![]() | Ngành Giao thông Vận tải hưởng ứng thông điệp “Đã uống rượu bia - không lái xe” |
![]() | Hà Nội kiên quyết ngăn chặn tai nạn giao thông do uống rượu, bia |
![]() | Phải có chế tài đủ răn đe |
Ngày 4/7, tại kỳ họp thứ 7 khóa XIV, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia năm 2019 đã được Quốc hội chính thức thông qua. Tại Điều 5 của Luật này, có 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó đáng chú ý là hành vi “xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia”. Như vậy, với quy định này “lệ” ép bia rượu ở nhiều nơi sẽ bị xóa bỏ.
Bên cạnh đó Luật cũng quy định, cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi, trong trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh; cấm sử dụng lao động chưa đủ 18 tuổi tham gia trực tiếp vào việc sản xuất, mua, bán rượu, bia.
![]() |
Từ ngày 1/1/2020, chính thức cấm việc ép buộc, xúi giục người khác uống rượu, bia |
Đồng thời Luật cũng cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
Đặc biệt, để phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia, Luật quy định cấm tiệt người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.
Việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được xem là biện pháp cấp thiết để góp phần hạn chế ảnh hưởng tiêu cực do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội; bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước
Trước thông tin Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia chính thức được thông qua, người dân tỏ ra rất đồng tình, hưởng ứng. Nhiều ý kiến cho rằng, các vụ tai nạn giao thông do uống bia, rượu đang xảy ra hằng ngày tại Việt Nam, việc Luật được thông qua sẽ góp phần không nhỏ trong việc hạn chế tình trạng này. Hơn nữa, việc ép người khác uống rượu, bia đã có từ lâu, và nó đang tạo thành một “lệ” xấu, gây nguy hiểm cho nhiều người, đã đến lúc cần phải mạnh tay dẹp bỏ.
Chị Nguyễn Phương Thảo (Mễ Trì Thượng, Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Việt Nam mình vẫn còn nặng nề chuyện hơn thua nhau một chén rượu lắm. Mỗi lần chồng tôi ra ngoài tiếp khách hay giao lưu bạn bè tôi lại cảm thấy vô cùng lo lắng, đứng ngồi không yên. Đã có quá nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra chỉ vì chén rượu. Hi vọng khi Luật đã có, các lực lượng chức năng sẽ áp dụng một cách một cách quyết liệt để tình trạng trên sớm chấm dứt”.
Đồng tình với ý kiến của chị Thảo, ông Đoàn Văn Bảy (Trần Thái Tông, Cầu Giấy) vui mừng: “Chủ trương của Nhà nước về hạn chế rượu, bia và ban hành Luật Phòng, chống tác dụng của rượu bia là đúng. Bản thân tôi rất đồng tình, ủng hộ. Tôi sẽ vận động con cháu trong gia đình và những người dân nơi tôi sinh sống chấp hành nghiêm chỉnh những điều mà Luật đã nêu”.
Mặc dù Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia năm 2019 đã được thông qua và nhận được những phản hồi tích cực, tuy nhiên, để có thể áp dụng một cách có hiệu quả trong cuộc sống, điều quan trọng nhất vẫn nằm ở ý thức của mỗi người dân. Bởi chỉ khi người dân tự ý thức được tác hại của rượu, bia và nghiêm chỉnh chấp hành thì luật mới thực sự có tác dụng. Bên cạnh đó, Luật cũng cần quy định rõ thêm như thế nào là ép buộc, xúi giục người khác uống rượu bia; nồng độ cồn trong máu, khí thở bao nhiêu thì bị xử phạt; ai là người thực thi…
Mộc Thanh
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/chinh-thuc-cam-xui-giuc-ep-nguoi-khac-uong-ruou-bia-93452.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này