Vì sao trụ sở cũ một số bộ, ngành vẫn không bàn giao cho TP Hà Nội xây dựng các công trình dân sinh?

Kỳ 2: Thiếu trường, lớp chật, vẫn trây ỳ không trả trụ sở!

15:22 | 17/07/2019
(LĐTĐ) Hiện tại, mặc dù đã có một số bộ, ngành thực hiện di chuyển trụ sở ra khỏi khu vực nội đô. Tuy nhiên, trụ sở cũ vẫn được các cơ quan Nhà nước này “cố thủ” chiếm giữ, hoặc giao cho đơn vị trực thuộc sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Trong khi đó, ở một khía cạnh khác, ngành Giáo dục Hà Nội đang phải giải quyết tình trạng quá tải sĩ số học sinh/ lớp bằng việc “chèn” ghế, kê thêm bàn cho học sinh bởi thiếu quỹ đất. Vì sao lại có nghịch lý này?
ky 2 thieu truong lop chat van tray y khong tra tru so Khó thu hồi đất tại các trụ sở
ky 2 thieu truong lop chat van tray y khong tra tru so Còn tình trạng lạm thu, lãng phí quỹ đất xây trường
ky 2 thieu truong lop chat van tray y khong tra tru so Hà Nội phải bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội

Thiếu quỹ đất cho giáo dục, tiện ích công cộng

Những ngày cận kề năm học mới, điều khiến nhiều phụ huynh lo lắng nhất đó là việc tìm trường học cho con sao cho lớp học không chỉ đạt chất lượng, mà số lượng học sinh cũng không ở mức quá tải. Mong muốn là vậy, tuy nhiên, nhiều phụ huynh cũng đành phải chấp nhận cho con học nhiều ca, hoặc nghỉ luân phiên trong tuần để có lớp học gối thêm vào ngày thứ 7…

ky 2 thieu truong lop chat van tray y khong tra tru so
Số lượng học sinh không ngừng tăng, quỹ đất trong các quận nội đô có hạn nên không đủ để xây mới trường. Trong khi TP Hà Nội đã cấp đất cho một số bộ, ngành để xây trụ sở làm việc mới thì vẫn không chịu trả quỹ đất trụ sở cũ cho Thành phố!

Thực tế, theo kết quả khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội năm học 2018 - 2019 cho thấy, toàn thành phố Hà Nội có 2.689 trường và 1.986.809 học sinh mầm non và phổ thông (so với năm học 2017 - 2018 tăng 48 trường, tăng 109.930 học sinh), trong đó 2.182 trường công lập, có 507 trường tư thục. Trong khi đó, Hà Nội có hơn 100 trường mầm non, tiểu học công lập có sĩ số từ 50 học sinh trở lên mỗi lớp, thậm chí không ít trường số học sinh mỗi lớp lên đến trên 60 em.

Cụ thể, có 19/772 trường mầm non công lập có sĩ số từ 50 cháu trở lên/lớp học. Cá biệt có 4 trường mầm non có sĩ số 60 cháu/lớp, tập trung ở quận Cầu Giấy. Có 87/697 trường tiểu học công lập (chiếm 14%) có sĩ số từ 50 học sinh trở lên/lớp học. Cá biệt có 37 trường có sĩ số từ 55 học sinh trở lên/lớp, trong đó có 3 trường có sĩ số từ 60 học sinh trở lên/lớp. Ở khối THCS, có 13/599 trường công lập có sĩ số từ 50 học sinh trở lên/lớp.

Đơn cử như quận Hoàng Mai, một trong những “điểm nóng” về quá tải học sinh ở một số trường công lập, mặc dù năm học 2018 - 2019 đã tăng đáng kể về số trường, lớp (tăng 14 trường, tăng 122 lớp so với cùng kỳ năm trước) nhưng vẫn không đủ đáp ứng. Bởi thế, riêng trong năm học này, số học sinh hiện tại trên địa bàn quận là 87.504 học sinh, tăng 5.000 học sinh so với cùng kỳ năm trước. Bình quân học sinh tại các trường là 45 học sinh/lớp. Trong đó, bình quân học sinh tại trường công lập là 48 học sinh/lớp.

Mặc dù số lượng học sinh của năm nay vẫn chưa được cập nhật bởi năm học 2019 - 2020 chưa bắt đầu, tuy nhiên, điệp khúc phải học trong lớp học lên tới 60 học sinh/lớp có lẽ vẫn là câu chuyện chưa thể khắc phục của Hà Nội. Nguyên nhân được các nhà quản lý đô thị chỉ ra là do tốc độ tăng dân số cơ học cao, cùng với việc phát triển đô thị, xây dựng nhiều khu chung cư cao tầng trên địa bàn Thủ đô dẫn đến hiện tượng quá tải trong các trường công lập. Trong khi đó, Hà Nội lại đang thiếu quỹ đất để xây trường, đặc biệt là tập trung tại các quận nội thành như Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy...

