Mãi mãi một niềm tin

08:23 | 31/08/2019
(LĐTĐ) Ai đi xa vài năm, khi trở về Hà Nội hẳn đều không khỏi có chút ngỡ ngàng. Không chỉ là những khu phố, công trình hiện đại, biểu trưng cho sự phát triển nhanh và năng động về kinh tế, người Hà Nội giờ đây còn được sống trong một bầu không khí sáng tạo vô cùng cởi mở, sẵn sàng đón nhận những xu hướng mới nhất của thế giới và tự tin lan tỏa những giá trị riêng mình. Và có đi trên những dải đất Hà thành mới thấy, bên cạnh cuộc sống đang từng ngày nâng cao là niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng như những ngày đầu kháng chiến, như hiện tại và tương lai…
mai mai mot niem tin Cùng xây dựng người Hà Nội văn minh
mai mai mot niem tin Nét đẹp còn mãi với thời gian

Đổi thay rõ nét

Một ngày cuối tháng 8, tôi men theo những con đường hoa nơi các làng quê trù phú, đang xây dựng nông thôn mới ở Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Quốc Oai, Hoài Đức… Từ đường liên xã dẫn vào các thôn, hai bên đều rực rỡ những cánh hoa như đang chào đón người đi đường, như đang canh gió, canh hương cho những thửa ruộng, cho cánh đồng quê bình yên. Ở những con đường nông thôn mới đó, hoa được trồng và tỏa hương theo cách riêng.

Chẳng thế mà, nhiều người thành phố về thăm quê, nhìn những bờ hoa, lũy hoa mà thốt lên: “Người nông dân giờ cũng lãng mạn, yêu đời quá!”. Cũng bởi họ nhìn thấy ngoài công việc đồng áng đầy nỗi nhọc nhằn, vất vả người nông dân đã biết dùng hoa xinh lấn cỏ dại, dùng hoa tươi trang điểm đời sống mình, trang điểm cho những đoạn đường, những góc đồng quê.

mai mai mot niem tin
Người dân luôn tin vào Đảng và chính quyền để làm giàu ngay trên chính quê hương của mình.

Tôi ấn tượng khi trở về thăm những cánh đồng được dồn tụ lại nơi ven sông Nhuệ, sông Đáy. Nơi ấy không chỉ có những người nông dân chăm chỉ, hay lam hay làm, với các cánh đồng mênh mông rộng mà còn hiện diện những vẻ đẹp không thể nào phủ nhận. Những vẻ đẹp được thắp lên từ chính những bàn tay vất vả lấm lem bùn đất. Họ đã thành công với mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái “ruộng lúa bờ hoa”. Hoa tôn bồi giá trị của hạt lúa khi dự phần vào việc bảo vệ môi trường. Hoa khiến cảnh sắc làng quê đổi khác, dâng tới người nông dân sắc hương trong những buổi làm đồng vất vả.

Đó là những gì dễ thấy, dễ cảm nhận, có đi mới thấy ngoài những nét đẹp đó còn là sự đồng lòng, đoàn kết của người dân và chính quyền. Xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) là ví dụ. Nhắc chuyện này, ông Chu Văn Khởi ở thôn Cổ Điển A bảo, để có được cơ sở hạ tầng như hiện tại là sự chung sức, chung lòng của cả người dân và chính quyền. Chẳng là, địa phương được nhà nước đầu tư vật liệu xây dựng để bê tông hóa toàn bộ tuyến giao thông trên địa bàn song song với đó, người dân cũng kết hợp đóng góp hàng tỷ đồng.

Đến nay, ven các tuyến đường trong thôn, ngoài xã đều được trồng cây xanh bóng mát như: Sấu, phượng, bằng lăng, các loại hoa chiều tím, ngũ sắc, chuỗi ngọc… Để chăm sóc, duy trì các tuyến đường hoa, cây xanh, nhân dân trong thôn thống nhất mỗi hộ đóng góp 50.000 đồng/năm để xây dựng quỹ. Hằng ngày, sau giờ lao động, thành viên các tổ chức, đoàn thể thôn tranh thủ chăm sóc và tận dụng những cành hoa cắt tỉa để tiếp tục trồng nối dài các tuyến đường hoa…

Thực tế cho thấy, xây dựng, phát triển Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại là mục tiêu xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, quản lý, điều hành của chính quyền, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân Thủ đô công cuộc xây dựng, nâng cao đời sống đặc biệt là khu vực ngoại thành Hà Nội đã và đang có những bước chuyển mạnh.

