Ngôi làng cổ duy nhất còn sót lại của phố Hiến

11:32 | 18/07/2019
(LĐTĐ) Cách Hà Nội khoảng 30 km, làng Nôm thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên là ngôi làng cổ duy nhất còn sót lại của phố Hiến. Làng Nôm được nhiều người biết tới với quần thể di tích Chùa Nôm, chợ Nôm và những ngôi nhà cổ. Trải qua nhiều thế kỷ, quần thể di tích này vẫn giữ được nét riêng, tạo nên một bức tranh làng quê yên bình và cổ kính.
ngoi lang co duy nhat con sot lai cua pho hien Bí ẩn chùa Chuông Phố Hiến
ngoi lang co duy nhat con sot lai cua pho hien Đêm hội "Phố Hiến huyền thoại-Trầm tích phù sa sông Hồng"
ngoi lang co duy nhat con sot lai cua pho hien Đền Mẫu Hưng Yên chốn ước nguyện linh thiêng

Tồn tại hơn 200 năm, làng Nôm được coi như “vật báu” và là niềm tự hào của người dân xã Đại Đồng. Sinh ra và gắn bó với mảnh đất này từ nhỏ, ông Đỗ Ngọc Vượng – người dân thôn Đại Đồng cho biết: “Làng Nôm là một trong những ngôi làng điển hình của làng quê Bắc bộ xưa, do vẫn giữ được vẻ đẹp ban sơ nên những năm gần đầy, số lượng khách du lịch tìm đến làng ngày càng nhiều. Làng Nôm bao gồm một quần thể di tích trong đó có Chùa Nôm, cây cầu đá, chợ Nôm cổ, những ngôi nhà cổ... Đến nay quần thể này vẫn còn giữ được nhiều giá trị truyền thống của làng Việt Bắc bộ với những nét kiến trúc độc đáo cổ xưa, tạo nên cảnh quan hữu tình, thơ mộng”.

Nếu đã về với làng Nôm, du khách không nên bỏ qua khu di tích Chùa Nôm. Chùa Nôm được xây dựng từ thời Lý, có tên là "Linh Thông cổ tự" tọa lạc ở phía Đông Bắc của làng Nôm. Khác với các ngôi chùa thuộc vùng Bắc Bộ thường nằm gần làng hoặc trong làng, chùa Nôm nằm giữa cánh đồng. Đây là ngôi chùa mang nhiều dấu ấn kiến trúc truyền thống lâu đời và được khởi sự từ rất sớm. Qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chùa Nôm còn lưu giữ được nhiều cổ vật, trong đó có hơn 100 pho tượng cổ và nhiều hiện vật khác như: Bia đá, chuông đồng, văn khắc và nhiều tư liệu quý.

ngoi lang co duy nhat con sot lai cua pho hien
Ngôi làng cổ yên bình, giản dị mang đậm kiến trúc của làng quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Trước khi đến với chùa Nôm, du khách sẽ đi qua cây cầu đá cổ bắc qua sông Nguyệt Vọng. Cầu được kết cấu gồm 9 nhịp cầu, theo người xưa 9 nhịp này biểu trưng cho sự may mắn, viên mãn của người dân. Mặt cầu được ghép bởi những phiến đá xanh, nguyên khối, rộng 2m, gắn khít nhau, những phiến đá lớn được các nghệ nhân dân gian đục đẽo rất công phu, hai bên thành cầu có các mỏm đá nhô ra được chạm trổ bằng các hoa văn như vân mây, đầu rồng biểu trưng cho sự tốt lành. Nét đặc biệt trong cách xây dựng cầu đá làng Nôm là mặt cầu, dầm cầu và chân cầu chỉ gác lên nhau chứ không có vật liệu liên kết như vôi vữa hay đinh ốc như những cây cầu hiện đại. Dù vậy trải qua hơn 2 thế kỷ, kết cấu của cây cầu vẫn bền vững và không có dấu hiệu hỏng hóc hay xuống cấp.

Điểm đặc biệt hấp dẫn du khách khi tham quan chùa Nôm chính là khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, rộng rãi với nhiều công trình kiến trúc đặc sắc. Theo quan sát, cổng chùa Nôm được xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo với những hình hoa văn rồng, phượng được chạm khắc tinh xảo, các cột trụ được làm bằng các loại gỗ quý, phần mái được lợp bằng mái ngói đỏ hình vảy cá tạo cảm giác cổ kính. Không chỉ có vậy, 2 bên cổng tam quan của chùa cũng được bao bọc bởi những cây cổ thụ lớn, tỏa bóng mát, tạo nên vẻ đẹp trầm mặc cho ngôi chùa.

