Bạo hành gia đình: Nạn nhân cần lên tiếng

19:22 | 29/08/2019
(LĐTĐ) Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành gia đình làm dậy sóng dư luận xã hội. Nạn nhân của các phụ bạo hành phần lớn là phụ nữ và trẻ em, những người thuộc nhóm yếu thế, cần được bảo vệ. Dù chịu nhiều tổn thương về mặt thể xác và tinh thần, thế nhưng do tâm lý e ngại và vướng mắc về pháp luật  nên ít khi các nạn nhân dám đứng lên tố cáo người đã bạo hành mình.  
bao hanh gia dinh nan nhan can len tieng Chuyên gia tội phạm học nghi ngờ về danh “võ sư” của người đàn ông bạo hành vợ
bao hanh gia dinh nan nhan can len tieng Yêu cầu Hàn Quốc xử lý nghiêm việc cô dâu Việt Nam bị chồng bạo hành

Liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành

Từ lâu, bạo hành gia đình đã và đang trở thành vấn đề xã hội nhức nhối, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nó không chỉ vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Điều đáng buồn, trong thời gian qua, số vụ bạo hành gia đình gây hậu quả nghiêm trọng bị phát hiện vẫn tăng cao qua từng năm, trong đó, nạn nhân chủ yếu thường là phụ nữ, trẻ em và người già - những người yếu thế trong xã hội.

Mới đây, vào ngày 27/8, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin và một đoạn clip ghi lại cảnh được cho là người chồng nhẫn tâm đánh đập vợ ngay cả khi người vợ đang ôm con nhỏ.

bao hanh gia dinh nan nhan can len tieng
Vụ người chồng đánh đập vợ xảy ra ngày 27/8 ở Long Biên (ảnh cắt từ clip)

Quan sát đoạn clip cho thấy, người đàn ông có những hành động bạo lực đối với người vợ ngay trước mặt con. Nhiều lần bị tát, bị đá… khiến người phụ nữ có lúc phải nằm dưới sàn nhà.

Anh vũ Vũ Mạnh Nghĩa – chủ nhân của đoạn clip và là anh ruột của nạn nhân cho biết: Nạn nhân là chị Vũ Thị L. Chị L kết hôn và sinh sống cùng chồng là Nguyễn Xuân V. tại chung cư CT1B, Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) và mới sinh con được 2 tháng.

Video được đăng tải trên mạng là từ camera tại nhà nạn nhân ghi lại, vào hồi 18 giờ 30 ngày 26/8.

Anh Nghĩa cũng cho hay, trong quá trình chung sống, chị L nhiều lần bị chồng là bạo hành, tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, chị giấu gia đình nên không ai biết. Chỉ khi vụ việc ngày 26/8 xảy ra, người giúp việc nhà nạn nhân gọi điện cho gia đình anh Nghĩa nên mọi người mới phát hiện ra.

Được biết, nguyên nhân dẫn đến việc chị L bị chồng đánh là do chị muốn mang tivi từ phòng khách vào phòng cậu con trai lớn (6 tuổi) nhưng không hỏi ý kiến chồng.

Hiện vụ việc đang được Công an quận Long Biên thụ lý, điều tra.

Trong một vụ việc khác, ngày 28/8, Công an huyện Tánh Linh (Bình Thuận) đã quyết định trưng cầu giám định thương tích đối với chị Lâm Thị M. (31 tuổi, ngụ tại An Giang), hiện đang mang thai được 26 tuần. Trước đó, ngày 16/8, chị M. từng bị người chồng hờ tên An đánh gãy tay, vỡ nền sọ. Mới nhập viện 2 ngày, An bắt chị M. xuất viện về nhà nấu cơm phục vụ và tiếp tục đánh đập cho đến khi người dân xung quanh phát hiện, đưa chị M. trở lại viện.

Cách đây không lâu, hình ảnh một nhân viên ngân hàng đánh vợ đang ôm con nhỏ cũng bị cộng đồng mạng phản ứng dữ dội.

