Kiến tạo không gian công cộng: Vì một Hà Nội đáng sống

09:53 | 13/09/2019
(LĐTĐ) Hình ảnh người dân tập thể dục tại Công viên Thống Nhất, đón bình minh trên cầu Long Biên, vui chơi tại phố đi bộ Hồ Gươm, quảng trường Ba Đình… là những ví dụ sinh động về các không gian công cộng của Thủ đô. Chính những kết nối có tính văn hoá, lịch sử ấy mang đến cho không gian công cộng đô thị những giá trị không thể thay thế với người dân Hà Nội.
kien tao khong gian cong cong vi mot ha noi dang song Không gian công cộng: Nét đặc trưng của Hà Thành
kien tao khong gian cong cong vi mot ha noi dang song Hà Nội: Không gian công cộng hút khách dịp nghỉ lễ

Không gian công cộng là tài sản văn hoá

Với những người dân Hà Nội, dù là người Hà Nội gốc, vài thế hệ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hay với những người đã chọn Hà Nội làm nơi lập nghiệp, thì những không gian công cộng, cộng đồng như công viên, khu vui chơi, quảng trường, vỉa hè, sân chung của khu tập thể… có những nét rất riêng, tạo nên những tình cảm gắn bó khá sâu sắc với họ.

Các không gian công cộng, đặc biệt các không gian cộng đồng gắn với đời sống hàng ngày của người dân, giúp cho sự gắn kết và duy trì sự bền vững xã hội và văn hoá cho Hà Nội. Không gian công cộng không phải chỉ là không gian để nghỉ ngơi, thư giãn, mà là không gian để kết nối và duy trì sự bền vững xã hội và bền vững văn hoá.

kien tao khong gian cong cong vi mot ha noi dang song
Ảnh minh họa: Nguyễn Linh Giang.

Hiện nay, tuy diện mạo chung của Hà Nội đã có nhiều thay đổi và hiện đại hơn nhưng không gian công cộng của thành phố đang chịu nhiều sức ép từ các mục đích sử dụng khác như bãi đỗ xe, các hoạt động mưu sinh hoặc việc phát triển hạ tầng giao thông đô thị.

Đây là tình trạng diễn ra phổ biến ở nhiều đô thị khác của Việt Nam khi xu hướng tư nhân hóa không gian công cộng diễn ra ngày càng phổ biến trong thời kỳ kinh tế thị trường hiện nay. Hình ảnh các công viên vui chơi trở thành nơi bán hàng trà nước, vỉa hè trở thành bãi đỗ xe, lòng đường là nơi họp chợ… không còn xa lạ với người dân Thủ đô. Ông Lê Quang Bình – Chủ tịch Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) nhận định: “Người Hà Nội đang sống trong những “chiếc hộp” nhà cao tầng, chung cư hiện đại.

Còn công viên, bờ hồ - các khoảng không gian quan trọng dành cho sinh hoạt cộng đồng – nơi lưu giữ những ký ức, cảm xúc Hà Nội vốn dĩ đã hiếm hoi nay đang dần có nguy cơ biến mất nếu không được chú ý và giữ gìn. Tôi rất tâm đắc với so sánh cho rằng không gian công cộng của một thành phố cũng giống như không gian phòng khách của một ngôi nhà. Chúng ta cần không gian công cộng để giao lưu, kết nối, thực hành các hoạt động tập thể, đón tiếp khách thập phương, trình diễn nghệ thuật và quan trọng nữa là thực hành các lối sống khỏe mạnh như chạy bộ, tập thể dục”.

Không gian công cộng, dù là địa điểm di sản hay đơn giản chỉ là sân chơi cho trẻ em luôn gắn với ký ức và quá khứ và là “tài sản văn hoá” của người dân. Những “tài sản văn hoá” này bị mất đi cũng đồng nghĩa với việc các mối quan hệ giữa những người dân sinh sống ở Hà Nội trở nên lỏng lẻo.

Thế nhưng, khi phải đối diện với việc các “tài sản văn hoá” của họ đang bị xâm chiếm, dường như người Hà Nội chọn cách hoài niệm và lưu giữ ký ức về Hà Nội hơn là nhận thức về “quyền” của mình đối với thành phố và hành động để bảo vệ các “tài sản văn hoá” của họ. PGS. TS Phạm Quỳnh Phương – Viện Nghiên cứu Văn hoá cho biết: “Tôi đã dành 6 tháng để nghiên cứu về không gian công cộng của Thủ đô. Khi làm một cuộc khảo sát tại các diễn đàn, hội, nhóm của những người yêu Thủ đô, nếu đăng ảnh về Hà Nội những năm 20-30 của thế kỷ trước thì rất nhiều bình luận, quan tâm. Nhưng nếu là ảnh về các vấn đề bức xúc hiện nay thì nhận được rất ít tương tác. Điều đó cho thấy người dân yêu Hà Nội đang sống với những hoài niệm, ký ức về Hà Nội hơn là trăn trở về nó”.

