Việt Nam - Khát vọng thịnh vượng: Gỡ nút thắt cơ chế và vấn đề tầm nhìn

11:53 | 20/09/2019
(LĐTĐ) Ngày 19/9 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) 2019 với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động”. Tại diễn đàn này, một số gợi mở để Việt Nam trở nên thịnh vượng đã được đề cập.
viet nam khat vong thinh vuong go nut that co che va van de tam nhin Vận dụng tối đa cơ chế, chính sách để bảo đảm quyền lợi cho công dân
viet nam khat vong thinh vuong go nut that co che va van de tam nhin Cần có cơ chế trong việc trọng dụng, tuyển dụng nhân tài

Sẽ không thể thành công nếu không đổi mới tư duy

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, kể từ khi gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, Việt Nam luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt trên 6,2%. Đến hết năm 2018, quy mô GDP đạt trên 250 tỷ USD, thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 2.600 USD (nếu tính theo sức mua tương đương - PPP, quy mô GDP đạt trên 720 tỷ USD, bình quân đầu người đạt trên 7.600 USD).

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận, Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Hiện Việt Nam vẫn là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động của nền kinh tế chưa cao; năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa mạnh.

viet nam khat vong thinh vuong go nut that co che va van de tam nhin
Tạo sự bình đẳng với mọi thành phần kinh tế để biến Việt Nam- khát vọng thịnh vượng thành hiện thực. (Khu đô thị do Vingroup đầu tư tại TP Hồ Chí Minh- ảnh: Vingroup)

Nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường vẫn còn những khiếm khuyết cần phải hoàn thiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn lực và tính bền vững của phát triển. "Thế giới mà chúng ta đang sống đang thay đổi rất mau lẹ với nhiều diễn biến phức tạp, mức độ cạnh tranh kinh tế, thương mại toàn cầu ngày càng cao. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của nhiều công nghệ chưa từng có đang làm thay đổi mạnh cách thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và doanh nghiệp.

Các hình thái kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn ngày càng phổ biến. Bối cảnh này mang lại cơ hội và cả thách thức cho những nước đang phát triển như Việt Nam, đòi hỏi các nước phải rất nhanh nhạy trong nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, nếu không sẽ không bắt kịp xu thế phát triển của thời đại"- Bộ trưởng Dũng nhận định.

Trong bối cảnh đó, chưa nói đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” đã là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam. Sẽ không thể thành công nếu không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng cách thức phát triển nền kinh tế, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Bởi vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng là một quá trình vận động không ngừng với nhiều cơ hội và thách thức.

Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam xác định một định hướng quan trọng về thể chế là: Hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Xây dựng, hoàn thiện, thử nghiệm khuôn khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường.

Muốn thành công cần cải cách táo bạo

“Những khát vọng và mong muốn của chúng tôi trong việc phát triển đất nước ngày càng thịnh vượng, hiện đại, với những định hướng táo bạo và đầy quyết tâm là rất rõ ràng.Tuy nhiên, chúng luôn mong muốn được tìm hiểu, học hỏi các bài học kinh nghiệm trên thế giới, được lắng nghe các ý kiến tư vấn, khuyến nghị của các chuyên gia, các học giả gắn với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Sẽ có rất nhiều câu hỏi đặt ra đối với chúng tôi phải giải quyết cả trong ngắn hạn và chiến lược dài hạn.

Các chủ đề thảo luận của Diễn đàn ngày hôm nay đã được Ban Tổ chức sắp xếp trong chương trình, nhưng tựu chung lại, đối với mỗi chủ đề, có 02 câu hỏi lớn đặt ra là: Phải lựa chọn những ưu tiên gì để thực hiện, vì nguồn lực của chúng ta luôn có hạn? Và cần hành động thế nào để đạt được các mục tiêu đề ra? Trong khuôn khổ nội dung Diễn đàn lần này, chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ, giải đáp, trao đổi sâu sắc, toàn diện của các quý vị tham dự Diễn đàn với ba trọng tâm chính là: Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập; Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình; và ưu tiên và hành động vì một Việt Nam thịnh vượng”.

Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư

Tham gia tại diễn đàn, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione cho hay, khi chúng ta đang hướng tới thập kỷ tới với nhiều cơ hội cũng như các rủi ro: Căng thẳng thương mại đang gia tăng và những thay đổi công nghệ đang diễn ra với một tốc độ chưa từng thấy. Những yếu tố này tác động đặc biệt đối với Việt Nam, vốn đã từng phụ thuộc rất nhiều vào thương mại toàn cầu như một động lực tăng trưởng. Hiện, mô hình kinh tế của Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức trong nước, bao gồm dân số già hoá nhanh, hình thành vốn và tỷ lệ sinh lời từ đầu tư thấp, suy thoái vốn tự nhiên, vốn nhân lực yếu, khả năng giảm tốc độ tăng năng suất…

Do đó, dẫu Việt Nam có mọi tiềm năng để duy trì thành công sự phát triển của mình, vẫn cần có những cải cách táo bạo để đất nước có thể nắm bắt các cơ hội trong tương lai và quản lý các rủi ro được nêu ở trên. Cũng theo Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được thiết kế tốt có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam. Vì vậy, các ưu tiên và hành động không chỉ cần được xác định rõ ràng mà còn phải khả thi về mặt thực thi thông qua việc tính đến bối cảnh địa phương và các bên tham gia, và đây chính là những gì chúng tôi muốn rút ra từ cuộc đối thoại hôm nay.

Chúng tôi muốn tập trung thảo luận về giải pháp để Việt Nam có thể sắp xếp thứ tự ưu tiên các chính sách của mình và xây dựng một chương trình cải cách khả thi trong thập kỷ tới. Bởi thế, mấu chốt quan trọng là chúng ta cần tập trung thảo luận với 3 nội dung chính là: Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập; đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình; và ưu tiên và hành động vì một Việt Nam thịnh vượng.

Còn PGS-TS. Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia thịnh vượng trong 10-20 năm tới, một trong những việc quan trọng cần phải làm là “nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội”.

Và một trong những việc cần làm là nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng thực sự, huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển trong xã hội, dù là cho khu vực kinh tế nhà nước, khu vực tư nhân hay khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, phải theo nguyên tắc thị trường.

TS Nguyễn Đình Cung cũng nhận định: Đại hội XII của Đảng cho rằng phải phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc thị trường, nhưng cho đến nay dường như chưa có cải cách gì lớn trong thị trường nhân tố sản xuất, phân bổ nguồn lực nhà nước. Chẳng hạn tiền mình đầu tư, mình không sử dụng doanh nghiệp của mình để nâng cao năng lực, tạo việc làm cho xã hội, mà lại bảo mình không làm được, doanh nghiệp mình chưa có kinh nghiệm. Nói một cách ngắn gọn, phân bổ nguồn lực là những gì doanh nghiệp trong nước làm được thì phải ưu tiên…

H.Phạm – H.Xuân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này