“Sát thủ” vô hình từ bếp than tổ ong và thói quen đốt rơm rạ

14:44 | 04/10/2019
(LĐTĐ) Dùng than tổ ong, đốt rơm rạ sau khi thu hoạch là thói quen của nhiều người dân Hà Nội. Thói quen đó đang vô tình gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của nhiều người và cũng là hai trong số những nguyên nhân khiến không khí ở Thủ đô trở nên ô nhiễm trong thời gian gần đây.  
sat thu vo hinh tu bep than to ong va thoi quen dot rom ra Đốt than tổ ong là một trong những nguyên nhân chính khiến không khí Hà Nội ô nhiễm
sat thu vo hinh tu bep than to ong va thoi quen dot rom ra Tìm giải pháp năng lượng bền vững cho cộng đồng
sat thu vo hinh tu bep than to ong va thoi quen dot rom ra Loại bỏ bếp than tổ ong vào năm 2020: Khó do thiếu chế tài

Liên quan tới tình hình ô nhiễm không khí gần đây tại Hà Nội, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Vũ Đăng Định cho biết đun bếp than tổ ong được xác định là một trong 12 nguyên nhân chính gây nên tình trạng này.

sat thu vo hinh tu bep than to ong va thoi quen dot rom ra
Đun bếp than tổ ong được xác định là một trong 12 nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm không khí

Theo khảo sát của phóng viên báo Lao Động Thủ đô, trên một số tuyến đường như: Khâm Thiên, Thành Công (Đống Đa), Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân)… hình ảnh người dân và hộ kinh doanh sử dụng bếp than làm phương tiện đun nấu vẫn diễn ra thường xuyên, ẩn chứa nhiều nguy cơ đối với môi trường và sức khỏe.

Theo Phó Giáo sư - Tiên sĩ Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), than tổ ong hiện nay dùng ở nông thôn với quy mô gia đình là chính bởi giá nguyên liệu rẻ, mặc dù chiếm tỉ trọng thấp hơn so với các loại bếp khác nhưng vẫn còn phổ biến.

Nhiều hộ dân kinh doanh quy mô nhỏ vẫn dùng bếp than bởi mua bếp than tổ ong rất đơn giản cũng như sự cơ động, như khi muốn tăng hay giảm lửa chỉ cần mở ra đóng vào lỗ khí của bếp. Tuy nhiên khi đánh giá bếp than tổ ong đem lại lợi ích kinh tế hơn thì chưa chắc đã hiệu quả hơn dùng điện, bởi nếu dùng bếp điện có thể chủ động bật còn bếp than hầu như phải ủ cả đêm, cả ngày nguyên liệu vẫn tốn dẫn đến chẳng những lãng phí mà còn độc hại.

“Trong thành phần của than tổ ong có bùn do đó trong quá trình đốt cháy sẽ sinh ra khí CO2 và một vài khí độc nữa. Nếu trong khoảng không gian nhỏ mà đốt nhiều bếp than thì khí CO2 chiếm hết Oxy thì con người sẽ cảm thấy ngột ngạt, nên khó thở. Một số hộ gia đình đặt đun bếp than ở dưới các cây thậm chí những cây đó cũng không thể phát triển một cách bình thường được”, Giáo sư- Tiên sĩ Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong việc sử dụng bếp than, hầu hết người sử dụng đều duy trì thói quen, ủ than trong bếp để hạn chế việc phải nhóm bếp trong những lần dùng tiếp đó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính thói quen đó của người dân lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe.

sat thu vo hinh tu bep than to ong va thoi quen dot rom ra
Tình trạng đốt rơm, rạ sau vụ thu hoạch diễn ra ở nhiều vùng ngoại thành Thủ đô

“Khi ủ lại như vậy sẽ gây nên nguy hiểm, khi bếp không cháy hẳn mà cháy trong điều kiện hiếm khí thì không chỉ sinh ra khí CO2 mà còn sinh ra khí CO, một khí cực kì độc. Có một số gia đình để trong nhà mùa đông sưởi dẫn đến tình trạng tử vong cả gia đình. Do đó tuyệt đối không dùng than ủ lò để sưởi. Nếu trong điều kiện bếp thoáng, bếp không nằm trong gia đình hoặc có ống dẫn khí để thoát ra ngoài trời thì khí CO2 không gây độc, nhưng để trong không gian hẹp sẽ gây độc cho gia đình, trẻ em có thể bị bệnh, nặng hơn là tử vong”, Giáo sư- Tiên sĩ Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo.

Bên cạnh đó, hiện nay nhiều huyện ngoại thành đang vào vụ gặt và tình trạng đốt rơm rạ trên nhiều cánh đồng vẫn tái diễn. Những hành động này của người dân được các chuyên gia nhận định là một trong các tác nhân khiến chỉ số AQI của Hà Nội liên tục ở mức gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Bởi theo Sở Tài nguyên và Môi trường, quá trình đốt rơm rạ làm phát sinh khí thải CO2, CO, NO2 vào môi trường. Không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ, mà các chất ô nhiễm còn theo gió phát tán ra vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí cho những vùng xung quanh.

Trước những ảnh hưởng của than tổ ong cũng như thói quen đốt rơm, rạ của người dân, các chuyên gia môi trường cũng như nhiều người dân cho rằng không thể sử dụng mãi nhiên liệu gây ô nhiễm này ở những Thành phố có mật độ dân cư đông đúc như Hà Nội.

Theo đó, để xây dựng một Thành phố văn minh, không khí trong lành cho người dân, việc xây dựng lộ trình để tiến tới loại bỏ bếp than tổ ong vào năm 2020 là việc làm cần thiết. Tuy nhiên để hoàn thành được lộ trình đó, trước hết cần thay đổi từ chính nhận thức của mỗi người dân. Chỉ tới khi người sử dụng hiểu được tác hại của than tổ ong, hệ lụy của thói quen đốt rơm, rạ, rác thải… đối với sức khỏe, khi đó mới có thể được giải quyết triệt để được căn nguyên gây ô nhiễm không khí nêu trên.

Nguyễn Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này