Dấu ấn từ ngôi nhà số 15 Hàng Nón

09:50 | 28/07/2019
(LĐTĐ) Ngày 28/7/1929, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng quyết định triệu tập Đại hội tại ngôi nhà số 15 Hàng Nón (Hà Nội) để thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của Công đoàn Việt Nam). Đây được xem là mốc son trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Kể từ thời khắc ấy, số nhà 15 Hàng Nón mãi mãi đi vào lịch sử.
dau an tu ngoi nha so 15 hang non Gắn biển công trình chào mừng 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam
dau an tu ngoi nha so 15 hang non Mít tinh chào mừng 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam
dau an tu ngoi nha so 15 hang non Sôi nổi các hoạt động chào mừng 90 năm Công đoàn Việt Nam

Ngày nay cùng với biến cố của thời gian, phố Hàng Nón đã đổi khác nhiều so với trước. Để tìm được căn nhà từng là chứng nhân lịch sử quan trọng của việc thành lập Công đoàn Việt Nam, chúng tôi phải nhờ tới sự chỉ dẫn của cụ Nguyễn Thị Tuyết Nga - người đã đảm nhận cương vị tổ trưởng tổ dân phố ở đây xuyên suốt 6 thập kỷ. Tại phố Hàng Nón, có lẽ không có một ngôi nhà hay góc phố nào mà cụ chưa từng đặt chân đến.

dau an tu ngoi nha so 15 hang non
Nhà số 15, phố Hàng Nón nơi diễn ra sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ

Cụ Nga bảo, người ta gọi con phố này là Hàng Nón bởi thời xưa nơi đây vốn có nhiều cửa hàng làm và bán các loại nón khác nhau, từ nón dứa, nón lông cho đàn ông đến nón quai thao, nón ba tầm, nón chảo dành cho phụ nữ. Thời gian trôi qua, nón lá không còn được người dân ưa chuộng nhiều như trước, cửa hàng bán nón ở trong phố thưa dần, sau chỉ còn vài ba nhà giữ nghề cũ. Nón dần chỉ còn thấy bán ở trong các chợ...

Sau nhiều đổi thay, phố Hàng Nón kinh doanh nhiều mặt hàng hơn, từ bán nhôm kính, trướng thêu cho đến giày dép, quần áo thời trang. Số nhà 15, trước những năm 1929 vốn là tiệm thuốc lào, nay cũng đã trở thành một của hàng thời trang lớn. Tuy có sự thay đổi nhiều đến thế nhưng khi hỏi về địa chỉ đỏ, nơi thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, đa số người dân nơi đây đều biết rõ.

90 năm hình thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống người lao động. Điều này được thể hiện rõ nét trong giai đoạn cách mạng hiện nay, đặc biệt là sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, hiện đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cụ Nga kể, theo sử sách, sự ra đời của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ gắn liền với hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong những thập niên đầu của thế kỷ XX. Vào giai đoạn năm 1897 - 1914, Thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ nhất tại Việt Nam. Thời điểm này, ở nước ta, các nhà máy rượu bia, vải sợi, hầm mỏ, đồn điền cao su, cà phê... lần lượt ra đời và cùng với đó, đội ngũ những người công nhân Việt Nam đầu tiên được hình thành.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, để bù đắp những tổn thất, Thực dân Pháp đã tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai với quy mô và tốc độ lớn hơn trước. Chúng tăng cường đầu tư vào các ngành khai khoáng, giao thông vận tải, đồn điền, công nghiệp chế biến, dệt may... nhằm tăng cường vơ vét và bóc lột ở các nước thuộc địa. Thời kỳ này, số lượng công nhân Việt Nam phát triển nhanh chóng lên đến trên 22 vạn người vào đầu năm 1929.

Dưới sự áp bức bóc lột hà khắc của thực dân, phong kiến, giai cấp công nhân Việt Nam đã đoàn kết, tổ chức tập hợp nhau lại đấu tranh đòi quyền lợi, dẫn đến hình thành các Hội Ái hữu, Hội Tương tế trong các nhà máy, xí nghiệp. Cuối năm 1920, đồng chí Tôn Đức Thắng vận động thành lập Công hội Ba Son ở Sài Gòn, mở đầu cho phong trào đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc. Công hội này tồn tại trong thời gian ngắn và chưa có chính cương, điều lệ.

Năm 1929, phong trào công nhân và hoạt động công hội ở nước ta phát triển sôi nổi, đặc biệt là ở miền Bắc. Các cuộc đấu tranh của công nhân nổ ra liên tục ở nhiều xí nghiệp, có sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất hành động giữa các cuộc đấu tranh ở xí nghiệp này với xí nghiệp khác trong cùng một địa phương, giữa các địa phương này với địa phương khác trong toàn xứ, kết hợp với phong trào đấu tranh chống thuế của nông dân, bãi thị của tiểu thương, bãi khóa của học sinh.

Trước tình hình đó, để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác vận động công nhân và tăng cường sức mạnh cho tổ chức Công hội Đỏ, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng quyết định triệu tập Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ vào ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón – Hà Nội.

Tham dự Đại hội có đại biểu các Tổng công hội tỉnh và thành phố: Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, khu mỏ Đông Triều, Mạo Khê… Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Tổng Công hội Đỏ do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu, đồng thời, thông qua chương trình, Điều lệ của Công hội Đỏ, quyết định cho xuất bản tờ Lao Động và tạp chí Công hội Đỏ.

Chia sẻ thêm về tầm quan trọng về sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, PGS.TS Trần Xuân Dung – nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân cho biết: Sự ra đời của Tổng Công hội Đỏ có ý nghĩa hết sức to lớn đối với phong trào công nhân Việt Nam.

Đây vừa là kết quả tất yếu của sự trưởng thành về chất lượng phong trào công nhân nước ta, vừa là thắng lợi của đường lối công vận của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương cũng như của phong trào cộng sản nói chung. Đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu bức thiết về mô hình tổ chức của phong trào công nhân Việt Nam và đánh dấu sự hòa nhập của phong trào công nhân nước ta với phong trào cộng sản công nhân quốc tế.

“Trong lịch sử phong trào công đoàn Việt Nam, Công hội Đỏ là tổ chức quần chúng đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Tổ chức này ra đời giữa lúc giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam bị áp bức bóc lột nặng nề. Được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Công hội Đỏ đã luôn gắn liền việc vận động quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi hàng ngày với việc tổ chức công nhân đoàn kết cùng các tầng lớp nhân dân chống Thực dân Pháp để giải phóng dân tộc.

Đồng thời, Công hội Đỏ cũng góp phần đặt mối quan hệ đầu tiên giữa phong trào công nhân Việt Nam với phong trào công nhân thế giới, đặc biệt là với công đoàn và công nhân Pháp” – PGS.TS Trần Xuân Dung cho biết.

Sự kiện này đã mở ra cho phong trào công nhân ỏ Hà Nội một thời kỳ phát triển mới: Thời kỳ sàng lọc, củng cố, kiện toàn các tổ chức công hội vốn có, chuyển thành các Công hội Đỏ đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của tổ chức cộng sản. Từ đó, mục tiêu, nội dung, phương pháp hoạt động của tổ chức Công hội Hà Nội mang một chất lượng mới.

Ngày nay, sau 90 năm hình thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống người lao động. Điều này được thể hiện rõ nét trong giai đoạn cách mạng hiện nay, đặc biệt là sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, hiện đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với số lượng chỉ chiếm 21% tổng số lao động và 11% dân số cả nước, nhưng giai cấp công nhân Việt Nam đã đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và 70% ngân sách nhà nước.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này