Cần đảm bảo quyền lợi của thực tập sinh

22:28 | 26/09/2019
(LĐTĐ) Theo phản ánh của ông Nguyễn Xuân Thành (ở xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), con ông là anh Nguyễn Văn Hoàn (sinh năm 1991) ký hợp đồng với Công ty TNHH Hợp tác lao động và Thương mại Thái Bình (Công ty Thabilabco) đi làm thực tập sinh (tên gọi chung của lao động làm việc tại Nhật Bản) với thời gian 3 năm.
can dam bao quyen loi cua thuc tap sinh Phái cử thực tập sinh sang thực tập tại Nhật Bản: Cơ hội cho sinh viên nghèo
can dam bao quyen loi cua thuc tap sinh 32 ứng viên trúng tuyển Chương trình thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản
can dam bao quyen loi cua thuc tap sinh Việt Nam - Nhật Bản: Thúc đẩy hợp tác trong tiếp nhận lao động

Tuy nhiên, sang Nhật Bản chưa được 1 năm, anh Hoàn đã bị phía Nhật yêu cầu phải về nước vì không hoàn thành công việc được giao…

Qua tìm hiểu, ngày 9/4/2018, anh Nguyễn Văn Hoàn ký hợp đồng thực tập sinh kỹ năng tại Nhật Bản với Công ty Thabilabco (có địa chỉ ở 259, Lý Bôn, phường Tiền Phong, Thành phố Thái Bình) với thời hạn 3 năm.

can dam bao quyen loi cua thuc tap sinh
Ông Vũ Văn Toại (ngồi giữa) trong buổi làm việc với phóng viên

Sau đó, Hoàn tham dự xét tuyển và trúng tuyển đơn hàng lắp ráp thiết bị điện tử, trở thành thực tập sinh của Công ty Kabushikigaisha Taiyo Denshi (thuộc sự quản lý của Nghiệp đoàn Universal Kabushikigaisha Taiyo Denshi). Ngày 22/8/2018, anh Hoàn cùng 12 thực tập sinh khác xuất cảnh, ngày 23/8/2018 họ chính thức được phía Nhật Bản tiếp nhận.

Một thời gian sau, ông Nguyễn Xuân Thành nhận được thông tin là con trai mình bị trầm cảm. Phía công ty khuyên gia đình động viên anh Hoàn viết đơn xin về nước vì lý do sức khoẻ. Ông Thành liên lạc với con trai thì được biết sức khoẻ của con mình hoàn toàn bình thường. Ngày 13/2/2019, đại diện Công ty Thabilabco và xí nghiệp bên Nhật Bản đã đưa anh Hoàn đi khám bệnh và kiểm tra tâm lý ở bệnh việc của tỉnh Fukui. Bệnh viện kết luận sức khoẻ của anh Hoàn là bình thường.

Theo ông Thành: Mặc dù sức khỏe Hoàn bình thường nhưng sau đó, xí nghiệp vẫn không bố trí công việc cho con trai ông. Ngày 16/2/2019, anh Hoàn được đưa đi kiểm tra tay nghề và không đạt. Ngày 25/2/2019, gia đình đã làm việc với Công ty Thabilabco và không chấp nhận những lý do phía công ty đưa ra để anh Hoàn về nước.

Đến ngày 6/3/2019, xí nghiệp ở Nhật Bản sắp xếp công việc cho anh Hoàn đi làm trở lại, nhưng đến ngày 11/3/2019, anh Hoàn lại bị xí nghiệp cho nghỉ việc vì lỗi vi phạm…Ngày 19/3/2019, ông Thành làm việc với Công ty Thabilabco. Tại buổi làm việc, đại diện công ty thông báo xí nghiệp bên Nhật Bản không tiếp nhận anh Hoàn nữa và phía Nghiệp đoàn cũng từ chối giới thiệu anh Hoàn sang xí nghiệp khác.

Đại diện công ty đưa ra phương án: Nếu anh Hoàn về nước, công ty sẽ hỗ trợ đền bù 2.500 USD và tiền vé máy bay. Tuy nhiên, gia đình ông Thành không đồng ý, đề nghị phía công ty có biện pháp can thiệp để anh Hoàn tiếp tục ở lại Nhật Bản làm việc vì chi phí của gia đình bỏ ra để cho anh Hoàn sang Nhật Bản lao động là quá lớn.

“Để con tôi được sang thực tập sinh tại Nhật Bản, tại Công ty Thabibabco, chi nhánh Hà Nội (562 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên), gia đình tôi đã nộp đầy đủ số tiền theo yêu cầu là 183.225.000 đồng. Trong đó có các khoản tiền: Cam kết tự nguyện là 79.800.000 đồng; nộp phí xuất cảnh: 80.070.000 đồng; bổ sung kiến thức: 5.900.000 đồng; ăn 6 tháng: 6.000.000 đồng; ở ký túc xá: 7.100.000 đồng; hoàn tất thủ tục xuất cảnh: 2.355.000 đồng; thu phí phái cử: 2.000.000 đồng” - ông Thành cho biết.

Ngày 23/9/2019, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Vũ Văn Toại – Phó Giám đốc chi nhánh Công ty Thabilabco tại Hà Nội, về những nội dung ông Nguyễn Xuân Thành phản ánh. Ông Toại cho biết: “Anh Hoàn cùng 12 thực tập sinh khác trúng tuyển trong đợt xét tuyển thực tập sinh do xí nghiệp bên Nhật Bản trực tiếp sang Việt Nam để xét tuyển.

Tuy nhiên, khi sang Nhật, anh Hoàn đã bộc lộc một số vấn đề về tâm lý khiến việc thực tập kỹ năng gặp khó khăn. Để hỗ trợ thực tập sinh, phía công ty đã đề nghị xí nghiệp bên Nhật Bản bố trí 5 công việc khác nhau nhưng anh Hoàn vẫn không đáp ứng được. Ngoài ra, vào tháng 2/2019, anh Hoàn có một số biểu hiện không bình thường nên xí nghiệp đã đưa đi khám, tuy nhiên không phát hiện bệnh lý.

Mặc dù vậy, lo ngại sự việc đáng tiếc có thể xảy ra, xí nghiệp đã cho anh Hoàn tạm ngừng việc và khuyên thực tập sinh về Việt Nam điều trị, ổn định tâm lý, sau đó quay trở Nhật Bản làm việc. Tuy nhiên anh Hoàn không đồng ý. Ngày 19/3/2019, Công ty Thabilabco thông báo với gia đình nhiều khả năng anh Hoàn sẽ phải về nước và đề xuất mức hỗ trợ, nhưng phía gia đình ông Thành không đồng ý và mong muốn được hỗ trợ ở mức cao hơn”.

Về hướng giải quyết trong thời gian tới sao cho đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của thực tập sinh, ông Toại cho biết, hiện nay công ty tiếp tục kết hợp với Nghiệp đoàn Universal Kabushikigaisha Taiyo Denshi để tìm xí nghiệp mới cùng ngành nghề theo hợp đồng đã ký với thực tập sinh và giải quyết những vấn đề phát sinh có thể xảy ra.

Trường hợp thực tập sinh phải về nước vì không có xí nghiệp nào tiếp nhận thì phía công ty, nghiệp đoàn, xí nghiệp sẽ tiến hành các biện pháp hỗ trợ theo quy định của 2 nước đối với việc về nước trước thời hạn của thực tập sinh…

Trao đổi với đại diện của Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, xung quanh nội dung nêu trên, được biết Cục đã yêu cầu phía Công ty Thabilabco báo cáo và đang trong quá trình xác minh.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

H.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này