Bước qua cổng tam quan vào bên trong chùa, 2 ngôi lầu cổ kính sẽ hiện ra trước mắt du khách. Hai ngôi lầu nằm đối diện nhau có tên gọi là lầu Chuông và lầu Trống. Lầu Chuông là nơi được rất nhiều du khách ghé thăm bởi vị trí này không chỉ có lầu Chuông tọa lạc mà còn có một hồ nước trong xanh, thơ mộng. Từ phía chính điện của chùa đi ra bên ngoài, du khách sẽ được ngắm nhìn vẻ đẹp của lầu Quan Âm nằm ở giữa hồ nước rộng lớn như một đài sen nguy nga, lộng lẫy. Dẫn vào lầu Quan Âm là một cây cầu đá hình cánh cung mô phỏng cây cầu Nôm cổ, phía trước cầu là hai tháp Cửu Phẩm liên hoa bằng đồng tạo thành một cụm kiến trúc thống nhất làm mãn nhãn du khách tới thăm quan.

ngoi lang co duy nhat con sot lai cua pho hien

Chùa Nôm chính là khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, rộng rãi với nhiều công trình kiến trúc đặc sắc.

Một trong những cổ vật còn lại trong ngôi chùa gây sự chú ý cho du khách đó là hơn 100 pho tượng phật cổ. Theo người dân thôn Đại Đồng, nơi đây đã nhiều lần phải trải qua các trận đại hồng thủy, ngập úng trên diện rộng, trong đó bao gồm cả ngôi chùa, các pho tượng phật nằm ngập sâu trong nước nhiều ngày. Tuy nhiên, dù trải qua nhiều biến cố, các pho tượng bằng đất nung vẫn giữ nguyên được hình thái và màu sắc ban đầu khiến người dân rất ngạc nhiên, sau này các pho tượng được đặt tại nhiều vị trí khác nhau trong ngôi chùa để người dân thờ cúng.

Có lẽ với nhiều du khách, điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất với họ chính vẻ đẹp cổ kính của những ngôi nhà cổ tại Làng Nôm. Dù đã trải qua thăng trầm, biến cố của thời gian, thế nhưng, bằng cách nào đó nét cổ kính của những ngôi làng cổ vẫn giữ nguyên vẹn. Nét đẹp thời gian được cảm nhận từ nét rêu phong bám trên những bức tường bao, cổng chào cho tới những nét hoa văn cổ xưa được điểm vào các vị trí khác nhau của bức tường nhưng lại tạo ra được sự hài hòa, tinh tế.

Nhà cổ tại làng Nôm hầu hết đều thiết kế theo kiến trúc cổ xưa, mộc mạc nhưng tinh tế. Phần lớn đều được kết cấu theo mẫu nhà 1 tầng cấp 4, thường chia cấu trúc thành nhà 3 gian hoặc 5 gian với mái ngói và kèo truyền thống. Do có kết cấu truyền thống đơn giản, thoáng mát vào mùa hè, ấm cúng vào mùa đông và không có sự ngăn cách giữa các thành viên trong gia đình nên kiểu nhà cổ được ưa chuộng. Đặc biệt, dù là những gia đình có điều kiện hay khó khăn về kinh tế thì ngôi nhà của họ cũng được dựng lên từ các loại gỗ tốt nhất, nội thất trong gia đình cũng khá đồng nhất về chất liệu, tạo ra đặc trưng riêng của nhà cổ miền đồng bằng Bắc bộ.

Không chỉ gìn giữ những giá trị vật chất, trong suốt những năm qua, người dân thôn Đại Đồng xã Đại Đồng huyện Văn Lâm còn phát huy các giá trị văn hóa tinh thần mà cha ông để lại. Theo các bô lão trong làng, hằng năm người dân vẫn duy trì các lễ hội truyền thống, đây cũng là dịp họ được nghỉ ngơi sau cả năm làm việc vất vả. Hội làng được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm, trong ngày quan trọng này tất cả các dòng họ trong làng đều làm giỗ, trong ngày hội làng con cháu các dòng xa hay gần, trong nước hay nước ngoài đều hội tụ đông đủ.

Đặc biệt, nếu nghé thăm làng Nôm vào những ngày cuối tuần, du khác sẽ được đắm mình vào khung cảnh mua bán tấp nập của người dân địa phương tại chợ Nôm. Trước kia, chợ Nôm vốn là phiên chợ nổi tiếng để trao đổi buôn bán nguyên liệu cho thợ đúc đồng của cả khu vực, ngoài ra phiên chợ còn trao đổi các nhu yếu phẩm cần thiết và cũng là nơi người dân chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống, những kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Ngày nay, chợ Nôm tuy không còn được sầm uất như xưa nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của chợ quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cứ vào những ngày cuối tuần, người dân làng Nôm lại sắp những món hàng do gia đình làm ra đưa tới chợ. Những gian hàng quần áo, rau củ nhỏ bé nép mình dưới mái ngói đỏ loang chút rêu phong càng làm nổi bật lên vẻ đẹp xưa cũ của khu chợ.

Với không gian cổ kính yên bình, cùng những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể vẫn được lưu giữ nguyên vẹn, quần thể di tích làng Nôm đã trở thành điểm đến thăm quan du lịch tìm về cội nguồn hấp dẫn của du khách. Cũng chính bởi vẻ đẹp giản dị, yên bình, sự thân thiện của dân làng đã khiến bao du khách phải nao lòng vì họ đã tìm được nét riêng mà họ chỉ có thể tìm thấy ở làng Nôm chứ không phải là một ngôi làng nào khác.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này