Đẩy mạnh thu hút các nguồn đầu tư vào nông nghiệp

21:36 | 17/08/2019
(LĐTĐ) Với những tiềm năng và thế mạnh sẵn có của lĩnh vực nông nghiệp, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ để kêu gọi các nguồn đầu tư nhằm tạo ra những bứt phá mới trong phát triển nông nghiệp của Thủ đô.  
day manh thu hut cac nguon dau tu vao nong nghiep Xây dựng nông thôn mới gắn với nghề trồng hoa
day manh thu hut cac nguon dau tu vao nong nghiep Tăng cường các biện pháp kỹ thuật về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn
day manh thu hut cac nguon dau tu vao nong nghiep Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp

Theo thống kê, hiện thành phố Hà Nội có hơn 10 triệu người dân cư trú. Trung bình mỗi tháng, người tiêu dùng Thủ đô tiêu thụ 83.400 tấn gạo, 84.100 tấn rau củ quả, 52.000 tấn trái cây, 20.000 tấn thịt lợn hơi, 5.230 tấn thịt bò, 5.200 tấn thịt gà, 5.050 tấn thủy hải sản, khoảng 95 triệu quả trứng (gà, vịt)…

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, cơ hội và nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách để kêu gọi doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, lựa chọn hình thức đầu tư, địa điểm đầu tư hợp lý, hiệu quả.

day manh thu hut cac nguon dau tu vao nong nghiep
Thành phố Hà Nội đã và đang có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ để kêu gọi các nguồn đầu tư vào nông nghiệp

Trong đó, ưu tiên phát triển nhóm doanh nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, chế biến phụ phẩm áp dụng công nghệ cao đối với các lĩnh vực có lợi thế tại các tiểu vùng sinh thái của thành phố, chú trọng từng bước hình thành các tổ hợp nông, công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với nông dân theo mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng và phát triển bền vững.

Tính đến nay, thành phố Hà Nội đã xây dựng và phát triển 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, có 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Ngoài ra, thành phố đã xây dựng được 40 nhãn hiệu được bảo hộ, như: Gà đồi Ba Vì, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, gà đồi Sóc Sơn, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê…

Thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản, thủy sản, thực phẩm và cấp tài khoản tham gia hệ thống quản lý cho 1.984 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông sản, 798 cửa hành kinh doanh trái cây được cấp biển nhận diện trái cây an toàn; cấp mã định danh cho hơn 2.500 sản phẩm, cấp phát hơn 5 triệu tem truy xuất dán trên các sản phẩm nông sản…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội còn khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển. Số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn ít so với các ngành kinh tế khác. Hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với quy mô nhỏ…

Thời gian tới, để thu hút các nguồn đầu tư vào nông nghiệp, thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh nguồn cung cấp tín dụng và cải thiện các điều kiện cung cấp tín dụng nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp và hộ nông dân, đáp ứng cả trung và dài hạn. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp tư nhân lớn có liên kết áp dụng khoa học, công nghệ mới, sản xuất vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến nông sản.

Thành phố Hà Nội cũng sẽ dành tỷ lệ ngân sách từ 2 đến 5% cho hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tập trung giải quyết các vướng mắc, phản ánh của doanh nghiệp về việc ưu đãi các chính sách thu hút đầu tư, nhất là về đất đai sản xuất. Cùng với đó, thành phố sẽ bổ sung chính sách bảo hiểm các sản phẩm nông nghiệp, có hỗ trợ để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp.

Đặc biệt, để tiếp tục phát triển mạnh các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thành phố Hà Nội cho phép dự kiến khảo sát phát triển thêm: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Hoài Đức với quy mô từ 200 đến 1.000ha; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mê Linh quy mô từ 400 đến 500ha; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở thị xã Sơn Tây quy mô khoảng 841ha; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Phúc Thọ khoảng 200ha; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Ba Vì từ 150 đến 200ha…

Với việc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi, chắc chắn, thời gian tới thành phố Hà Nội sẽ thu hút được nhiều nguồn đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp 4.0. Qua đó, khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh để tạo ra những bứt phá mới trong phát triển nông nghiệp của Thủ đô.

Mạnh Quân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này