Nỗ lực kiến tạo không gian công cộng

Hiện có nhiều nỗ lực của các tổ chức xã hội và cộng đồng người dân trong việc kiến tạo và mở rộng không gian công cộng. Những sáng kiến thường xuất phát từ các kiến trúc sư, những chuyên gia đô thị cùng sự chung tay của chính cộng đồng dân cư của Hà Nội. Tại khu tập thể Phụ nữ Trung ương, Pháo Đài Láng, Hà Nội, người dân ngỡ ngàng khi những bức tường cũ kỹ được khoác lên mình những chiếc áo mới.

Đây là một trong số rất ít khu tập thể cũ mà vẫn giữ được khoảng không gian chung ở giữa của Hà Nội. Không chỉ vậy, nó còn có không gian xanh xung quanh khá đẹp. Đây là thành quả của dự án cộng đồng mang tên Arts build communities (Nghệ thuật kiến tạo cộng đồng, gọi tắt là ABC) do các bạn hoạ sĩ trẻ của Công ty Thiết kế kiến hoạ thành phố Hồ Chí Minh cùng người dẫn nỗ lực thực hiện.

Nhiều năm qua, Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị (ACCD) đã phối hợp với Hội Phụ nữ phường Ngọc Hà, Ba Đình cũng đã triển khai thực hiện mô hình vườn rau gia đình. Đây là một chương trình thuộc dự án “Cải thiện chất lượng môi trường sống và sức khỏe tại đô thị thông qua các sáng kiến cộng đồng” do Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới tài trợ.

Thông qua mô hình này, các hộ gia đình sẽ cải thiện chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tận dụng nguồn rác thải hữu cơ và cải thiện chất lượng không khí. Bên cạnh đó, bằng việc xây dựng các nhóm làm vườn trong khu dân cư, sẽ góp phần tăng cường sự gắn kết cộng đồng tại phường Ngọc Hà. Còn tại thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, sự xuất hiện của sân chơi cộng đồng trong khuôn viên Nhà văn hoá thôn là một tin vui với trẻ em nơi đây.

Sân chơi này được thiết kế bởi các chuyên gia từ Pháp, Đức, được thi công và lắp đặt bởi doanh nghiệp xã hội “Nghĩ về sân chơi trong phố” – Thinks Playground phối hợp cùng với cộng đồng thôn Hà Lỗ. Các chuyên gia đã sử dụng lốp xe tái chế, gạch sinh thái để làm thành bập bênh, xích đu, khu cầu trượt cho trẻ em. Nhờ sự vào cuộc của cả cộng đồng, sự có mặt của khu vui chơi đã khiến trẻ em tại nơi này rất mừng. Cứ tầm 4 giờ 30 đến 5 giờ chiều, sau thời gian lên lớp, trẻ em trong thôn tụ tập tại khu vui chơi, thỏa thuê nô đùa, tiếng cười nói râm ran.

Theo các nhóm làm việc với người dân (nhóm ABC, Thinks Playground, ACCD), với các cộng đồng cư dân ổn định, có những ký ức chung cùng nhau, có sự gắn kết, cùng lớn lên, hay già đi cùng nhau thường sẽ dễ dàng đồng thuận và tích cực tham gia vì không gian cộng đồng của họ. Nhiều hoạt động chung đã diễn ra ở đó như thành lập câu lạc bộ nhảy, erobic, yoga, hoạt đồng làm vườn, làm hoa của khu dân cư… đã khiến cho cộng đồng trở nên gắn kết với nhau hơn, và dần dần có ý thức hơn trong việc lên tiếng và cùng bảo vệ, xây dựng không gian cộng đồng của mình. Sau sân chơi ở thôn Hà Lỗ, huyện Đông Anh chỉ trong khoảng 3 năm trở lại đây đã có hơn 20 sân chơi, không gian công cộng được cải tạo từ các không gian cũ, hoang phế cho người dân vui chơi.

Ở những nơi có sân chơi này, trẻ em sau giờ học là tới sân chơi bập bênh, xích đu còn phụ nữ tập yoga, thể dục thẩm mỹ, người già đánh cờ. “Chúng tôi đặt mục tiêu phấn đấu tất cả 40 tổ dân phố đều có sân chơi cho trẻ em. Ngoài ra, nhiều đề án về đầu tư cây xanh, cổng nhà có hoa, tường nhà có số, kè ao hồ, lắp đặt hệ thống camera xung quanh… tại nhiều điểm sinh hoạt cộng đồng đã và đang được triển khai khiến người dân nơi đây rất phấn khởi” – bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đông Anh cho biết. Rõ ràng, đây là minh chứng cho việc các cộng đồng và tổ chức địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xây dựng các không gian công cộng cho tất cả mọi người, góp phần cùng chính quyền nâng cao môi trường đô thị, gắn kết người dân bằng những hoạt động vui, khoẻ, lành mạnh vì một Hà Nội đáng sống hơn.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này