Đặc sản Sen Chiểu nức tiếng gần xa

17:34 | 12/07/2019
(LĐTĐ) Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 35km về phía Tây, xã Sen Chiểu (huyện Phúc Thọ) nổi tiếng với những đặc sản: bánh, bún, đậu phụ làng Linh Chiểu và rau muống tiến vua. Năm 2001, làng nghề truyền thống làm bánh, bún, đậu phụ ở Sen Chiểu đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận làng nghề.  
dac san sen chieu nuc tieng gan xa Sôi nổi Hội thi tìm ‘đệ nhất mít’ tại Sơn Đông
dac san sen chieu nuc tieng gan xa Chợ nổi Cái Răng – nét văn hóa đặc trưng miền Tây sông nước
dac san sen chieu nuc tieng gan xa Nhãn chín muộn – đặc sản nông nghiệp của Thủ đô

Chủ tịch UBND xã Sen Chiểu Nguyễn Văn Tín cho biết, nghề sản xuất bánh, bún, đậu phụ và trồng rau muống tiến vua ở xã Sen Chiểu đã có từ lâu đời. Hiện đang có hàng trăm hộ gia đình tham gia sản xuất, gìn giữ và phát triển làng nghề. Năm 2001, làng nghề truyền thống ở Sen Chiểu được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề, tập trung chủ yếu ở hai làng Thanh Chiểu và Linh Chiểu.

Đặc sản bánh bún Sen Chiểu trước kia được làm thủ công từ khâu chọn gạo, giã gạo, xay bột… mỗi công đoạn đều có bí quyết riêng, mang lại sợi bún vừa mềm, vừa trắng, khó trộn lẫn với sản phẩm của địa phương khác. Ngày nay, với sự phát triển của kỹ thuật tiên tiến, người làm bánh, bún Sen Chiểu đã đưa máy móc vào sản xuất, giúp làm tăng sản lượng và vẫn giữ được hương vị đặc trưng của sản phẩm truyền thống nổi tiếng.

dac san sen chieu nuc tieng gan xa
Các hộ gia đình đưa máy móc vào sản xuất bún giúp làm tăng sản lượng nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng của sản phẩm truyền thống nổi tiếng.

Gia đình bà Phùng Thị Lai (thôn Linh Chiểu) là một trong những hộ làm bún nổi tiếng trong thôn cho biết, mỗi ngày cơ sở sản xuất của gia đình bà cung cấp ra thị trường cả tạ bún. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình bà thu lãi từ 50 – 60 triệu đồng từ sản xuất, kinh doanh bún. Những năm gần đây, nhờ đưa máy móc vào sản xuất đã giúp giảm sức người, tăng sản lượng, chất lượng bún cũng được nâng cao.

Ngoài bánh, bún, Sen Chiểu còn nổi tiếng với đặc sản đậu phụ. Nói về những công đoạn để có được những miếng đậu phụ thơm ngon, những người làm đậu phụ lâu năm tại Sen Chiểu cho biết, trước tiên phải lựa loại đậu tương nếp đều hạt, tròn mẩy màu vàng. Sau đó, phơi khô, bỏ hạt xấu, cho vào cối đá nhỏ xay bằng tay cho hạt đậu vỡ ra làm hai mảnh, bỏ vỏ rồi ngâm vào nước sạch. Khi ngâm hạt đậu phải canh cho đậu ngấm vừa đủ nước, không ngâm quá lâu vì hạt đậu sẽ bị lên men làm cho miếng đậu bị cứng và mất đi vị thơm, bùi, béo, dẻo.

Đậu phụ Sen Chiểu có màu vàng đẹp là nhờ nước nghệ tươi. Những củ nghệ bánh tẻ đem gọt vỏ, rửa sạch, cho vào cối đá giã nhỏ rồi xay cho nhuyễn, lọc lấy nước, bỏ bã làm cho bìa đậu có màu vàng và ngậy. Đậu phụ Sen Chiều mềm mà dẻo, không nhiều nước, đụng vào không bị nát như một số loại đậu ở các vùng quê khác. Những miếng đậu phụ béo ngậy, vàng óng, mịn dẻo như miếng giò, hòa quyện giữa hương đậu nành với nghệ thơm ngát là thức ăn dân dã vừa lành, vừa mát mà không kém phần bổ dưỡng cho mọi người.

Không chỉ nổi tiếng với làng nghề bánh, bún, đậu phụ, nhắc đến Sen Chiểu nhiều người còn biết đến đặc sản rau muống tiến vua. Những người nông dân trồng rau muống tiến vua ở Sen Chiểu cho biết, muốn trồng được loại rau muống tiến vua truyền thống phải tốn rất nhiều công sức, đất để trồng rau phải sạch, nước tưới không bị ô nhiễm. Việc chọn giống rau rất kỳ công, giống rau phải to đều, mập mạp, lá rau không to quá hay bé quá.

Khi trồng không được bón phân trực tiếp mà phải để phân mục nát hay đã phân hủy mới bón và không được phun thuốc trừ sâu. Một trong những yếu tố làm nên sự đặc biệt của rau muống tiến vua ở Sen Chiểu phải kể đến việc rau được trồng trên vùng có mạch nước sủi và dải đất phù sa màu mỡ từ sông Hồng. Với hương vị đặc trưng giòn, ngọt và có độ xốp sau khi luộc, rau muống tiến vua rất được lòng người tiêu dùng. Những hộ trồng nhiều hơn một mẫu, trung bình một ngày sẽ cấp ra thị trường khoảng 5 đến 7 tạ rau, trừ chi phí sẽ cho lãi khoảng 80 triệu đồng/năm.

Hiện nay, những đặc sản của Sen Chiểu đã nổi tiếng ở khắp các vùng lân cận và có mặt ở nhiều siêu thị, cửa hàng rau an toàn, được tiêu thụ nhiều nơi. Những đặc sản này không chỉ là niềm tự hào mà còn mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân địa phương, góp phần nâng cao mức sống cho bà con nông dân.

Mạnh Quân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này