hợp nhất đối với các em”.

Người dân địa phương không chỉ nể phục cô Hòa là giáo viên nhiệt huyết, sáng tạo và đầy tình thương yêu với con trẻ, mà còn là người tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ những gia đình khó khăn, các em học sinh nghèo vượt khó vươn lên học tập.

Cô đã vận động ủng hộ, quyên góp được gần 500 triệu đồng để giúp đỡ các gia đình neo đơn, khó khăn. Niềm vui lớn hơn cả là từ lớp học của cô, nhiều đứa trẻ đã biết đọc, biết viết, biết ca hát, biết vâng lời và nhiều phụ huynh đã rơi nước mắt khi chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của con mình. Trong số đó có nhiều em đọc, viết thông thạo, các em đã tìm được một công việc phù hợp với bản thân, giúp các em trưởng thành hơn.

Đó cũng là món quà lớn nhất, ý nghĩa nhất dành cho cô giáo đầy lòng bao dung, yêu thương trẻ: “Những việc tôi làm thật sự nhỏ bé, không mong chờ sự đền đáp, chỉ cần nhìn thấy sự tiến bộ của các con hàng tuần, hàng tháng, hàng năm, như vậy là sự đền đáp xứng đáng nhất mà tôi nhận được”, cô Hòa bày tỏ.

Nguyễn Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này