Vì Thủ đô không rác thải nhựa

09:29 | 30/07/2019
(LĐTĐ) Rác thải nhựa đã trở thành một trong những vấn nạn, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường thiên nhiên, ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt, sức khỏe của con người. Đáng nói, hiện đã có nhiều công nghệ xử lý rác của nước ngoài và Việt Nam nghiên cứu, nhưng chưa phát huy hiệu quả do khâu phân loại rác tại nguồn chưa hiệu quả. Thực tế cho thấy, chỉ khi việc phân loại rác thải thực hiện hiệu quả thì bài toán rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng mới có thể giải quyết triệt để.
vi thu do khong rac thai nhua Hà Nội sắp cấm dùng đồ nhựa một lần: Bắt đầu từ ý thức mỗi người dân
vi thu do khong rac thai nhua Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần

Hành trình nan giải

Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Việt Nam rác thải nhựa chiếm 7% tổng lượng chất thải rắn thải ra, tương đương gần 2.500 tấn/ngày. Đáng chú ý, rác thải nhựa khó phân hủy kéo dài gây ô nhiễm môi trường, chi phí xử lý tốn kém. Lấy ví dụ từ túi nilon, theo PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi nhựa, túi nilon lẫn vào đất sẽ ngăn cản oxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng.

PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết, ở các làng nghề ngoại thành, cho đến nay vẫn sử dụng phương cách thủ công là đốt rác, đốt nilon, điều này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Cụ thể, với các chất tương tự polime, khi cháy ở nhiệt độ thấp thì có thể sinh ra hợp chất dioxin. Với các loại túi nilon màu khi dùng để đựng thực phẩm có thể khiến thực phẩm nhiễm các loại như chì, clohydric gây tác hại cho não và là nguyên nhân gây ung thư phổi. Thức ăn nóng đựng trong túi nilon, hộp nhựa có nguy cơ tiềm ẩn nhiễm độc rất cao, đặc biệt là nhiễm chất độc DOP (Dioctin Phatalat). Có tác hại cho nam giới và trẻ em khi cơ quan sinh dục chưa hoàn chỉnh.

vi thu do khong rac thai nhua
Nếu tái chế rác thải nhựa, đúng phương pháp thì có thể biến rác thải nhựa trở thành nguồn tài nguyên hữu ích.

Dù có hại song nếu nhìn ở góc độ tổng thể, nếu tái chế rác thải nhựa hiệu quả, đúng phương pháp thì có thể biến nó trở thành nguồn tài nguyên hữu ích. Nói cách khác, áp dụng công nghệ xử lý rác vừa thân thiện môi trường vừa tạo sản phẩm hữu ích là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Song quanh vấn đề tái chế rác thải nhựa hiện vẫn tồn tại nhiều nan giải. Hà Nội là ví dụ. Theo tìm hiểu, hiện mỗi ngày, người dân Hà Nội thải ra hơn 6.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó gồm một lượng lớn phế liệu, rác thải nhựa có thể tái chế để sử dụng.

Tuy nhiên, công tác tái chế hiện nay lại chỉ trông chờ vào các làng nghề thủ công, chuyên tái chế phế liệu, chủ yếu là giấy, nhựa như: Thôn Tân Triều, xã Triều Khúc (huyện Thanh Trì); phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm); thôn Từ Châu, xã Liên Châu (huyện Thanh Oai); thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa); xã Tiên Dược và Kim Lũ (huyện Sóc Sơn)...

Tại những làng nghề này, vỏ chai đựng nước, lon nước ngọt hay các loại túi nilon, giấy, vở, sách báo cũ… bỏ đi đang được nhiều người thu gom, phân loại, bán cho các đại lý, rồi chuyển về nơi tái chế. Những thứ này được quay vòng, trở thành vật dụng hữu ích, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người. Tuy nhiên, sống chung với nghề tái chế, đa phần người dân các làng nghề đều bày tỏ mong mỏi sớm được di chuyển cơ sở sản xuất đến cụm công nghiệp làng nghề ở xa khu dân cư để bảo đảm sức khỏe cho gia đình hơn.

