Nhận diện rủi ro để ngăn ngừa tai nạn lao động

21:51 | 13/09/2019
(LĐTĐ) Thực hiện chức năng đại diện, Công đoàn các cấp phải không ngừng đổi mới phương pháp tuyên truyền về các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn - vệ sinh lao động cho cả người lao động lẫn chủ doanh nghiệp, nội dung tuyên truyền phải đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, giúp người lao động hiểu rõ được nguy cơ của tai nạn lao động và thực hiện tốt những quy định về an toàn lao động… 
nhan dien rui ro de ngan ngua tai nan lao dong Giảm nỗi đau tai nạn lao động
nhan dien rui ro de ngan ngua tai nan lao dong Thêm cơ hội để giảm thiểu tai nạn lao động
nhan dien rui ro de ngan ngua tai nan lao dong Chung tay đẩy lùi tai nạn lao động

Trên là một số giải pháp được nêu tại Hội nghị chuyên đề “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp” do Cụm thi đua Liên đoàn Lao động 5 thành phố trực thuộc Trung ương vừa tổ chức mới đây.

nhan dien rui ro de ngan ngua tai nan lao dong
Quang cảnh hội nghị

Gia tăng tai nạn chết người

Ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng Ban Chính sách-Pháp luật Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù công tác an toàn vệ sinh lao động được các cấp chính quyền, công đoàn quan tâm, nhưng trong năm 2018, cả nước đã xảy ra gần 8.000 vụ tai nạn lao động làm 8.229 người bị nạn, trong đó làm chết 1.039 người, tăng gần 12% so với năm 2017.

Đáng quan ngại là có 972 vụ tai nạn lao động gây chết người, tăng 8,24% so với năm 2017; số người bị thương nặng là 1.939 người, tăng 1,2% so với năm 2017; số vụ tai nạn lao động có hai người bị nạn trở lên là 112 vụ, tăng 10,89% so với năm 2017…

Theo ông Nguyễn Thành Đô, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn lao động là do nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động chưa tốt. Trong đó, 46,5% nguyên nhân do người sử dụng lao động.

Cụ thể: Không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 24,56% tổng số vụ; không huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) hoặc huấn luyện không đầy đủ chiếm 7,02%; thiết bị không bảo đảm ATVSLĐ chiếm 0,88% số vụ. Về nguyên nhân từ phía người lao động, có tới 18,42% số vụ do vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động.

Làm rõ hơn về những nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động, ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Ban Chính sách-Pháp luật Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng cho rằng, nhiều doanh nghiệp xây dựng kế hoạch hàng năm còn mang tính đối phó, chưa xây dựng chương trình hành động cụ thể về An toàn vệ sinh lao động.

Việc tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về An toàn vệ sinh lao động với máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt chưa được quan tâm, thực hiện thường xuyên. Các hoạt động thực hành, thao diễn, xử lý sự cố về ATVSLĐ, thực hành sơ cấp cứu tai nạn lao động còn ít được quan tâm.

Phải nhận diện rủi ro nguy cơ tai nạn lao động

Thảo luận về giải pháp giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nhiều đại biểu cho rằng trước tiên phải nhận diện, phân tích và đánh giá các nguy cơ rủi ro tai nạn lao động nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp trong từng ngành, nghề. Thực hiện chức năng đại diện, Công đoàn các cấp phải không ngừng đổi mới phương pháp tuyên truyền về các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn - vệ sinh lao động cho cả người lao động lẫn chủ doanh nghiệp. Nội dung tuyên truyền phải đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ.

Bà Đinh Thanh Hà - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng nhận xét, ở doanh nghiệp nào quan tâm, có sự quản lý tại chỗ thì công tác an toàn vệ sinh lao động được coi trọng và hạn chế tai nạn lao động xảy ra.

Cũng theo bà Hà, hiện cán bộ công đoàn có kiến thức sâu rộng về an toàn vệ sinh lao động còn rất hiếm, do đó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tập huấn kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ công đoàn để tham gia đánh giá, giám sát, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn lao động.

Ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các chế tài với doanh nghiệp để xảy ra tai nạn lao động còn chưa đủ mạnh, khiến cán bộ công đoàn khó khăn khi bảo vệ quyền lợi của người lao động bị tai nạn.

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Tuấn - Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động cho chủ doanh nghiệp, người lao động, mạng lưới an toàn, vệ sinh viên phụ trách về an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp là rất quan trọng để nâng cao nhận thức, kiến thức về công tác an toàn lao động.

Từ đó, ông Tuấn kiến nghị cần tăng cường tổ chức tuyên truyền, tập huấn về công tác an toàn vệ sinh lao động để chủ động ngăn ngừa. Đồng tình quan điểm này, ông Tạ Văn Dưỡng - Ban Chính sách-Pháp luật Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội nói rằng: Công tác tuyên truyền rất quan trọng trong việc thực hiện an toàn vệ sinh lao động.

Việc tuyên truyền phải thật đơn giản, gần gũi với công việc của người lao động để họ hiểu rõ nguy cơ về tai nạn lao động và từ đó thực hiện tốt các biện pháp tự bảo vệ bản thân trong quá trình lao động. Việc tổ chức mạng lưới an toàn - vệ sinh viên lao động phải thực chất và công đoàn có trách nhiệm hướng dẫn đội ngũ này.

Nhiều đại biểu cũng thống nhất, để hạn chế tai nạn lao động xảy ra, điều quan trọng nhất là cần nâng cao ý thức, kiến thức cho cả người sử dụng lao động và người lao động đặc biệt là mạng lưới an toàn, vệ sinh viên đảm trách công tác an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khác cho rằng, các cấp Công đoàn cần tăng cường phối hợp với các sở, ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện an toàn lao động tại các doanh nghiệp có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này