Những dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội

23:25 | 03/10/2019
(LĐTĐ) Lịch sử luôn diễn ra trong một không gian và thời gian nhất định. Vì vậy, xác định khung không gian của các sự kiện giữ một vị trí quan trọng trong nghiên cứu lịch sử. Triển lãm “Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ” với mục tiêu đưa đến bức tranh toàn cảnh về những chuyển động địa giới hành chính của Hà Nội suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của thành phố, góp phần tăng sức hấp dẫn người xem, nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống, bồi dưỡng niềm tự hào tới đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
nhung dau an dia gioi hanh chinh ha noi Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ
nhung dau an dia gioi hanh chinh ha noi Phát huy vị thế quận trung tâm Thủ đô
nhung dau an dia gioi hanh chinh ha noi Huyện Thường Tín: Kinh tế phát triển bền vững sau 10 năm

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019) và kỷ niệm 20 năm thành phố Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố Vì hoà bình”, Chi cục Văn thư – Lưu trữ Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức Triển lãm tài liệu lưu trữ với chủ đề “Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ”.

nhung dau an dia gioi hanh chinh ha noi
Không gian triển lãm Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ

Triển lãm giới thiệu đến công chúng trong nước và ngoài nước 80 tài liệu lưu trữ, là tư liệu lưu trữ, hình ảnh về địa giới hành chính thành phố Hà Nội qua các giai đoạn lịch sử. Để giúp người xem nắm bắt, xâu chuỗi thông tin một cách có hệ thống, triển lãm được tổ chức thành 3 giai đoạn: Địa giới hành chính Hà Nội thời kỳ trước Cách mạng tháng 8 năm 1945; Địa giới hành chính Hà Nội thời kỳ từ năm 1945 đến năm 1954; Địa giới hành chính Hà Nội sau năm 1954.

Trong đó, giai đoạn từ năm 1873 đến năm 1954 là khoảng thời gian ghi nhận nhiều chuyển biến sâu sắc nhất của Hà Nội, từ một đô thị của Nhà nước phong kiến độc lập, trở thành thủ phủ của chính quyền thực dân; từ quy hoạch và kết cấu của một đô thị mang dáng vẻ phương Đông đi vào quá trình cận đại hóa dưới ảnh hưởng trực tiếp của chủ nghĩa thực dân Pháp...

Gần 100 hình ảnh, tư liệu lưu trữ hội tụ trong triển lãm “Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ” đã tái hiện đầy đủ và rõ nét những sự kiện, những chuyển động mang tính lịch sử trên mảnh đất nghìn năm văn hiến, kể từ ngày đầu mang tên “Hà Nội”.

Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử, Chi cục Văn thư - Lưu trữ thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Tầu cho biết, kể từ mùa Thu năm Canh Tuất - 1010, Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Đại La và đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, kinh thành Thăng Long là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả nước.

Năm 1831, vua Minh Mạng tiến hành một đợt cải cách hành chính lớn nhất kể từ khi ra đời chế độ phong kiến Việt Nam, xóa bỏ Bắc Thành ở miền Bắc và lập tỉnh Hà Nội. Tên Hà Nội có nghĩa “phía trong sông” vì thực tế Hà Nội được bao bọc bởi sông Hồng ở phía Đông Bắc và sông Đáy ở phía Tây Nam.

Những tư liệu như “Bản đồ thành phố Hà Nội năm 1873” do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản tháng 12/1916; “Nghị định năm 1889”, Hà Nội thành lập ngoại thành gồm một số xã của các huyện Vĩnh Thuận, Thọ Xương, Từ Liêm, Thanh Trì; “Bản đồ Hà Nội năm 1890”, kích thước gốc 49 x 61cm là minh chứng rõ nét nhất cho Hà Nội thời kỳ này.

