Lan toả phong trào “Tuổi cao - Gương sáng”

10:05 | 23/08/2019
(LĐTĐ) Thời gian qua, các hội viên người cao tuổi quận Hai Bà Trưng đã gương mẫu đi đầu và có đóng góp hiệu quả bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, không ngại khó khăn, vượt qua tuổi tác. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng trong công tác Đảng và chính quyền.
lan toa phong trao tuoi cao guong sang Hội người cao tuổi huyện Chương Mỹ: Phát huy vai trò “Tuổi cao - Gương sáng”

Xuất hiện nhiều tấm gương sáng

Đó là bà Nguyễn Kim Mai - Bí thư Chi bộ địa bàn dân cư số 6, phường Thanh Lương, là mẹ liệt sĩ, hơn 80 năm tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng, đã 30 năm liên tục làm Bí thư chi bộ, đến nay vẫn vui vẻ đảm nhận công việc khi được chi bộ tín nhiệm. Bà đã cống hiến cho đất nước, địa phương nhiều công sức, luôn được bà con khối phố, đảng viên tin yêu.

Bà Mai cho biết, năm 2013, thực hiện Đề án 06-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội về việc kiện toàn thôn, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố, địa bàn dân cư của bà Mai ở diện vừa phải chia tách, vừa phải sát nhập. Đây là một công việc có nhiều khó khăn và phức tạp, nhất là công tác tổ chức và sắp xếp cán bộ. Nếu làm không cẩn thận sẽ sinh ra mất đoàn kết nội bộ mà đoàn kết là nền móng cho thành công của mọi việc.

lan toa phong trao tuoi cao guong sang
Quận Hai Bà Trưng khen thưởng, biểu dương người cao tuổi tiêu biểu.

Nên công việc mà cấp uỷ phải tập trung làm đầu tiên đó là xây dựng tinh thần đoàn kết từ trong nội bộ Đảng đến các đoàn thể và trong nhân dân để tạo thành sức mạnh tổng hợp, có tính đồng thuận cao trong mọi việc, làm cơ sở cho việc hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Đến nay, với sự chỉ đạo của bà Mai, tinh thần đoàn kết đã trở thành một trong những truyền thống của địa bàn dân cư số 6, phường Thanh Lương.

Công việc tổ chức, sắp xếp theo mô hình mới của Đề án 06 của Ban Thường vụ Thành uỷ vừa mới ổn định thì khó khăn lại ập đến. Đó là việc giải phóng mặt bằng để làm đường Vành đai I Ô Đống Mác, Nguyễn Khoái. Địa bàn dân cư số 6 có 50 dân phải di chuyển chỗ ở, trong đó có 6 hộ không chịu di chuyển vì chưa đồng ý với giá đền bù. Trong đó, có một gia đình liệt sĩ và một gia đình đảng viên. Phường Thanh Lương và quận Hai Bà Trưng đã phải đưa vào diện cưỡng chế.

Với trách nhiệm là người đứng đầu của Chi bộ, bà Mai đã phải họp gấp để tìm cách giải quyết, không để tình trạng cưỡng chế xảy ra. Ban Chi uỷ đã quyết định cùng với tổ dân vận, Chi hội Người cao tuổi đi đến từng nhà, dùng tình cảm kiên trì thuyết phục. Kết quả là, cả 6 hộ đã di chuyển chỗ ở, bàn giao mặt bằng cho Ban dự án đúng thời gian quy định, không phải cưỡng chế. Qua đó, tiết kiệm cho Nhà nước được hàng tỷ đồng.

Hay bà Vũ Thị Gái - Tổ trưởng tổ dân phố địa bàn dân cư số 10, phường Quỳnh Mai, mặc dù đã thuộc lứa tuổi xưa nay hiếm nhưng bà vẫn đảm nhiệm công việc Tổ trưởng tổ dân phổ hơn 20 năm nay và tiếp tục được nhân dân tín nhiệm bầu Đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021. Với tấm lòng nhân hậu, bà còn làm từ thiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn bởi vì bà luôn có lối sống “mình vì mọi người”.