Tin vào định hướng đúng đắn của Đảng

Song Phượng – địa phương đi đầu trong kháng chiến chống thực dân Pháp, là nơi có phong trào cách mạng sớm nhất huyện Đan Phượng, trong kháng chiến chống Mỹ, luôn thực hiện tốt khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… thời điểm này đời sống người dân vẫn đang không ngừng được nâng lên. Theo ghi nhận, tính đến hết năm 2018, thu nhập bình quân tại địa phương là 51 triệu đồng/người/năm; trên địa bàn xã không còn hộ nghèo. Tất cả các tuyến đường từ trung tâm xã đến huyện đều được thảm nhựa, đổ bê-tông; các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ thôn có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng đạt 100%. Số người có việc làm trên số dân trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động là hơn 95%.

Cùng với Song Phượng, hai xã Liên Trung và Ðan Phượng cũng là các “xã điểm” được huyện Đan Phượng xây dựng mô hình nông thôn mới nâng cao. Xã Đan Phượng là một trong 3 xã đầu tiên của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Theo ông Nguyễn Văn Trường – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đan Phượng, nhiều hộ nông dân ở địa phương đã vươn lên làm kinh tế giỏi, cuộc sống ngày càng khấm khá. Ðiển hình như Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý của hai vợ chồng anh chị Nguyễn Ðăng Quý và Ðặng Thị Cuối. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 37 triệu lên 49,9 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,54%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch 82% tăng 27%, so với năm 2016.

Ông Nguyễn Văn Trường khẳng định, để có được những thành quả đạt được hôm nay là nhờ sự đồng thuận ý Ðảng - lòng dân. Điều này thể hiện trong việc địa phương đã vận dụng sáng tạo phương châm “lấy sức dân để lo cho dân”; dân làm có sự hỗ trợ của Nhà nước, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và là người thụ hưởng.

Khi nhân dân đã hiểu được những chủ trương, chính sách của Đảng là đúng đắn thì việc triển khai thực hiện không còn là chuyện khó. Hàng trăm gương sáng, “mô hình điểm” tại các địa phương là một minh chứng rõ nét.

Chẳng hạn như: Gương ông Nguyễn Tứ Hùng (xã Tân Lập, Đan Phượng) ủng hộ 100% kinh phí cải tạo ao của thôn Hạnh Đàm với số tiền 1,8 tỷ đồng và ủng hộ 300 triệu đồng xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã; gương ông Thiều Văn Dung (xã Trung Châu - Đan Phượng) hiến 270m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn; ông Nguyễn Văn Miễn (xã Hạ Mỗ - Đan Phượng) đã vận động người cao tuổi và nhân dân làm 2 cổng chào, kè giếng, xây dựng 50m đường thành tuyến đường hoa kiểu mẫu của huyện với tổng số tiền hơn 80 triệu đồng…

Đó là trên vùng quê giàu truyền thống cách mạng Đan Phượng, tại thị xã Sơn Tây, hiện đang có không ít “mô hình điểm” trong việc huy động người dân cùng chung sức xây dựng quê hương. Dẫn chúng tôi tham quan tuyến mương tưới tiêu nội đồng đang trong quá trình xây dựng, bà Lê Thị Chính - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Kim Sơn cho biết: Xuất phát điểm thấp nên ngay từ những ngày đầu, Đảng bộ, chính quyền xã Kim Sơn xác định xây dựng nông thôn mới tại địa phương là chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển nông thôn toàn diện, bền vững với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Vì vậy, Kim Sơn đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những lợi ích mà chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại.

Đồng thời, xã cũng tích cực phổ biến, quán triệt các văn bản, Nghị quyết, Chỉ thị của cấp trên đến mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức, đoàn thể ở địa phương trong đó có việc tổ chức lấy ý kiến của người dân tham gia góp ý vào đồ án quy hoạch nông thôn mới của xã, qua đó đã tạo sự đồng thuận và không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trong các thôn, xóm. Công tác dồn điền đổi thửa đạt 151,15 ha/151,15 ha, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người.

Sự đổi khác của Hà Nội, đời sống người dân từ ngoại thành đến nội thành không ngừng được nâng cao là niềm vui đồng thời cũng là động lực cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tiếp tục chung tay bảo vệ và phát triển thành quả trong những năm tiếp theo, từ đó xây dựng Hà Nội ngày một đổi mới, phát triển toàn diện.

Luyện Đinh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này