Người phụ nữ "giữ lửa" quan họ Bắc Giang

21:03 | 02/10/2019
(LĐTĐ) Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật đặc sắc của quê hương cũng như dân tộc, hiện, nhiều người trẻ ở Bắc Giang vẫn hàng ngày nỗ lực cùng nhau “nuôi” những làn điệu quan họ. 
nguoi phu nu giu lua quan ho bac giang Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vui hội khai trường ở Bắc Giang
nguoi phu nu giu lua quan ho bac giang Tổ chức triển lãm tranh thiếu nhi "Cuộc sống quanh em"
nguoi phu nu giu lua quan ho bac giang Vải thiều Lục Ngạn năm 2019: Chất lượng, được giá

Lớn lên trong làn điệu quan họ

Sinh ra từ làng quan họ truyền thống và được nuôi dưỡng bởi chính những lời hát của ông bà mình, chị Tố Uyên (32 tuổi) - thành viên đội hát Trung tâm Văn hóa Thành phố Bắc Giang có một tình yêu mãnh liệt với bộ môn nghệ thuật này.

Đối với chị, quan họ chính là truyền thống quê hương được duy trì và phát triển từ đời này qua đời khác; là lối hát "thật nhất” trong các lối hát, bởi lời ca quan họ hát về đời sống hàng ngày của nhân dân cũng như những tình cảm trong sáng của nam nữ.

Những năm tháng tuổi thơ của chị Uyên là những chiều tối cùng ông bà và các nghệ nhân trong làng trải chiếu tại đình. Dưới ánh đèn leo lắt, mọi người quây quần lại với nhau thành từng nhóm và cất lên những câu quan họ cổ. Từ những câu ca truyền miệng ấy, chị đâm ra “say” làn điệu quan họ và quyết tâm theo đuổi bộ môn nghệ thuật này.

nguoi phu nu giu lua quan ho bac giang
Chị Tố Uyên trong trang phục biểu diễn quan họ. (Ảnh: Quỳnh Trang)

Sở hữu một gương mặt sáng và giọng ca ngọt ngào, ngay sau khi tốt nghiệp ngành “Nghệ thuật biểu diễn Dân ca Quan họ” tại Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, chị Uyên đã đem làn điệu quan họ đến nhiều sân khấu trong và ngoài nước.

Hiện tại, bên cạnh công việc hàng ngày là một viên chức Nhà nước, chị vẫn tham gia tập hát, đi dạy hát quan họ và có mặt tại các cuộc thi lớn nhỏ khác nhau.

Mỗi lần được đi biểu diễn ở nước ngoài, chị Uyên đều xác định đó chính là niềm tự hào nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm đối với chị khi mang loại hình nghệ thuật dân ca, tâm hồn của dân tộc giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Hình ảnh chị hai quan họ Tố Uyên nền nã trong chiếc áo mớ ba mớ bảy, duyên dáng cùng vành nón quai thao, đằm thắm trong câu hát trao duyên luôn thuyết phục được những khán giả yêu mến Việt Nam nói chung, say đắm làn điệu dân ca quan họ nói riêng.

Chị tâm sự: “Khi ra nước ngoài biểu diễn, chỉ cần mặc trang phục thôi thì người nước ngoài cũng đã nhận ra “cô gái quan họ” rồi, vì vậy chị phần nào cảm thấy tự tin hơn mỗi lần “mang chuông đi đánh xứ người”.

Nỗi niềm trăn trở quan họ Bắc Giang

Với gần 10 năm tuổi nghề, mặc dù dân ca quan họ ở nơi đây ngày càng phát triển sâu rộng hơn với sự xuất hiện của gần 30 câu lạc bộ nằm rải rác khắp các địa phương, chị Uyên nhận thấy quan họ Bắc Giang vẫn chưa có nhiều “sân chơi” để mọi người có cơ hội thể hiện mình.

Một phần cũng bởi khi nhắc đến quan họ, người ta sẽ chỉ nhớ đến Bắc Ninh - địa phương đã và đang thực hiện rất tốt trong việc bảo tồn và phát triển làn điệu dân ca vùng Kinh Bắc.

“Quan họ Bắc Ninh nổi tiếng hơn bởi nó đại trà hơn, làng nào cũng hát quan họ, dù ở đám cưới hay sự kiện, hội nghị lớn. Hoặc đơn giản, chỉ cần thời gian rảnh không phải đi học, đi làm, người dân Bắc Ninh cũng thành lập các đội hát và đi hát”, chị Uyên cho biết.

Trong khi đó, người dân Bắc Giang đều muốn có nhiều hơn những cuộc thi quan họ để vừa có cơ hội bảo tồn di sản văn hóa của địa phương, đồng thời kêu gọi, động viên các bạn trẻ tại các huyện vùng quê tham gia, từ đó phát hiện thêm nhiều tài năng trẻ để đào tạo và bồi dưỡng.

Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất trong việc duy trì quan họ tại địa phương chính là sự thiếu hụt về kinh phí và đầu tư cơ sở vật chất. Ngay cả khi đào tạo lứa ca sĩ trẻ hát quan họ, những người đi trước như chị Uyên nhiều khi đồng ý dạy miễn phí, nhiều khi còn phải bỏ tiền túi ra để có thể tạo điều kiện tốt nhất cho đàn em, đàn cháu theo đuổi môn nghệ thuật này.

Hơn nữa, những nghệ nhân quan họ cổ phần lớn đều đến tuổi “gần đất xa trời” nên việc truyền dạy quan họ Bắc Giang cần phải được chú trọng để tránh việc “thất truyền” cả một di sản văn hóa.

Nét đẹp của những người truyền lửa như chị Uyên chính là tinh thần cống hiến hăng say của mình. Dù cuộc sống mưu sinh ngoài xã hội vất vả, khó khăn như thế nào đi chăng nữa, chị vẫn đắm đuối lời ca tiếng hát, đóng góp hết sức mình cho nghệ thuật.

Để góp phần lưu truyền câu ca quan họ từ đời này sang đời khác, chị không chỉ truyền lại cho con gái mình mà còn giúp gìn giữ, bảo tồn, qua việc dạy hát cho thế hệ sau này - những người nối dài sức sống của di sản cha ông.

Quỳnh Trang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này