Bà Nguyễn Kim Loan – Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường, Tổ trưởng tổ dân phố số 5, phường Phạm Đình Hổ. Hơn 20 năm làm Tổ trưởng tổ dân phố, bà luôn được cộng đồng dân cư tin tưởng. Trong việc xây dựng Quy ước dân chủ, tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng tổ dân phố văn hoá, bà luôn sát sao để hoạt động này đi vào thực chất và hiệu quả. Ngoài ra, bà Loan còn quan tâm đến những hoàn cảnh khó khăn, vận động những nhà hảo tâm trên địa bàn dân cư tham gia nhiều công tác xã hội.

Tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở

Còn nhiều những gương sáng người cao tuổi tiêu biểu của quận Hai Bà Trưng tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tham gia tích cực vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội, thúc đẩy việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội được giao.

Bà Ngô Thị Bích Ngọc - Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi quận Hai Bà Trưng cho biết, tỷ lệ người cao tuổi chiếm hơn 10% dân số toàn quận. Trong 5 năm qua, toàn quận đã phát triển và kết nạp được 8.910 hội viên trên tổng số hội viên người cao tuổi toàn quận là 34.268. Người cao tuổi ngoài những thành quả trong phong trào người cao tuổi tham gia làm kinh tế, họ đều có những đóng góp cụ thể và hiệu quả trong việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở.

Toàn quận có 3.911 người cao tuổi tham gia hệ thống chính trị cơ sở, trong đó có 463 người cao tuổi trực tiếp tham gia công tác Đảng từ Phó Bí thư chi bộ trở lên; 1.253 người cao tuổi trực tiếp tham gia công tác chính quyền từ tổ phó dân phố; 521 người cao tuổi trực tiếp tham gia công tác Mặt trận Tổ quốc từ phó ban công tác trở lên... Có nhiều người cao tuổi đảm nhiệm một lúc nhiều vị trí khác nhau như: Bí thư chi bộ; Chi hội trưởng chi hội người cao tuổi; Tổ phố dân phố...

Ban đại diện Hội Người cao tuổi quận và Hội Người cao tuổi các phường đã tập trung tuyên truyền tới cán bộ, hội viên về phong trào “Người cao tuổi trực tiếp tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở”, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tham gia tích cực vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội, thúc đẩy việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội được giao.

Các cấp Hội Người cao tuổi trong quận đã tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Trong nhiều năm qua, các cấp Hội Người cao tuổi trong quận đã tổ chức lấy ý kiến tham gia đối với dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi); Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Ngoài ra, các hội viên còn tham gia các hội nghị lấy ý kiến góp ý vào chương trình, nghị quyết Đảng bộ phường và kế hoạch của HĐND, UBND phường; đóng góp ý kiến bằng văn bản, bằng các buổi sinh hoạt các đoàn thể, sinh hoạt các tổ dân phố mà phần đông là đại biểu người cao tuổi.

Bà Ngô Thị Bích Ngọc đánh giá, mỗi người cao tuổi đều vinh dự, tự hào cả cuộc đời mình từ lúc trai trẻ tới lúc già đều có những đóng góp cho địa phương, đất nước. Ngày nay, trong điều kiện mới, xu thế mới, lớp người cao tuổi vẫn dốc hết sức lực, phát huy vai trò để ích nước, lợi nhà như giữ gìn và xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch của Thủ đô ngàn năm văn hiến; xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống tốt đẹp, văn hoá lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, thực hiện đúng nội dung “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền” bằng những việc làm, hành động thiết thực.

Hằng năm, quận Hai Bà Trưng và các phường đều tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho các hội viên người cao tuổi theo đúng chế độ của nhà nước. Các phường cũng tổ chức thăm quan, du lịch cho cán bộ hội viên tại địa bàn dân cư và tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, cô đơn, tàn tật bằng vật chất kịp thời để không có người cao tuổi nào bị bỏ lại phía sau.

Để động viên kịp thời người cao tuổi tiêu biểu trực tiếp tham gia hệ thống chính trị tại cơ sở giai đoạn 2014-2019, cấp cơ sở phường đã biểu dương khen thưởng 244 người cao tuổi tiêu biểu, cấp quận khen thưởng 60 người cao tuổi tiêu biểu và đề nghị Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội biểu dương 1 cá nhân đạt danh hiệu người cao tuổi tiêu biểu trực tiếp tham gia hệ thống chính trị cơ sở cấp Thành phố.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này