Hào khí tháng Tám trong kỷ nguyên cách mạng 4.0

08:58 | 01/09/2019
(LĐTĐ) Hà Nội là một trong những địa phương mở đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày nay, trong kỷ nguyên cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0), Hà Nội lại phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám bất diệt để xây dựng Thủ đô Hà Nội với mô hình thông minh gắn với chính quyền đô thị.
hao khi thang tam trong ky nguyen cach mang 40 hao khi thang tam trong ky nguyen cach mang 40 Cách mạng 4.0 từ góc nhìn chuyên gia
hao khi thang tam trong ky nguyen cach mang 40 hao khi thang tam trong ky nguyen cach mang 40 Lao động làng nghề: Nhiều thách thức trước cuộc cách mạng 4.0

Hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính

Không chỉ tăng hiệu quả chỉ đạo điều hành, một kết quả quan trọng từ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính là thành phố Hà Nội đã triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến tới cấp xã, dần hình thành những “công dân điện tử”, xây dựng “chính quyền điện tử”.

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, đến hết quý II năm nay, hệ thống phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của Thành phố đã ứng dụng tại 22 sở, ban, ngành; 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn.

Đến nay, đã có 1.321 thủ tục hành chính được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (đạt 75%), trong đó mức độ 4 là 15,5%, mức độ 3 là 84,5%... Các lĩnh vực kê khai thuế điện tử và bảo hiểm xã hội đạt hơn 98%; đăng ký tuyển sinh đầu cấp trực tuyến đạt 86,5%. Mục tiêu của Thành phố là đến 2020 có 100% thủ tục hành chính thực hiện mức 3, 4, hướng tới xây dựng Thành phố thông minh.

hao khi thang tam trong ky nguyen cach mang 40 hao khi thang tam trong ky nguyen cach mang 40

Giao thông là một trong những lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin để hướng tới xây dựng Thành phố thông minh. (Nguồn ảnh HNM)

Tại quận Đống Đa, xác định đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 là điều kiện quan trọng tăng hiệu quả cải cách hành chính, quận đã nâng cấp hạ tầng internet, mạng LAN tại trụ sở và bộ phận một cửa quận đảm bảo đường truyền tốc độ cao; lắp wifi miễn phí hỗ trợ công dân giao dịch hành chính.

Qua rà soát, quận đã bổ sung trên 60 máy tính, máy scan, máy in tốc độ cao cho Ủy ban nhân dân các phường, nâng cấp máy tính cho cán bộ công chức phòng chuyên môn đáp ứng cao nhất yêu cầu giải quyết hồ sơ trực tuyến.

Phó Trưởng phòng Nội vụ quận Đống Đa Vũ Trà Vinh cho hay: Nửa năm qua, việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến trên toàn quận đã được thống nhất trên hệ thống một cửa điện tử Thành phố dùng chung 3 cấp. Đặc biệt, năm nay quận sẽ hoàn thành dự án “Cải tạo, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin quận và bộ phận một cửa 21 phường đáp ứng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4”, hứa hẹn nâng cao hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Còn với quận Hai Bà Trưng, nhiều phường đã đạt 100% hồ sơ hành chính tư pháp thực hiện ở mức 3. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Bách Khoa Hoàng Thị Tuyết Lan, thông qua thường xuyên cải tiến dịch vụ công trực tuyến mức 3, Ủy ban nhân dân phường luôn đạt 100% hồ sơ giải quyết đúng hạn, 98% công dân bày tỏ hài lòng. Đặc biệt, triển khai dịch vụ công trực tuyến giúp giảm đáng kể thời gian trả kết quả đối với thủ tục liên thông khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ Bảo hiểm y tế và thời gian đi lại của công dân, vì có thể nộp hồ sơ tại bất cứ đâu có thiết bị kết nối internet.

Không chỉ các quận - nơi cơ sở vật chất đã đồng bộ, mà nhiều địa bàn nông thôn cũng có bước tiến đáng kể trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể, tại bộ phận một cửa xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, bà Nguyễn Thị Minh vừa nhận đăng ký khai sinh cho cháu phấn khởi nói: “Tôi nhờ người hướng dẫn cách đăng ký khai sinh trên máy tính. Chỉ vài hôm sau, đã nhận được cả giấy khai sinh, đăng ký thường trú, thẻ Bảo hiểm y tế. Đúng là áp dụng dịch vụ công trực tuyến tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức, vì ở nhà cũng nộp được hồ sơ”.

Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu song, nhiều cán bộ cơ sở phản ánh, triển khai phần mềm một cửa dùng chung 3 cấp trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến vẫn gặp một số vướng mắc. Lãnh đạo phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) cho biết, thực hiện cấp sổ đỏ lần đầu khi công chức phường nhập dữ liệu vào phần mềm này thì chưa liên thông được với Phòng Tài nguyên và Môi trường quận. Do đó, các đơn vị chức năng cần sớm tháo gỡ, xử lý phần mềm thông suốt giúp cán bộ công chức thuận lợi giải quyết thủ tục hành chính.

Trong khi đó, đối với những đơn vị ngoại thành như huyện Gia Lâm, ông Đoàn Văn Bắc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đặng Xá chia sẻ: Chúng tôi chủ yếu tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến mới bằng trực quan nên hiệu quả thấp, ít công dân tự nộp trực tuyến, trong khi địa phương có nhiều Fanpage, Facebook… với số thành viên, lượng truy cập rất lớn. Vì vậy, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông cần sớm có ý kiến về việc dùng các hình thức này để tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 có đúng quy định không, giúp địa phương đa dạng phương thức, tăng hiệu quả tuyên truyền đến người dân.

Tăng cường kết nối trong chỉ đạo, điều hành

Cùng với quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, giảm tối đa thời gian, thành phần hồ sơ, đột phá lớn nhất trong cải cách hành chính của thành phố Hà Nội thời gian qua là quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc, thủ tục hành chính, đã thay đổi mạnh mẽ nhận thức của cán bộ, công chức và người dân. Thành phố đặc biệt quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào chỉ đạo, điều hành, thực hiện gửi giấy mời, tài liệu họp qua email của cơ quan và email công vụ của thủ trưởng cơ quan; kết nối hạ tầng phục vụ họp giao ban trực tuyến đến tận xã, phường…

Điển hình như tại quận Bắc Từ Liêm, lãnh đạo quận cho biết, trong năm 2019, quận sẽ triển khai đồng bộ giải pháp để 100% các phường có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối với Thành phố và các sở, ban, ngành, quận, huyện; 100% văn bản giao dịch dưới dạng điện tử. Quận cũng đặt mục tiêu duy trì bảo đảm tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng đối với các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 100% (trong đó phấn đấu 65% hồ sơ đăng ký tại nhà); tối thiểu 50% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, gói thầu quy mô nhỏ thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng…

Để làm được điều đó, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, tại mỗi phường sẽ xây dựng thêm ít nhất một mô hình tổ dân phố điện tử; đồng thời đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai các phần mềm ứng dụng dùng chung của Thành phố. Trong hàng loạt nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ, nổi bật năm qua là Thủ đô Hà Nội tiếp tục mở rộng dịch vụ đỗ xe thông minh qua phần mềm đồng loạt tại các quận. Đồng thời thí điểm vận hành cửa hàng, máy bán hàng tự động tại điểm công cộng, đẩy mạnh thanh toán điện tử tại cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại…

Thực tế cho thấy, nhiều chỉ tiêu trong kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ của Hà Nội khi triển khai đạt kết quả cao hơn Chính phủ giao. Trên cơ sở đó, Thành phố đã ban hành kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2019 với mục tiêu 100% Ủy ban nhân dân cấp xã được giao ban trực tuyến kết nối với Ủy ban nhân dân Thành phố và sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện; 80% cuộc họp triển khai nhiệm vụ, tổng kết... của Thành phố và 30% cuộc họp có nhiều thành phần để giải quyết công việc từ sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện đến xã được thực hiện trực tuyến...

Để cán đích mục tiêu này, Thành phố đang tập trung đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức người dân về Thành phố thông minh, từng bước triển khai một số thành phần cơ bản của Thành phố thông minh như: Trung tâm điều hành thông minh, giao thông, du lịch thông minh…

Ngoài sự quyết tâm, triển khai bài bản, hiệu quả của chính quyền, thì sự đồng hành của người dân Thủ đô là yếu tố tiên quyết để Hà Nội sớm hiện thực mô hình chính quyền điện tử, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng Thành phố thông minh.

Nguyễn Công

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này