Đánh thức tình yêu Hà Nội bằng nghệ thuật

Kỳ 1: Vun đắp tình yêu Hà Nội qua âm nhạc

08:47 | 17/07/2019
(LĐTĐ) Nói đến Hà Nội, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới một thành phố với nhịp đô thị phát triển mạnh mẽ, năng động. Điều đó hẳn nhiên đúng nhưng khuyết thiếu bởi ngoài sức trẻ, Hà Nội còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Mới và cũ đan xen. Những giá trị tưởng chừng như bất đồng đó lại khiến mỗi người Việt luôn chung một tâm thức: Hà Nội đẹp và thiêng liêng. Tình yêu Hà Nội qua nghệ thuật cũng được thể hiện muôn màu muôn vẻ. Tôi đã từng chứng kiến trong âm nhạc, tranh vẽ, nhiếp ảnh hay thi ca, đã và đang có những con người đặc biệt luôn khắc khoải nỗi nhớ, xem Hà Nội luôn là một niềm cảm hứng sáng tác bất tận.
ky 1 vun dap tinh yeu ha noi qua am nhac Sống lại thời bao cấp Hà Nội xưa
ky 1 vun dap tinh yeu ha noi qua am nhac Phố đi bộ Hồ Gươm đoạt Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội

Ở Hà Nội, từ nhiều năm trước đã có những nhạc sĩ, nghệ sĩ âm thầm gìn giữ văn hóa Thủ đô. Trong số đó có những nghệ sĩ dạy đàn guitar, giúp cho giới trẻ có sân chơi lành mạnh. Trong đó phải kể đến nhóm “Thất cầm” – gồm 7 nghệ sĩ guitar nổi tiếng một thời.

Nhóm guitar quyến rũ

Xưa, khi giới trẻ chưa bị mê hoặc bởi rop, rock hay hip-hop… thì âm nhạc thế giới đến với họ chủ yếu qua các tác phẩm cổ điển. Trong các nhạc cụ phổ biến thời đó, guitar là cây đàn rất được hâm mộ, vì thế được học, được nghe những nghệ sĩ trong “Thất cầm” chơi guitar là một niềm vui sướng lớn. Lật giở lại dòng thời gian. Từ năm 1945, cây guitar đã trở thành bạn đường thân thiết của các nhạc sỹ kháng chiến, giới học sinh sinh viên và nhiều người yêu nhạc.

Nhiều nhạc sĩ đồng thời là người đệm guitar rất giỏi đã xuất hiện như Hoàng Vân, Trọng Bằng, Tô Vũ, Văn Chung, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Phạm Duy, Văn Ký... Người mở lớp dạy guitar đầu tiên là nhạc sĩ Tạ Tấn vào năm 1944, đến năm 1954 các lớp học của ông chuyên nghiệp hơn.

ky 1 vun dap tinh yeu ha noi qua am nhac
Cho đến thời điểm này những nghệ sĩ guitar nhóm Thất cầm vẫn âm thầm truyền tình yêu Hà Nội cho người trẻ

Nhóm “Thất cầm” hình thành từ năm 1955 là một minh chứng cho tình yêu say mê của giới trẻ Hà thành. Hơn nữa, đó là minh chứng cho tài năng, những tâm hồn đồng điệu đã biết kết hợp với nhau để làm nên sức mạnh Nhóm gồm Hải Thoại, Vũ Bảo Lâm, Đặng Quang Khôi, Đỗ Trường Giang, Quang Tôn, Nguyễn Tỵ, Phạm Văn Phúc, là những người đã thắp lên phong trào học guitar cho giới trẻ Hà thành vào đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Khi đó, tiếng đàn của họ làm say lòng hàng vạn khán, thính giả Thủ đô, nhiều lớp học đàn được lập nên để đáp ứng nhu cầu của tuổi trẻ. Ghita trở thành loại nhạc cụ phổ biến đối với nhiều người và chơi Guita trở thành thú chơi nghệ thuật giàu bản sắc.

Hỏi chuyện những nghệ sĩ của nhóm, họ đều tự hào kể về những ký ức đẹp đẽ, những ngày cùng nhau say sưa tập luyện, hy sinh nhiều thú vui khác để chơi đàn, rồi những đêm biểu diễn đông nghịt khán giả hâm mộ khiến họ nghẹt thở. Một số người trong nhóm “Thất cầm” từng là học trò của Tạ Tấn và sau này phát triển, hoàn thiện tài năng thêm bằng cách tự học, họ cũng giúp các nghệ nhân làm đàn hoàn thiện các cây guitar Việt Nam thời đó.

Nhiều lớp học guitar của nhóm “Thất cầm” hình thành từ năm 1962 và đến năm 1973 thì trở nên đông đúc, nhộn nhịp hơn được mở ra ở hầu hết các quận nội thành. Bảo Lâm có lớp dạy ở số nhà 78 phố Hai Bà Trưng; Quang Tôn vừa làm báo vừa dạy các lớp ở tại gia đình số 70 phố Cầu Gỗ; Hải Thoại thuyên chuyển nhiều nơi nên các lớp học cũng thường xuyên thay đổi; Phạm Văn Phúc và Nguyễn Tỵ thường dạy ở Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, các Nhà văn hóa quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và các gia đình yêu guitar.