Những vụ bạo hành liên tiếp xảy ra dã khiến cho dư luận phải dậy sóng.

Cần gỡ “vướng” trong tâm lý của nạn nhân

Dễ dàng nhận thấy, nạn nhân của bạo hành gia đình thường là những người yếu thế, do đó họ dễ phải chịu những tổn thương nặng nề. Tuy nhiên, vấn đề bất cập là họ thường gặp phải nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm sự trợ giúp từ pháp luật.

Thực tế cho thấy, đa phần nạn nhân bị bạo hành chưa tìm đến sự trợ giúp của pháp lý, ngoại trừ các vụ việc mang tính chất nghiêm trọng hay các vụ buộc phải xử lý hình sự.

Theo báo cáo của ngành Công an, bạo hành gia đình góp phần làm gia tăng các loại tội phạm xã hội. Ngoài ra còn gây tổn thất nặng nề về kinh tế, làm giảm sút về sức khỏe, suy giảm khả năng và năng suất lao động của từng cá nhân; đồng thời còn gia tăng các chi phí y tế, khám chữa bệnh…

Hiện cả nước đang có khoảng 6.996 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, 35.756 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 19.182 mô hình, câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, vì sự e ngại và tâm lý cam chịu nên nhiều nạn nhân bạo hành gia đình không tìm đến các trung tâm xã hội để nhận sự hỗ trợ và tư vấn. Chính những suy nghĩ sai lầm này đã góp phần gia tăng tình trạng bạo hành gia đình nói chung và bạo hành với người vợ nói riêng.

Riêng trong vụ bạo hành ngày 27/8 ở phường Thạch Bàn (Long Biên) vừa qua, dù bị đánh đập tàn nhẫn nhưng sau khi người chồng tỏ ra hối lỗi, người vợ đã đồng ý hòa giải và xin rút đơn tố cáo. Lý do mà người vợ đưa ra là không muốn gây thù hằn từ đời này sang đời khác.

bao hanh gia dinh nan nhan can len tieng
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, để ngăn chặn tình traonjg bạo lực gia đình, điều đầu tiên là phải gỡ "vướng" trong tâm lý của nạn nhân

Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối, có rất nhiều lý do dẫn đến nhiều vụ việc bạo hành gia đình ít bị xử lý, hoặc không bị phát hiện như: Có nhiều hành vi mang tính chất thường xuyên, nhưng hành vi đơn giản, nhỏ, ít nghiêm trọng nên bị hại không muốn tố giác, không ai biết được; thiếu hiểu biết pháp luật quy định thế nào là bạo hành gia đình, mọi người chỉ hiểu đơn thuần là đánh đập; lo ngại ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng, gia đình và việc chăm sóc con cái; chưa có những cơ chế, cơ quan chuyên trách đủ mạnh, hiểu biết pháp luật để có thể can thiệp, tư vấn, giải quyết các vụ việc bạo hành gia đình; sợ mất thể diện, xấu hổ với hàng xóm, gia đình…

Tuy nhiên, lý do được nhiều người đề cập nhất chính là nếu người chồng bị quy trách nhiệm hình sự sẽ ảnh hưởng tới lý lịch và tương lai của con cái.

“Nếu đưa vụ việc ra pháp luật, người bạo hành (chồng/vợ) có nguy cơ đối diện với trừng phạt của pháp luật, khiến cho con cái bị mang danh trong lý lịch tư pháp là có bố/mẹ bị tù tội (tiền án). Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai con cái sau này. Vì vậy, nhiều người vì hạnh phúc của con cái mà chấp nhận chịu đựng.” – Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng chia sẻ.

Luật sư Hùng cho rằng, phụ nữ luôn muốn bảo vệ con cái và tổ ấm của mình. Vì vậy, pháp luật cần phải đưa ra được một giải pháp thấu tình, đạt lý mới có thể cởi bỏ được những vướng mắc trong tâm lý của nạn nhân bị bạo hành.

L.T

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này