Cũng qua các tài liệu lịch sử được triển lãm cho thấy, vào khoảng cuối thế kỷ 19, người Pháp bắt đầu xây dựng thành phố Hà Nội trên địa bàn khu Thành cũ, trung tâm Thành phố bao gồm địa bàn Bắc hồ Hoàn Kiếm đến khu Dinh Toàn quyền. Ngày 14/7/1899, Thống sứ Hà Nội quyết định lập khu vực ngoại thành gồm một số xã thuộc hai phủ Hoài Đức và Thường Tín.

Vùng ngoại thành do một viên đồn trưởng trực tiếp cai trị. Năm 1902, thực dân Pháp lập Hà Nội làm thủ phủ của toàn Đông Dương. Kinh thành Thăng Long cũ đã trở thành Thủ đô của xứ Đông Dương thuộc Pháp. Theo “Bản đồ Hà Nội năm 1902”, kích thước gốc 49 x 61cm, vào thời điểm này, Hà Nội có khu vực nội thành với diện tích rộng trên 10km2 và vùng ngoại thành nằm ở phía Đông Nam thành phố.

Đến năm 1928, vùng nội thành của Hà Nội đã được mở rộng đáng kể. Khu Hoàn Kiếm đã trở thành trung tâm của Thành phố. Khu phố cổ với 36 phố phường mật độ dân cư dày đặc, trong khi khu phố mới dân cư còn thưa thớt, phố chưa có tên và được đánh dấu bằng các ô số.

Tính đến năm 1945 diện tích thành phô Hà Nội rộng khoảng 150km2. Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã đưa nước ta sang một kỷ nguyên mới. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Hà Nội gồm 5 khu nội thành và 120 xã ngoại thành. Ngày 21/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 77 về việc thành lập thành phố trực thuộc Chính phủ trung ương . Theo đó Hà Nội trở thành thành phố trực thuộc Chính phủ trung ương, gồm 17 khu nội thành và 5 khu hành chính ngoại thành.

Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn ca khúc khải hoàn tiến vào trung tâm Hà Nội. Hàng vạn người dân Hà Nội trong niềm vui sướng vỡ òa, đổ ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng.

“Chúng tôi kỳ vọng, triển lãm sẽ không chỉ phác họa được đầy đủ những biến động sâu sắc về địa giới của Hà Nội, mà còn giúp người xem cảm nhận được dụng ý, mong mỏi của người xưa dành cho mảnh đất luôn là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa tinh hoa của dân tộc”, ông Nguyễn Văn Tầu nhấn mạnh.

Đến với triển lãm, công chúng Thủ đô và du khách trong, ngoài nước thêm lần nữa có cơ hội tiếp cận nhiều hình ảnh đánh dấu những sự kiện mang tính lịch sử của Hà Nội. Đó là các bức ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mô hình quy hoạch xây dựng Thủ đô ngày 16/11/1959; Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng tiếp quản Thủ đô năm 1954…

Những tư liệu, tài liệu về địa giới không chỉ cung cấp những hiểu biết về những thay đổi trên các lĩnh vực quy hoạch, hệ thống các đơn vị hành chính, tên phố..., mà còn phản ánh những biến chuyển sâu sắc của Hà Nội về nhiều phương diện, như: Không gian địa lý, môi trường sinh thái, không gian địa - chính trị, địa - văn hóa, không gian hành chính…

Với những tài liệu chuyên sâu, được diễn giải mạch lạc, đi kèm những thông tin gắn với đặc điểm đời sống, văn hóa, phong tục, thói quen canh tác, truyền thống đánh giặc giữ nước… hấp dẫn, triển lãm là cơ hội cho những ai muốn tìm hiểu thêm về mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.

Với các tư liệu, hình ảnh tiêu biểu được lựa chọn kỹ lưỡng, Triển lãm đã cung cấp đến công chúng những hình ảnh, tư liệu quan trọng về địa giới hành chính thành phố Hà Nội qua các giai đoạn lịch sử góp phần giáo dục lịch sử cho các tầng lớp nhân dân và tạo điểm nhấn sinh hoạt văn hoá, lịch sử phục vụ du khách trong nước và bạn bè quốc tế thăm quan Thủ đô. Triển lãm phục vụ du khách từ ngày 2/10 đến 15/10 tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này