Nhân lên tình yêu âm nhạc

Các nghệ sĩ dù chơi khá đồng đều, do đã học hỏi lẫn nhau nhưng mỗi người vẫn có một phong cách riêng. Chẳng hạn, nghệ sĩ Hải Thoại chơi mượt mà, trữ tình, trầm ấm và rất digan; Quang Tôn lại chơi bài bản, lạ lùng, say sưa; Nguyễn Tỵ chơi rất phóng khoáng, thể hiện tính cách thoải mái; Phạm Văn Phúc hơi e dè, nên chơi nhiều bài trầm buồn, có âm điệu day dứt; Bảo Lâm có kiểu chơi cổ điển, bác học; Trường Giang có tiếng đàn gợi mở, ngọt ngào, ướt át; Quang Khôi chơi quyến rũ và bài bản. Nhóm “Thất cầm” đã có những ngày tháng thật đẹp, thật tuyệt vời trong sự yêu mến của nhân dân Thủ đô. Nhưng cuộc sống khó khăn, kinh phí eo hẹp, nhiều người bận bịu, phong trào của câu lạc bộ lắng xuống. Câu lạc bộ không sinh hoạt thường xuyên được như trước nữa.

Năm 1985, nghệ sĩ Vũ Bảo Lâm được kết nạp vào Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Nội, có trụ sở tại số nhà 19 phố Hàng Buồm, để sáng lập Câu lạc bộ guitar cổ điển Hà Nội. Một thời gian sau, câu lạc bộ do Bảo Lâm làm chủ nhiệm được chuyển đến Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô. Khi Bảo Lâm được cử đi ra nước ngoài học tập, công việc giao lại cho Phạm Văn Phúc. Các nghệ sĩ liên tục truyền dạy cho các học trò và gửi gắm câu lạc bộ cho những người trẻ như nghệ sĩ Như Dũng, Đặng Tuất và giờ là nghệ sĩ trẻ Nguyễn Phương Hà. Những người trẻ vẫn thắp sáng tình yêu guitar và tổ chức luyện tập không bao giờ ngừng nghỉ.

Tất cả các nghệ sĩ guitar của nhóm “Thất cầm” đều khẳng định, chính niềm đam mê đã níu họ lại gần nhau để làm nên tình bạn, để những đam mê ấy gặp nhau rồi tỏa sáng. Nghệ sĩ Bảo Lâm nhấn mạnh, là một người nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, ông nhận thấy muốn mê hoặc được quần chúng bằng tiếng đàn, thì phải khổ công luyện tập. Phải bằng những ngón tay linh hoạt, uyển chuyển và tâm hồn nghệ sĩ, cùng với lòng đam mê, hòa quyện không bờ bến, làm lay động trái tim người nghe. Có như thế, âm thanh của guitar mới có sức sống và người nghệ sĩ mới được nể trọng, yêu mến. Đồng quan điểm với nghệ sĩ Bảo Lâm, nghệ sĩ Phạm Văn Phúc còn cho biết thêm, chưa ai khám phá hết khả năng nổi trội của guitar và giờ, ông và những người bạn vẫn tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi những khả năng đó.

Nghệ sĩ Hải Thoại và Đỗ Trường Giang đã mất, nghệ sĩ Đặng Quang Khôi đang ở nước ngoài. Những nghệ sĩ còn lại vẫn cần mẫn truyền dạy cho các học trò tại nhà của mình. Gần như cả đời gắn bó với guitar, với công việc truyền dạy, các nghệ sĩ lấy đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và sự thanh thản. Dù đã tuổi cao, nhưng bốn nghệ sĩ còn ở Hà Nội vẫn thường xuyên gặp nhau, ôn lại kỷ niệm và chia sẻ thêm những kinh nghiệm dạy học trò. Tình bạn của họ bao nhiêu năm vẫn khăng khít, không gì thay đổi.

Giờ các nghệ sĩ năm nào đều cao tuổi, các lớp học đàn của các ông đều được tổ chức tại gia đình. Riêng Câu lạc bộ Guitar Cổ điển do nghệ sĩ Nguyễn Phương Hà làm chủ nhiệm, có trụ sở chính là Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô đã mở 9 cơ sở dạy guitar trên địa bàn Thủ đô. Câu lạc bộ có hơn 400 thành viên, hoạt động thường xuyên và hiệu quả. Nghệ sĩ Nguyễn Phương Hà cho biết, câu lạc bộ nối tiếp thế hệ cha anh đi trước, duy trì hoạt động, mục đích tạo sân chơi văn hóa bổ ích cho những người yêu thích đàn guitar.

Thực tế, ở Hà Nội, hiện nay còn có rất nhiều câu lạc bộ guitar hoạt động thường xuyên như: Câu lạc bộ guitar Hàng Trống, câu lạc bộ guitar Việt Nam - Tây Ban Nha và câu lạc bộ guitar sinh viên các trường đại học: Xây dựng, Công nghiệp, Kiến trúc Ngoại Thương, Bách khoa, Luật Hà Nội, Thăng Long, Học viện Tài chính... Thành viên của các câu lạc bộ này chủ yếu là học trò của các lão nghệ sĩ guitar của Hà Nội.

Trong số các bạn trẻ học guitar, một phần để làm nghề còn phần lớn vì yêu thích, coi cây guitar như người bạn. Phong trào học và chơi guitar của giới trẻ, cùng với các câu lạc bộ guitar đã làm nên những nét đặc sắc của Thủ đô. Bao nhiêu năm qua, cây guitar với những âm thanh tuyệt vời của nó đã góp phần làm cho phong trào văn nghệ của Thủ đô trở nên đa dạng, phong phú, làm cho Hà Nội văn minh hơn, đẹp đẽ hơn.

Đinh Luyện – Văn Học

Còn nữa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này