Năng lượng tái tạo cần thêm chính sách và tài chính

21:29 | 19/09/2019
(LĐTĐ) Đây là một trong những nội dung thông tin được đề cập tại Hội thảo “Tài chính Xanh cho năng lượng tái tạo trong ngành công nghiệp tại Việt Nam” do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) phối hợp với cơ quan điều phối là Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh tổ chức. Sự kiện là một “điểm nhấn” trong khuôn khổ Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019 nhằm chỉ ra những thách thức cũng như cơ hội của Việt Nam khi phát triển năng lượng tái tạo.  
nang luong tai tao can them chinh sach va tai chinh Năng lượng tái tạo là tương lai của hệ thống điện
nang luong tai tao can them chinh sach va tai chinh Khai mạc Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019
nang luong tai tao can them chinh sach va tai chinh Phát triển năng lượng tái tạo: Vấn đề là khơi thông nguồn vốn

Cụ thể, hội thảo nhằm cập nhật tình hình phát triển năng lượng tái tạo, cơ hội và khó khăn khi đầu tư vào năng lượng tái tạo và những sáng kiến tài chính xanh; chia sẻ kinh nghiệm để các doanh nghiệp tư nhân hiểu thêm về những yêu cầu vay vốn cho những dự án sản xuất xanh; tăng nhu cầu đầu tư năng lượng tái tạo từ khối tư nhân và thúc đẩy thực hiện chính sách cho năng lượng tái tạo, cụ thể cho điện mặt trời áp mái…

Trao đổi tại hội thảo, ông Simon James – đại diện Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) tại Việt Nam cho biết, năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn để đáp ứng được nhu cầu đang ngày một tăng nếu có chính sách thích hợp và được hỗ trợ về tài chính.

Theo báo cáo về viễn cảnh ngành năng lượng của WWF, việc chuyển đổi sang 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050 là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, những thách thức cho ngành năng lượng tái tạo nằm ở vấn đề vốn đầu tư. Hiện nay, chi phí đầu tư vẫn còn khá cao đối với một số công nghệ mới, do đó, năng lượng tái tạo vẫn đang khó cạnh tranh với ngành nhiên liệu hóa thạch.

Ông Simon James cho rằng, theo ước tính, chi phí của các dự án năng lượng tái tạo đang giảm dần, việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời và điện gió sẽ rẻ hơn xây dựng các nhà máy điện than kể từ sau năm 2020.

nang luong tai tao can them chinh sach va tai chinh
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng những thách thức cho ngành năng lượng tái tạo nằm ở vấn đề vốn đầu tư. Ảnh: Đ.Luyện

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển năng lượng tái tạo và nguồn tài chính xanh trong khu vực Đông Nam Á. Bàn sâu về các vấn đề phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đặc biệt là các sáng kiến tài chính xanh hướng tới đẩy nhanh việc xây dựng và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường…

Khách quan nhìn nhận, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực trên toàn thế giới, Việt Nam phải đối diện bài toán tìm nguồn năng lượng mới thì năng lượng tái tạo chính là nguồn năng lượng tất yếu, có thể sử dụng rộng rãi trong tương lai gần. Thậm chí, không ít chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng cho rằng, tương lai năng lượng tái tạo có thể dần thay thế các nguồn điện truyền thống.

Xác định rõ tầm quan trọng, từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để thúc đẩy sản xuất và thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian 2 năm, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện quốc gia tăng nhanh từ không đáng kể lên hơn 9% với 2 nguồn chủ yếu là điện gió và điện mặt trời.

Đây là những thay đổi tích cực thể hiện sự nỗ lực cần được ghi nhận của người dân và chính phủ để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng truyền thống nhằm bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của Việt Nam

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này