Triển khai các giải pháp nhằm giảm triệt để tình trạng “xin - cho”

13:51 | 25/07/2019
(LĐTĐ) Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thời gian qua thành phố Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo, ban hành quy định để xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, được người dân đánh giá cao và làm cơ sở thôi thúc các cấp, ngành tiếp tục triển khai thực hiện mạnh mẽ hơn nữa.
trien khai cac giai phap nham giam triet de tinh trang xin cho Bùng nổ đô thị hóa – Cơ hội đổi đời cho người nhập cư
trien khai cac giai phap nham giam triet de tinh trang xin cho Giải pháp đầu tư trọn gói từ The Grand Manhattan
trien khai cac giai phap nham giam triet de tinh trang xin cho Cơ hội việc làm bền vững cho lao động nữ di cư: Cần thêm giải pháp hỗ trợ

Chị Đinh Thị Quỳnh, nhân viên một văn phòng công chứng trên phố Thái Hà (quận Đống Đa) chia sẻ: Nếu như trước đây, nhiều người dân vẫn ngại khi phải đi làm các thủ tục hành chính ở cơ quan nhà nhưng thì bây giờ việc đó đã thuận lợi hơn rất nhiều. Khi đi ra phường, cán bộ hướng dẫn tận tình, việc thực hiện cũng nhanh, tiện hơn, thậm chí có thể tranh thủ làm ngoài giờ hành chính.

trien khai cac giai phap nham giam triet de tinh trang xin cho
Việc đẩy mạnh cải cách hành chính của Hà Nội đã góp phần xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. (Ảnh: NC)

Bạn Nguyễn Tuyết Mai, cán bộ đoàn thanh niên phường Đống Mác (quận Hai Bà Trưng), nhiều lần trực tiếp làm và hướng dẫn người thân làm thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa của phường nhận xét: “Các thủ tục hành chính và quy trình thực hiện đều được niêm yết công khai, cán bộ hướng dẫn tận tình. Tôi đã được phục vụ thật sự chứ không phải lo lắng kiểu làm việc “xin - cho” như trước”.

Đó chỉ là hai trong nhiều nhận xét tích cực từ kết quả của nỗ lực xây dựng nền hành chính phục vụ, xóa bỏ “xin - cho” được Thành ủy Hà Nội chỉ đạo thực hiện trong cả hệ thống chính trị thành phố thời gian qua.

Để có được sự hài lòng của người dân, các đơn vị thuộc thành phố Hà Nội đã tập trung vào công tác cải cách hành chính, trong đó, chú trọng cả vào những việc cụ thể như xem xét, đánh giá và trang bị thiết bị cũng như bố trí người phục vụ ở bộ phận một cửa. Điển bình là huyện Mê Linh, theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, huyện đã ban hành kế hoạch tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính. Nơi nào không thực hiện tốt thể hiện ở ngay kết quả thi đua…

Tương tự, Cục Thuế Hà Nội cũng xác định đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian cho người nộp thuế có ý nghĩa quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện kê khai thuế qua mạng đạt xấp xỉ 100% và cũng gần 100% số tiền thuế được nộp theo phương thức điện tử.

Cơ chế “xin - cho” là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới những biểu hiện suy thoái đạo đức trong đội ngũ cán bộ, mà thường thấy nhất là núp bóng thủ tục hành chính để sách nhiễu, thậm chí vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hà Nội đã tập trung giải quyết vấn đề này theo hướng công khai, minh bạch, giảm tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan công quyền thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính.

Không chỉ tập trung cải cách hành chính, hằng năm, Thành phố đều công khai, minh bạch trong các chính sách, quy trình, thủ tục giải quyết công việc, việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, phân bổ dự toán, phân cấp nguồn thu, quy hoạch sử dụng đất đai, thông tin đấu giá quyền sử dụng đất, các dự án thu hồi đất do vi phạm các quy định của pháp luật… Chính điều đó sẽ giảm thiểu sự “xin - cho”.

Nhiều cơ quan, đơn vị đang tăng cường thực hiện các giải pháp công khai, minh bạch gắn với nâng cao chất lượng phục vụ nhằm xóa bỏ “xin - cho”. Trong khi đó, nhiều quận, huyện đã ban hành kế hoạch tuyên truyền về cải cách hành chính, đồng thời hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến từ nhà. Các địa phương như thị xã Sơn Tây, quận Long Biên, huyện Đông Anh, Hoài Đức đều tăng cường thanh tra công vụ gắn với kiểm tra việc tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong những tháng cuối năm.

Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở mà Chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội đã đạt kết quả cao, hiện xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Hệ thống phần mềm “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp liên thông từ Thành phố, các sở, ngành đến các phường, xã, thị trấn hoạt động cơ bản ổn định. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã đạt mục tiêu 55% trong năm 2018 và đang phấn đấu đạt 80% trong năm nay.

Trong những nhiệm vụ năm 2019, Thành phố xác định sẽ đặc biệt coi trọng việc tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức. Thành phố cũng đang chỉ đạo nghiên cứu xây dựng đề án đẩy mạnh việc phát hiện xử lý những lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tham nhũng, nhũng nhiễu trên địa bàn, giảm triệt để tình trạng “xin - cho”. Điều này cũng đòi hỏi trách nhiệm vào cuộc của các cấp, ngành và mỗi cán bộ, đảng viên.

Nguyễn Công

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này