Phòng chống dịch sốt xuất huyết: Hiệu quả từ các đội đặc nhiệm

11:30 | 13/08/2019
(LĐTĐ) Trong thời gian qua, bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có chiều hướng phát triển phức tạp, tại Hà Nội với hơn 1.800 ca mắc bệnh. Trước tình hình đó, một số địa phương đã lập đội đặc nhiệm phòng chống dịch SXH luôn sẵn sàng “chiến đấu” với dịch. Đội đặc nhiệm này có nhiệm vụ tiếp cận điểm “nóng” nhanh nhất có thể ngay khi có thông tin về người mắc bệnh trên địa bàn, đặc biệt là bước “tiền trạm” để đánh giá mức độ nguy cấp của bệnh tại địa phương.
phong chong dich sot xuat huyet hieu qua tu cac doi dac nhiem Ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát trong trường học
phong chong dich sot xuat huyet hieu qua tu cac doi dac nhiem Hà Nội: Nghiên cứu lập đội đặc nhiệm chống dịch sốt xuất huyết
phong chong dich sot xuat huyet hieu qua tu cac doi dac nhiem Tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Gia tăng bệnh nhân mắc SXH

Từ đầu năm tới nay, số người mắc SXH vượt quá 80.000 người, tăng gấp 3 lần so với cả năm 2018 vừa qua, tình hình không chỉ phức tạp tại các tỉnh miền Nam mà ngay tại Hà Nội đã ghi nhận 1.800 trường hợp mắc SXH. Cả 30 quận, huyện, thị xã đều có bệnh nhân mắc SXH, trong đó 85% số ca mắc nằm ở 12 quận, huyện là Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thường Tín, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Oai, Thanh Trì, Ba Đình, Hoài Đức, Hai Bà Trưng.

phong chong dich sot xuat huyet hieu qua tu cac doi dac nhiem
Đội đặc nhiệm phun hóa chất phòng bệnh SXH trên địa bàn huyện Thường Tín.

Trước tình hình đó TS. Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị có kế hoạch cụ thể theo từng tình huống dịch; tích cực tuyên truyền để người dân hợp tác với ngành Y tế cũng như chủ động phòng chống dịch SXH. Đặc biệt, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng đã cho thành lập 2 đội đặc nhiệm/đơn vị tại Trung tâm y tế 14 quận, huyện dịch bệnh SXH đang diễn biến phức tạp. Đội đặc nhiệm sẽ được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ trước khi bước vào chống dịch.

Là một trong những điểm nóng SXH, Đội đặc nhiệm phòng chống dịch SXH được thành lập tại huyện Thường Tín (Hà Nội) và đã ngay lập tức bắt tay vào việc phòng chống dịch tích cực và chủ động. Huyện Thường Tín là một huyện nhiều làng nghề và số lượng dân cư có tính di động cao, tập quán tích nước mưa sử dụng trong sinh hoạt tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi mang mầm bệnh phát triển…

Được biết, từ đầu năm đến nay địa bàn huyện Thường Tín có 140 ca mắc SXH tại xã Tiền Phong, Vạn Điểm, Nguyễn Trãi, Hiền Giang... Cuối tháng 7, đầu tháng 8, riêng tại xã Nguyễn Trãi có 18 bệnh nhân mắc, trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh đội đặc nhiệm tại đây đã được “kích hoạt”.

Đội đặc nhiệm phòng chống dịch SXH có nhiệm vụ tiếp cận điểm “nóng” nhanh nhất có thể ngay khi có thông tin về người mắc bệnh trên địa bàn, là bước “tiền trạm” để đánh giá mức độ nguy cấp của bệnh tại địa phương. Cũng tại địa phương này, lực lượng y tế dự phòng cũng đã có cách làm sáng tạo khi là nơi đầu tiên trên cả nước sử dụng biện pháp "mắc màn cho bể nước" để ngăn chặn sự sinh sản của muỗi mang nguồn bệnh.

Khoanh vùng xử lý dịch trong 24h

Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Vân Anh – Khoa kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Thường Tín- Đội trưởng đội đặc nhiệm cho biết, toàn đội gồm 5 thành phần: Cán bộ dịch tễ, cán bộ côn trùng, cán bộ xét nghiệm, cán bộ xử lý và cán bộ hậu cần. Đội đặc nhiệm chỉ cần tiếp nhận được thông tin có dịch ở bất cứ đâu trên địa bàn cũng sẽ ngay lập tức đến điều tra dịch tễ, giám sát côn trùng và xử lý kèm theo. Sau khi tiến hành khoanh vùng dịch sẽ báo cáo cho Ủy ban nhân dân huyện và sau 24h sẽ phải xử lý xong.

Là thành viên của Đội đặc nhiệm, ông Hoàng Văn Chuyển được giao nhiệm vụ bắt muỗi để tiến hành kiểm tra véc tơ lây bệnh. Anh Chuyển chia sẻ: "Muỗi gây bệnh SXH gồm hai loài của chi Aedes, đó là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Trong đó Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn do có vằn trắng trên cơ thể".

