Khai giảng không bóng bay: Nhân lên nét đẹp mùa tựu trường

12:43 | 06/09/2019
(LĐTĐ) Thay vì thả ước mơ theo những quả bóng bay lên trời xanh, năm nay, nhiều trường học tại Hà Nội đã cho học sinh viết ước mong của mình lên những tờ giấy nhỏ xinh rồi dán lên cây. Các trường học, phụ huynh cũng như học sinh đã cùng nhau hành động, chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, nhân lên nét đẹp cho mùa tựu trường.
khai giang khong bong bay nhan len net dep mua tuu truong Dạy chữ quan trọng, dạy người, dạy đức, dạy lối sống còn quan trọng hơn
khai giang khong bong bay nhan len net dep mua tuu truong Học sinh Thủ đô ủng hộ khai giảng không bóng bay

Bắt đầu từ ý tưởng nhỏ

Sáng 5/9, 23 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước tưng bừng tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2019-2020. Tại Thủ đô Hà Nội, từ sáng sớm các em học sinh đã được cha mẹ đưa đến trường dự lễ khai giảng. Nhiều trường tổ chức khai giảng từ 7 giờ 30 và kết thúc sớm để tránh nắng nóng làm học sinh mệt mỏi. Điều thú vị là, năm nay rất nhiều lễ khai giảng diễn ra tại Hà Nội đã không còn xuất hiện bóng bay, rác thải nhựa mà thay vào đó là những chương trình văn nghệ, những lễ khai giảng mang âm hưởng “bảo vệ môi trường”.

Ý tưởng này bắt đầu từ bức thư “Xin đừng thả bóng bay ngày khai giảng của cô bé học sinh lớp 5 Nguyễn Nguyệt Linh gửi tới một số trường học trên địa bàn Hà Nội. Trong bức thư, cô bé viết: “Con được biết là hàng năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời… Nhưng khi thả bóng lên thì các chú chim hoặc động vật khác nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói. Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các loài sinh vật biển khác sẽ bị nhầm lẫn giữa bóng bay và sứa biển”.

khai giang khong bong bay nhan len net dep mua tuu truong
Nhiều trường học tại Hà Nội đã tổ chức lễ khai giảng không bóng bay, nhân lên nét đẹp mùa tựu trường

Nguyệt Linh kết lại bằng một đề xuất hết sức ngắn gọn và thực tế: “Con nghĩ rằng trường mình có thể đừng thả bóng bay vào hôm khai giảng hoặc hạn chế số lượng bóng bay, có được không ạ?”. Thông điệp sâu sắc của ý tưởng đó là không xả chất thải nhựa ra môi trường, là hãy bảo vệ môi trường sống của muôn loài đang bị đe doạ nghiêm trọng, là muốn Việt Nam xanh ngát, là muốn trái đất của chúng ta bền vững muôn đời.

Cũng chính từ ý tưởng này mà sáng 5/9 hàng trăm học sinh Trường THCS Marie Curie bắt đầu bước vào năm học mới với Lễ khai giảng “không bóng bay mang tên Nguyệt Linh”, phát động năm học vì môi trường. Có thể thấy, năm nay, không gian khai giảng của trường thực sự đặc biệt với nhiều thông điệp bảo vệ môi trường, những bức tranh của các bạn học sinh về môi trường xanh. Trong tiếng trống khai giảng năm học mới, thầy hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang cùng các giáo viên cán bộ, học sinh nhà trường cùng thể hiện quyết tâm giảm thiểu rác thải nhựa.

Hiệu trưởng Trường THCS Marie Curie xúc động cho biết: “Gần đây tôi nhận được lá thư của em Nguyệt Linh, lớp 6G2 với mong muốn “không thả bóng bay trong lễ khai giảng”. Sau lá thư của “cô bé môi trường” tôi nhận được nhiều đề nghị tích cực: Phòng vận hành thay đổi túi đựng rác nilon bằng túi sinh học tự phân huỷ; nhà ăn sử dụng cốc giấy, ống hút giấy, túi giấy thay cho nhựa và nilon; học sinh không dùng bọc sách, vở bằng nilon; các gia đình giáo viên và học sinh không đốt vàng mã”.

Lan tỏa những “hành động xanh”

Trước những tiếng kêu gọi ngây thơ nhưng vô cùng nghiêm túc của các em, người đứng đầu của các trường học đã bắt đầu đáp lại. Tín hiệu đáng mừng khi các trường học đã bắt đầu tổ chức khai giảng không bóng bay. Không chỉ riêng tại Trường THCS Marie Curie mà rất nhiều các trường học khác trên địa bàn Hà Nội cũng đã bắt đầu lan tỏa “hành động xanh”. Theo ghi nhận, tại Trường Tiểu học - THCS Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm); Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm); Trường THPT Sơn Tây (Thị xã Sơn Tây); Trường Phổ thông Liên cấp Olympia; Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam… lễ khai giảng năm nay của trường không có bóng bay, chỉ có cờ hoa và các tiết mục văn nghệ.

