Thi đua yêu nước trong các cấp công đoàn và CNVCLĐ:

Tạo động lực cho sự phát triển

10:27 | 06/07/2019
(LĐTĐ) Với nhận thức thi đua là động lực cho sự phát triển, thời gian qua, các cấp Công đoàn Thủ đô luôn quan tâm, chú trọng đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ. Đặc biệt, các phong trào thi đua luôn có sự đổi mới từ phương pháp, cách thức tổ chức đến nội dung, tiêu chí… theo hướng bám sát thực tiễn cơ sở, hướng về người lao động nên luôn có sức lôi cuốn, thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia và đạt những kết quả thiết thực. 
tao dong luc cho su phat trien Quận Hai Bà Trưng tổng kết phong trào thi đua năm 2018
tao dong luc cho su phat trien Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước
tao dong luc cho su phat trien Triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước

Cách thức triển khai sáng tạo

Thấm nhuần lời Bác dạy “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất, những năm qua, các cấp Công đoàn Thủ đô luôn chú trọng phát động và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, gắn với tăng năng suất lao động, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho CNVCLĐ.

tao dong luc cho su phat trien
LĐLĐ Thành phố biểu dương, khen thưởng 90 Công nhân giỏi Thủ đô năm 2019

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Lê Đình Hùng cho biết, để thi đua có sức lan tỏa rộng rãi, các cấp công đoàn Thành phố Hà Nội đã tuyên truyền sâu rộng trong CNVCLĐ, người sử dụng lao động các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của BCH Tổng Liên đoàn về công tác thi đua khen thưởng đồng thời tranh thủ sự chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, sự phối hợp và tạo điều kiện của chính quyền trong tổ chức, triển khai các phong trào thi đua.

Cùng đó, các cấp Công đoàn Thủ đô luôn chú trọng đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng sát cơ sở, người lao động. LĐLĐ Thành phố đã thành lập 08 cụm thi đua theo đặc thù, loại hình Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, xây dựng Quy chế hoạt động để đánh giá thi đua hàng năm; ban hành Quy chế khen thưởng của LĐLĐ thành phố Hà Nội. Hàng năm 100% Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đều tổ chức phát động, ký giao ước thi đua; có trên 92,5% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hưởng ứng phát động thi đua.

Từ trọng tâm là “Thi đua lao động giỏi”, các cấp công đoàn Thủ đô đã căn cứ vào điều kiện cụ thể để đề ra mục tiêu, tiêu chuẩn, nội dung thi đua phù hợp với từng đối tượng, loại hình cơ sở, ngành nghề... Trong khu vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các phong trào thi đua do Công đoàn tổ chức đã có nhiều mô hình tốt, cách làm hiệu quả, đã động viên người lao động tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đăng ký hoàn thành các công trình sản phẩm mới.

Phong trào thi đua trong khu vực hành chính sự nghiệp được nhiều đơn vị cụ thể hóa, gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, nay là “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Các phong trào “Thi đua liên kết phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã được các cấp Công đoàn triển khai tích cực, góp phần trong phong trào xây dựng “Nông thôn mới” trên địa bàn Thành phố; phong trào “Xanh, sạch, đẹp - bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi, thao diễn kỹ thuật”, phong trào “Dạy tốt, học tốt”, thi giáo viên dạy giỏi… đã thu hút được đông đảo CNVCLĐ ở các ngành nghề, cơ sở trong các thành phần kinh tế tham gia, tạo thành phong trào hành động cách mạng sôi nổi.

Hiệu quả thực chất, rõ nét

Cũng theo Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng, mang dấu ấn riêng và thể hiện rõ nét đổi mới trong các phong trào thi đua của CNVCLĐ Thủ đô phải chính là phong trào “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”.

Được khởi xướng từ năm 2007, qua 12 năm triển khai, phong trào thi đua này đã chứng tỏ rõ hiệu quả thiết thực, có những đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường và quản lý nhà nước, góp phần giải quyết khó khăn trong sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Đến nay phong trào đã có 163.973 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 11.704 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở. Từ những sáng kiến, kinh nghiệm đó, đã có 954 cá nhân được tặng Bằng khen, trong đó có 650 sáng kiến được tính giá trị làm lợi 1.390 tỷ đồng…Với những kết quả thiết thực, phong trào “Sáng kiến, sáng tạo” do LĐLĐ thành phố Hà Nội phát động đã được công nhận là một phong trào và danh hiệu thi đua của thành phố Hà Nội.

Một phong trào riêng có ở Thủ đô và cũng đóng góp hết sức thiết thực nữa là “Công nhân giỏi Thủ đô”. Đây là phong trào hướng đến lực lượng công nhân lao động trực tiếp tại cơ sở.

Sau 13 năm triển khai (năm 2006), hiện nay, phong trào đang được lãnh đạo và công nhân lao động ở hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nhiệt tình hưởng ứng, qua đó động viên công nhân lao động trực tiếp sản xuất tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng lao động, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả trong công việc, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, nhiều giám đốc doanh nghiệp đã chủ động cùng với ban chấp hành công đoàn tập trung chỉ đạo phong trào hướng vào việc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập ổn định và tạo cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí khen thưởng, động viên kịp thời công nhân giỏi cấp mình, nhiều đơn vị còn đưa tiêu chí công nhân giỏi vào quy chế xét nâng bậc lương trước thời hạn cho người đạt thành tích cao qua các hội thi tay nghề. 13 năm qua, đã có gần 1,3 triệu công nhân lao động được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở, gần 140 ngàn công nhân lao động được công nhận “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở, gần 1500 công nhân lao động đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”.

Riêng trong năm 2019, toàn Thành phố có trên 61.000 CNLĐ được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở (tăng 57% so với năm 2018); 3.153 công nhân lao động được công nhận “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở”; 90 công nhân lao động đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”.

Có thể nói các phong trào “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” đã thực sự tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong phong trào thi đua của CNVCLĐ Thủ đô, đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường và quản lý nhà nước, góp phần giải quyết khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô, được lãnh đạo doanh nghiệp, chính quyền ghi nhận, biểu dương.

Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng nhận định, thời gian tới, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vừa là thời cơ cũng đồng thời là thách thức, đang đặt ra cho đất nước ta nói chung và Thủ đô nói riêng nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến SXKD và đời sống, việc làm của CNLĐ.

Trong bối cảnh đó, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền đồng cấp tổ chức tốt các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo, hướng phong trào thi đua vào tháo gỡ khó khăn trong SXKD, cải tiến mẫu mã hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; xây dựng cơ quan, doanh nghiệp phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này