Cam go cuộc chiến với "giặc lửa"

16:57 | 23/09/2019
(LĐTĐ) Liên tiếp các vụ hoả hoạn xảy ra gần đây trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, môi trường và tình hình an ninh trật tự trong toàn xã hội. Do đó, công tác phòng cháy chữa cháy là việc làm được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết.   
cam go cuoc chien voi giac lua Phòng cháy chữa cháy: Làm tốt công tác bốn tại chỗ
cam go cuoc chien voi giac lua Lực lượng phòng cháy chữa cháy trắng đêm dập lửa
cam go cuoc chien voi giac lua Tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho lực lượng dân phòng

Kỳ 1: Cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp

Thời gian gần đây, liên tiếp những vụ cháy nổ lớn xảy ra trên địa bàn Hà Nội gây hoang mang trong dư luận với những hậu quả để lại vô cùng lớn cả về người và tài sản. Mặc dù công tác phòng cháy chữa cháy luôn được quan tâm, chú trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục.

Khắc phục những khó khăn

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an Thành phố Hà Nội, thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy trên địa bàn được các cấp các ngành đặc biệt quan tâm.

Các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các tổ chức, cá nhân được tăng cường.

Tuy nhiên, theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 278 vụ cháy. Trong đó, có 2 vụ cháy lớn, 5 vụ cháy nghiêm trọng, 3 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 80 vụ cháy trung bình, 187 vụ cháy nhỏ, 1 vụ cháy rừng.

Các vụ cháy nổ làm 14 người chết, 21 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 40,5 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 327 vụ chập điện trên cột, 486 sự cố cháy thiệt hại không đáng kể.

cam go cuoc chien voi giac lua
Vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông gây nhiều hậu quả nặng nề (Ảnh: P.V)

Vụ hỏa hoạn kinh hoàng khiến dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông vào ngày 28/8 trên địa bàn quận Thanh Xuân. Tuy không có thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về tài sản đến hàng trăm tỷ đồng, kéo theo đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, sức khỏe của người dân... được dư luận xã hội quan tâm.

Hay mới đây, ngày 15/9, tại ngôi nhà 4 tầng số 594 Đê La Thành (phường Giảng Võ, Ba Đình) đã xảy ra một vụ cháy nhà ở kết hợp với kinh doanh đồ nội thất. Đám cháy bốc lên từ tầng 1 rồi nhanh chóng lan rộng lên các tầng trên. Con trai chủ nhà phát hiện ra lửa đã kịp hô hoán mọi người trong nhà chạy thoát thân. Cửa trước của nhà bị cháy nên các thành viên chạy ra ngoài bằng cửa sau...

Có thể thấy, những vụ cháy nổ gần đây chủ yếu diễn ra tại nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh hoặc các xưởng sản xuất nằm xen giữa khu dân cư. Đáng nói, mới đây, lực lượng Phòng cháy chữa cháy thành phố đã thống kê, hiện có gần 20.000 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy, trong đó có hơn 9.000 cơ sở có nguy hiểm cháy nổ; hơn 4.900 cơ sở sản xuất, kho hàng hóa xen lẫn khu dân cư.

Trong khi đó, đa số các cơ sở này đường vào khó khăn, nguồn nước phục vụ chữa cháy còn thiếu, không trang bị đầy đủ phương tiện, hệ thống phòng cháy chữa cháy theo quy định… dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ. Nhận thức rõ điều này, Hà Nội chủ trương củng cố, nâng cao chất lượng các đội phòng cháy chữa cháy tại cơ sở để thực hiện tốt hơn phương châm “4 tại chỗ”.

Làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy

Được biết, trong thời gian qua, Công an Thành phố Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 10.000 trường hợp vi phạm về phòng cháy chữa cháy với số tiền gần 30 tỷ đồng.

Cũng từ năm 2016 đến nay, Công an Thành phố đã kiểm tra hơn 123.800 lượt cơ sở, lập hơn 123.800 biên bản kiểm tra hướng dẫn về phòng cháy chữa cháy, kiến nghị cơ sở khắc phục hơn 280.000 trường hợp còn tồn tại, thiếu sót về phòng cháy chữa cháy, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 10.000 trường hợp với số tiền gần 30 tỷ đồng, ra quyết định đình chỉ 1.520 trường hợp, tạm đình chỉ 1.025 trường hợp.

Đến thời điểm này, Công an Thành phố đang đình chỉ hoạt động 1.150 cơ sở, tạm đình chỉ hoạt động 204 cơ sở, chủ yếu thuộc loại hình cơ sở kinh doanh karaoke và một số hạng mục thuộc công trình nhà cao tầng, cơ sở sản xuất, chợ vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy.

Theo Trung tướng Đoàn Duy Khương (Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội), để làm tốt công tác phòng chống cháy nổ, thời gian tới, cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy sẽ tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các khu vực, cơ sở có nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ. Quy hoạch tổng thể hệ thống phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Đồng thời, đầu tư trang bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng về giao thông, nguồn nước theo quy hoạch. Định kỳ tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”. Từ đó tạo nên thế trận toàn dân trong phòng cháy chữa cháy, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Kim Tiến

(Còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này