Thu hồi đất tại các trụ sở có quá khó?

Có thể khẳng định với tốc độ đô thị hóa và kéo theo dân số tăng cơ học như hiện tại, thời gian tới các quận của Hà Nội sẽ còn tiếp diễn thực trạng thiếu trường học, thiếu tiện ích công cộng cho con em học. Do đó, hệ thống trường công từ bậc tiểu học đến phổ thông mỗi lớp sẽ phải chịu áp lực 45 - 60 học sinh là chuyện bình thường. Tuy nhiên, mặc dù ngân sách chưa nhiều, song không phải là hạn hẹp, việc chi ngân sách để xây hệ thống trường học không phải là vấn đề khó khăn đối với Hà Nội. Cái khó quỹ đất ở đâu?.

ky 2 thieu truong lop chat van tray y khong tra tru so
Nhiều đơn vị đã có trụ sở mới nhưng không bàn giao lại trụ sở cũ cho Thành phố Hà Nội quản lý.

Trong khi quỹ đất đang rất hiếm thì có một nghịch lý tồn tại trong nhiều năm vẫn chưa được giải quyết triệt để đó là, không ít cơ quan Nhà nước mặc dù đã di dời trụ sở chính nhưng vẫn không chịu trả lại trụ sở cho Thành phố, thậm chí, nhiều bộ, ngành, trường học sau khi đã bố trí quỹ đất mới xây trụ sở thì vẫn “án binh bất động”. Theo thống kê của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Sở đã tiến hành rà soát 28 cơ quan bộ, ngành Trung ương. Kết quả cho thấy, có 8 cơ quan đã thực hiện chủ trương di dời. Theo tính toán của các chuyên gia xây dựng, nếu thu hồi được số diện tích trụ sở trên, chỉ cần đầu tư 300 tỷ đồng sẽ có một ngôi trường bề thế cho Hà Nội.

Có thể thấy, không chỉ việc các bộ, ngành “ôm” trụ sở cũ không chịu trả cho Hà Nội, mà một thực tế cũng cho thấy, đã có nhiều cơ quan, xí nghiệp chuyển trụ sở ra ngoại thành và trả lại “đất vàng” cho thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, diện tích đất được trả lại này lại không được sử dụng vào mục đích công cộng, mà lại biến thành chung cư cao tầng, gây sức ép về hạ tầng, dân số, đi ngược với mục tiêu mà Chính phủ đề ra.

Liên quan đến vấn đề các bộ, ngành chậm di dời trụ sở ra khỏi nội đô, trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu ra hàng loạt các căn cứ và quy trình để thực hiện. Ví như việc lập danh mục, xác định các tiêu chí lộ trình, biện pháp di dời cụ thể cho các cơ sở sản xuất công nghiệp phải di dời ra ngoài nội thành. Bên cạnh đó là các đồ án, bố trí quỹ đất để phục vụ việc di dời, đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích thực hiện việc khai thác sử dụng quỹ đất...

ky 2 thieu truong lop chat van tray y khong tra tru so
Đất vàng trước đây thuộc Đại học Y tế Công cộng số 138 B Giảng Võ giờ nơi đây đang hình Khu hỗn hợp và nhà ở của Công ty Cổ phần TNHH MTV Văn Phú- Giảng Võ

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết, qua rà soát hiện có 13 bộ, ngành phải di dời từ nội đô ra khu vực Mễ Trì, Tây Hồ Tây và mọi phương án đã được tính toán, chỉ còn vấn đề nguồn lực rất khó, trừ một số trường hợp rất đặc biệt, còn lại không thể dùng ngân sách đầu tư công để di dời. Theo dự tính, nguồn kinh phí để di dời 13 trụ sở trên ước khoảng 17.000 tỷ đồng (số liệu được Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia, thuộc Bộ xây dựng đưa ra).

Trong khi các bộ, ngành vẫn còn loay hoay tìm phương án di dời trụ sở, thì nhiều trụ sở cũ vẫn đang được các cơ quan Nhà nước “ôm chặt”. Chỉ biết, năm học mới 2019 - 2020 đã cận kề và chắc chắn trong năm học này, nhiều em học sinh trên địa bàn thủ đô Hà Nội vẫn phải tiếp tục chịu cảnh lớp học quá tải về sĩ số. Đây là một nghịch lý cần phải giải quyết.

Còn nữa...

Nhóm phóng viên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này