Theo anh Chuyển phân tích, những loại muỗi này sống gần khu vực có nhiều người, muỗi thường trú đậu nơi có ánh sáng yếu, chỗ tối trong nhà. Một số nơi trú ngụ, đậu lại ưa thích của muỗi là mặt dưới của đồ gỗ, quần áo treo, rèm treo cửa trong phòng ngủ, nhà vệ sinh, phòng tắm và bếp, tủ, hốc, gậm giường… Bởi vậy, người dân cần chú trọng những điểm trên để có những biện pháp chủ động phòng ngừa muỗi gây bệnh hiệu quả.

Cùng với việc tuyên truyền về công tác diệt loăng quăng, bọ gậy hiệu quả, ngành Y tế đã sử dụng cả máy phun thuốc diệt muỗi công suất lớn để dập dịch SXH. Trong đó, có máy phụ thuốc diệt muỗi đặt trên ô tô, máy phun mù nóng, máy phun đeo vai cùng với sự tham gia của lực lượng thanh niên, quân đội, dân phòng và công an…

Song, theo các chuyên gia Y tế, biện pháp bền vững, triệt để và lâu dài nhất là phải diệt bọ gậy thường xuyên, liên tục trong tuần ở trong gia đình, các công trường xây dựng, bãi đất trống, cơ quan trường học… kết hợp với việc phun thuốc diệt muỗi cần được lặp lại sau một thời gian nhất định và phải được phun toàn bộ các hộ dân trong một địa bàn.

Theo ông Đỗ Văn Ngọc – Trưởng phòng Y tế huyện Thường Tín: Đối với công tác phòng chống dịch SXH người dân là lực lượng chính, nếu người dân không ủng hộ thì khó có hiệu quả. Đối với các thôn, làng nghề rất nhiều ngóc ngách, bể chứa nước phòng cháy chữa cháy rất nhiều và trên cao khiến lực lượng chức năng rất vất vả khi kiểm tra, xử lý.

“Việc phòng chống bệnh dịch SXH luôn đi kèm với tuyên truyền trên phát thanh, họp dân để thống nhất vào cuộc. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 5-7% số gia đình vẫn chưa hợp tác trong quá trình dập dịch. Thậm chí chúng tôi còn phải yêu cầu lực lượng chức năng đến lập biên bản, gia đình nào có dấu hiệu chống đối nếu theo quy định sẽ tiến hành xử lý phạt hành chính. Tuy nhiên cho đến nay chúng tôi đều có những biện pháp để thuyết phục các gia đình thực hiện chống dịch hiệu quả theo đúng tình thần triển khai”, lãnh đạo phòng Y tế huyện Thường Tín chia sẻ thêm.

Được biết, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã tổ chức 1048 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy với trên 2,5 triệu lượt hộ gia đình được kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn diệt bọ gậy (đạt 95,1%); kiểm tra gần 4,6 triệu dụng cụ chứa nước tại hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học, công trường… phát hiện 232.414 dụng cụ chứa nước có bọ gậy và đã loại bỏ được ổ bọ gậy ở 217.961 dụng cụ (đạt 94%).

Toàn Thành phố đã tổ chức 102 chiến dịch phun hóa chất chủ động phòng chống SXH tại 13 quận, huyện có nhiều bệnh nhân. Kết quả đã phun hóa chất cho gần 135.000 hộ được khoanh vùng trong khu vực nguy cơ, đạt 85,8%; 164 công trường, 1095 cơ quan, đơn vị, trường học… được phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành.

Tỷ lệ phun ở một số quận, huyện là: Cầu Giấy (80%), Đống Đa (74%), Hà Đông (88%), Thanh Oai (96%), Hoàng Mai (75%), Ứng Hòa (90%), Thanh Xuân (91%), Thạch Thất (98%), Chương Mỹ (98%). Các chiến dịch đã sử dụng hết 1.087 lít hóa chất Hantox-200.

Tuy nhiên dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường bởi các yếu tố nguy cơ như nhiệt độ thích hợp cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sản và phát triển; ổ bọ gậy nguồn rất đa dạng từ bể hở, xô chậu đựng nước, phế liệu, phế thải…; dân cư di biến động lớn, đặc biệt là học sinh, sinh viên từ các tỉnh, thành phố đang trở về Hà Nội để bước vào năm học mới; thực hành phòng chống SXH của người dân còn hạn chế; sự lưu hành của type D4 (type ít gặp ở Hà Nội) tại nhiều xã, phường.

Vì vậy, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị có kế hoạch cụ thể theo từng tình huống dịch; tích cực tuyên truyền để người dân hợp tác với ngành Y tế cũng như chủ động phòng chống dịch SXH.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này