Hà Nội đi đầu phòng chống bệnh dại

10:49 | 27/09/2019
(LĐTĐ) Bệnh dại có nguy cơ gia tăng là do tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó, mèo tại một số địa phương còn thấp nên chưa khống chế được căn bệnh nguy hiểm này. Đáng lo ngại, người dân còn chủ quan, nhận thức về bệnh dại còn hạn chế, dẫn đến khi bị chó, mèo cắn không đi khám, tư vấn y tế để được tiêm vắc xin phòng bệnh hiệu quả.
ha noi di dau phong chong benh dai Chó thả rông, không rọ mõm vẫn “nhởn nhơ” ở nơi công cộng

Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên người và động vật còn thấp

Đây là những thông tin được đưa ra tại Lễ mít tinh hưởng ứng ngày “Thế giới phòng, chống bệnh dại” năm 2019, do Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Hoài Đức vừa tổ chức. Theo các chuyên gia y tế, mặc dù đã có nhiều thành công trong nghiên cứu và khống chế bệnh dại nhưng đến nay bệnh dại vẫn là một vấn đề y tế công cộng cần quan tâm, trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có 50.000 - 70.000 người tử vong do bệnh dại và trên 10 triệu người phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại.

Tại Việt Nam, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm và hiện nay số tử vong do dại vẫn ghi nhận ở mức cao với khoảng 100 trường hợp trong một năm. Trong đó, Hà Nội là một trong những địa phương đã thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh dại, tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan nên hàng năm tại một số huyện ngoại thành vẫn ghi nhận bệnh nhân tử vong do căn bệnh này.

ha noi di dau phong chong benh dai
Diễu hành cổ động Ngày Phòng chống bệnh dại trên địa bàn huyện Hoài Đức.

Theo thống kê, năm 2015 toàn Thành phố ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh dại, năm 2016 ghi nhận 2 trường hợp, năm 2017 ghi nhận 2 trường hợp, năm 2018 ghi nhận 3 trường hợp. Qua điều tra dịch tễ, tất cả các trường hợp tử vong đều bị chó cắn mà không được đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại hoặc tiêm muộn.

Chia sẻ về hoạt động phòng chống bệnh dại trên động vật ông Nguyễn Văn Huy, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hoài Đức cho biết: Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút dại gây nên, 100% bệnh nhân tử vong khi đã lên cơn dại. Bệnh lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó và mèo. Hiện nay, bệnh dại vẫn còn lưu hành chủ yếu do công tác phòng chống dại còn nhiều khó khăn, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên người và động vật còn thấp. Nhiều trường hợp nạn nhân tử vong vô cùng đáng tiếc do người dân chủ quan không tiêm phòng vắc xin dại khi bị chó mèo bị bệnh cắn, hoặc điều trị bằng các phương pháp truyền miệng, dân gian, thuốc nam… không đem lại kết quả.

Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng

Từ thực tế điều trị, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, từ thời điểm chó dại cắn đến khi phát bệnh thường trong vòng 3-6 tháng, rất ít trường hợp phát bệnh sớm hơn hoặc sau vài năm mới phát bệnh. “Hầu như 100% các trường hợp lên cơn dại đều tử vong, khi người bệnh sợ gió, sợ nước là đã không còn cách gì cứu chữa. Bản thân mỗi bác sĩ khi chứng kiến những ca lên cơn dại đều rất ám ảnh vì thấy chết mà không thể cứu, bệnh nhân thường tỉnh táo đến lúc chết do co thắt thanh quản gây suy hô hấp”, bác sĩ Cấp cho biết.

Đến nay, trên thế giới cũng chưa có phương cách nào để điều trị cho các bệnh nhân dại. Bởi vậy, khi bị chó cắn người dân cần bình tĩnh thực hiện các bước sơ cứu để phòng chống bệnh dại hiệu quả. Theo bác sĩ Cấp, không phải 100% số người bị cắn đều phát bệnh dại mà có người bị, người không, tùy thuộc lượng vi rút trong nước bọt con chó nhiều hay ít, vết thương sâu hay không làm rách da.

Tuy nhiên không thể dự đoán được người nào có thể bị phát dại hay không, bởi vậy người bị chó cắn cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch liên tục. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn, cào. Sau đó, người bị chó cắn tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Đồng thời, trong quá trình sơ cứu cần hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Sau đó, đến ngay Trung tâm Y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo, nếu bị chó cắn, cần theo dõi trong vòng 10 ngày, nếu chó phát dại, chết hoặc bị mất tích hay bị giết thịt thì cần nhanh chóng đi tiêm càng sớm càng tốt, tiêm kết hợp vắc xin và huyết thanh. Nếu con vật còn sống, cần theo dõi để không tiêm hoặc hoãn tiêm. Hiện tại, Việt Nam đã cho phép lưu hành 5 vắc xin ngừa bệnh dại của Ấn Độ, Pháp. Các vắc xin này đều là vắc xin thế hệ mới, không còn tác dụng phụ. Nếu tiêm sớm và đủ mũi, hiệu quả bảo vệ gần 100%. Khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, cần tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch.

Để có thể ngăn ngừa và khống chế được bệnh dại hiệu quả trên địa bàn Hà Nội, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cần thực hiện các giải pháp cụ thể và quyết liệt như: Tăng cường sự vào cuộc, chỉ đạo của các cấp chính quyền, nghiêm túc thực hiện Nghị định số 05 của Chính phủ, Quyết định số 193 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 30 của Ủy ban Nhân dân Thành phố về việc “Thực hiện chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2021”.

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường công tác kiểm soát số lượng đàn chó mèo và loại trừ bệnh dại trên đàn chó mèo nuôi thông qua việc tiêm phòng vắc xin và duy trì tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho chó mèo đạt trên 90% tổng đàn. Đồng thời, các đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống bệnh dại cho cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống bệnh dại; người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn khi bị chó mèo nghi dại cắn; tuyệt đối không sử dụng thuốc nam để tự điều trị khi bị chó cắn. Bên cạnh đó, ngành Y tế cần đảm bảo đầy đủ về nhân lực, vắc xin, huyết thanh để đáp ứng cho việc phòng và điều trị cho người dân khi bị súc vật nghi dại cắn.

Cũng theo Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh dại, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của riêng ngành Y tế hoặc ngành Nông nghiệp mà cần có sự cam kết và sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các cấp cùng với sự tham gia của toàn cộng đồng. Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại là một cơ hội nhằm tăng cường sự hiểu biết của người dân về phòng chống bệnh dại, tăng cường phối hợp liên ngành và kêu gọi sự hợp tác, cam kết của cộng đồng cũng như các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể cùng tham gia để đẩy lùi căn bệnh này.

Minh khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này