Trở lại với câu chuyện phân loại rác thải từ nguồn, theo tìm hiểu, ngay từ năm 2006, Hà Nội thực hiện thí điểm Dự án phân loại rác tại nguồn do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) thực hiện. Mục tiêu của dự án nhằm làm giảm, tái chế và tái sử dụng rác thải hướng tới mục đích bảo vệ môi trường. Ngay từ các hộ dân, rác thải được phân thành 3 loại: Rác hữu cơ (hoa, rau, quả, thức ăn thừa…) đựng trong thùng rác màu xanh lá cây với rọ lọc chất lỏng; rác vô cơ (xương, cành cây, vỏ sò hến, sành sứ, vải, tã bỉm) đựng trong thùng rác màu da cam; rác tái chế (giấy, bìa, nhựa, kim loại) để dành hoặc bán cho người thu gom.

Dự án trên đã được triển khai tại nhiều phường trên địa bàn thành phố với ước tính, tổng lượng rác giảm thiểu sau khi phân loại rác tại nguồn lên tới 4.680 tấn/năm. Theo đánh giá thời điểm đó, hiệu quả của dự án này được đánh giá là tác động tích cực tới môi trường, giảm tới 30% lượng rác đưa đi chôn lấp, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xử lý rác, kéo dài tuổi thọ các bãi chôn lấp... Tuy nhiên, khi Dự án thí điểm kết thúc vào năm 2009, không còn nguồn kinh phí tài trợ từ JICA nữa thì các cụm từ phân loại rác, vô cơ, hữu cơ dường như ít được nói đến.

Ít năm lại đây, một số địa phương, đơn vị thuộc Hà Nội vẫn duy trì việc phân loại rác tại nguồn. Người dân dễ dàng nhìn thấy hệ thống thùng được chia ngăn phân loại rác và hầu hết người dân tự giác thực hiện khá nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, xu hướng phân loại cho đến nay vẫn chưa được mở rộng mà chỉ bó hẹp trong phạm vi nhỏ.

Nói không với rác thải nhựa

Ngay sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” Hà Nội nhanh chóng trở thành địa phương đi tiên phong không sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần. Để hạn chế rác thải nhựa, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là vận động, tuyên truyền, kêu gọi sự ủng hộ của doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tiên phong trong việc nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Theo khảo sát của phóng viên tại một số siêu thị như: Co.opmart Hà Đông, Big C Hồ Gươm, các siêu thị thuộc hệ thống Vinmart và cửa hàng Vinmart+..., phóng viên đã ghi nhận được nhiều sự chuyển biến tích cực. Cụ thể, các siêu thị đều chuyển sang sử dụng túi nilon tự phân hủy để gói hàng cho khách và bán sản phẩm túi, màng bọc thực phẩm, găng tay dùng khi chế biến thực phẩm... làm từ nilon tự phân hủy. Tại quầy rau xanh ở các siêu thị Co.opmart Hà Đông, Big C Hồ Gươm, Big C Lê Trọng Tấn... một số loại rau cũng được gói bằng lá chuối như Lotte Mart Đống Đa.

Được biết, thời gian tới Hà Nội sẽ xây dựng cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường. Triển khai Chương trình thí điểm phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa giấy thành các sản phẩm tái sinh an toàn tại các trường tiểu học và mầm non; thí điểm mô hình “Không gian xanh - các-bon thấp” tại một số quận, huyện, trong đó hỗ trợ xây dựng sân chơi cho trẻ với các thiết bị và nguyên liệu tái chế từ chai nhựa, túi ni-lông, lốp xe; vận động các tòa nhà, khu dân cư, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ ký cam kết hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni-lông khó phân hủy…

Quanh câu chuyện chung tay biến nhận thức thành hành động, đẩy mạnh tái chế rác thải nhựa, theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam thì các ngành chức năng cần sớm nghiên cứu, áp dụng công nghệ kỹ thuật phù hợp để thay thế và tái chế hiệu quả. Trong đó, một biện pháp hết sức quan trọng là sử dụng công nghệ kỹ thuật trong việc thay thế bao bì nhựa sử dụng một lần bằng các sản phẩm dễ phân hủy trong điều kiện tự nhiên và tái chế rác thải nhựa.

Luyện Đinh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này