Bên cạnh lễ khai giảng không bóng bay, thầy cô các trường cũng bắt đầu khuyến khích phụ huynh cũng như học sinh ngừng bọc vở bằng ni lông mà thay bằng giấy. Việc không bọc vở bằng nilon cũng có ý nghĩa to lớn và thiết thực. Được biết, tại Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn, năm học tới, cả 3 cấp học ở ngôi trường này đều khuyến khích học sinh không bọc vở bằng nilon để bảo vệ môi trường. Sang năm học 2019 - 2020, trường đang tích cực xây dựng kế hoạch cụ thể cho ý tưởng về việc không sử dụng rác thải nhựa và chung tay bảo vệ môi trường.

Tháng 5/2019, một nhóm học sinh Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) khiến người lớn ngỡ ngàng khi trong hội trại của trường, các em đã làm một thống kê: Mỗi học sinh tiểu học thường sử dụng từ 30-50 bọc vở ni lông mỗi năm học. Chỉ tính riêng với 3.750 học sinh thì một năm học đã thải ra môi trường khoảng 187.500 chiếc bọc vở.

Nếu lấy số đó nhân với trên 23,5 triệu học sinh, sinh viên của cả nước thì con số bọc vở nilon hàng năm đó lên tới hàng trăm triệu. Do vậy, thay vì bọc vở bằng nilon, học sinh có thể thay bằng bìa họa báo, bìa lịch, mua bọc vở bằng giấy để bọc hoặc để nguyên bìa nếu bìa đủ cứng để hạn chế tối đa những “cái chết trắng” đã và đang diễn ra trên khắp hành tinh này.

Theo đó, toàn bộ gần 90 cán bộ giáo viên, nhân viên của nhà trường học tập, sau đó lan tỏa và kêu gọi tới các bậc phụ huynh và học sinh của trường về không sử dụng rác thải nhựa. Cụ thể, thầy cô không sử dụng túi nilon và các chai lọ nhựa dùng một lần. Nhà trường cũng vận động các em học sinh khi đi học nên mang theo bình đựng nước bằng inox. Bên cạnh đó, năm học tới đây, nhà trường sẽ gửi một thông điệp tới các em học sinh và phụ huynh về bảo vệ môi trường cũng như không sử dụng rác thải nhựa, không dùng nilon để bọc sách vở mà nên bọc bằng giấy, có dán nhãn vở.

Tại Trường Phổ thông Liên cấp Olympia, mục tiêu của trường cũng nói không với rác thải nhựa, phát triển bền vững, hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Nội dung này còn được đưa vào trong các bài học chính khóa và ngoại khóa, trước hết là giáo dục về ý thức và trách nhiệm của mỗi học sinh đối với môi trường, khuyến khích các bạn có những ý tưởng sáng tạo để bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng rác thải nhựa thông qua các hoạt động, sự kiện nhà trường tổ chức như: Đi bộ vì môi trường với khẩu hiệu “Giảm chai nhựa, lựa sống xanh”, Cuộc thi báo cáo đề tài khoa học về bảo vệ môi trường “Vì bạn, vì tôi” với sản phẩm thu được như: Máy lọc không khí, cứu sống những dòng sông chết…

Không chỉ nhà trường, các phụ huynh cũng bắt đầu ý thức và khuyến khích con trẻ lựa chọn giấy để bọc vở. Chị Hoàng Thị Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Bé nhà mình hiện đang học lớp 4. Cứ đầu năm học là mình và bé ngồi với nhau để bọc sách vở cho tươm tất, sạch sẽ. Năm nay bé rất hào hứng đi cùng mẹ để mua giấy bọc vở thay vì bọc nilon như những năm trước. Hy vọng những hành động nhỏ này sẽ tạo nên một thay đổi lớn”.

Nhận xét về “Lễ khai giảng không bóng bay” cũng như những hành động bảo vệ môi trường bắt đầu từ trường học, bà Nguyễn Thị Xuân (80 tuổi), phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Tôi cho rằng đây là những hành động đẹp bắt đầu từ thế hệ trẻ. Trẻ em đã vào cuộc, không lẽ gì người lớn lại làm ngơ. Hãy cùng nhau nhân lên những hành động đẹp bảo vệ môi trường, bảo vệ không gian sống, giảm thải rác thải nhựa, mang lại môi trường sống trong lành cho mỗi chúng ta”.

K.Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này