Liên quan đến sản phẩm tivi của Công ty Asanzo: Cần xem lại tất cả các quy trình

11:46 | 27/06/2019
(LĐTĐ) Hết sự việc thương hiệu Khaisilk đình đám một thời, “niềm tự hào” của người Việt bị bóc phốt đội lốt hàng Trung Quốc (TQ) còn chưa kịp lắng xuống, thì mới đây, một thương hiệu nổi tiếng khác của Việt Nam là Asanzo tiếp tục khiến người tiêu dùng dậy sóng, khi báo chí đăng tin là nhập hàng TQ về lắp ráp rồi dán nhãn Made in Việt Nam. Trước sự việc trên nhiều người cho rằng, phải chăng các doanh nghiệp đang cố tình đánh tráo khái niệm để trục lợi trên niềm tin của người tiêu dùng? Và đặc biệt cần xem lại tất cả các quy trình liên quan đến công tác quản lý Nhà nước.
lien quan den san pham tivi cua cong ty asanzo can xem lai tat ca cac quy trinh Bộ Công thương chỉ đạo làm rõ vụ việc Asanzo

Người tiêu dùng bị đánh cắp niềm tin

Vào cuối năm 2013, trên thị trường điện tử Việt Nam bỗng xuất hiện một thương hiệu tivi mới, thương hiệu tivi dành riêng cho người Việt – tivi Asanzo, thương hiệu của Tập đoàn Asanzo. Trong khi thị trường điện tử trong nước đang bị thống trị bởi các sản phẩm từ Nhật Bản, Hàn Quốc, TQ… thì với sự xuất hiện bất ngờ của một thương hiệu Việt, nhiều người tin tưởng rằng, đây không chỉ là sản phẩm dành riêng cho người Việt, mà còn là niềm tự hào của người Việt.

Đáp lại sự kỳ vọng đó, chỉ một năm sau khi xuất hiện trên thị trường, báo cáo từ Tập đoàn Asanzo cho thấy, tivi Asanzo đã đạt doanh số bán ra thị trường hơn 100.000 chiếc. Đến năm 2015, con số này đã tăng lên gấp 3 lần và năm 2018, nhờ những thông tin được đưa ra từ Tập đoàn Asanzo khi giới thiệu sản phẩm được sản xuất, lắp ráp dựa trên công nghệ Nhật Bản hiện đại, chất lượng; đặc biệt sản phẩm nhanh chóng chiếm được niềm tin người tiêu dùng qua việc đạt được chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao… khiến sản phẩm tiêu thụ tăng vọt trên 4 triệu sản phẩm, đạt doanh số thu về 6.250 tỷ đồng. Nhờ sản phẩm tivi Asanzo cùng với nhiều sản phẩm khác, thương hiệu Asanzo đã nhanh chóng vươn lên top 3 thị trường điện tử Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn.

lien quan den san pham tivi cua cong ty asanzo can xem lai tat ca cac quy trinh
Tivi Asanzo sử dụng linh kiện TQ nhưng gắn nhãn mác Việt Nam.

Sau khi sự việc Asanzo bị bóc phốt, nhiều người tiêu dùng tỏ rõ thái độ mất niềm tin vào thương hiệu Việt, thậm chí không ít người cho rằng, việc mập mờ về nguồn gốc xuất xứ chính là hành vi lừa dối người tiêu dùng để trục lợi. Anh Phạm Duy Khánh ở Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, tôi không có ý định xem nhẹ chất lượng các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ tại TQ. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường Việt Nam, việc mập mờ nguồn gốc xuất xứ của TQ, gắn mác sản xuất tại Việt Nam đang khiến người tiêu dùng hoang mang. “Một sản phẩm được đánh giá là hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), nhưng lại linh kiện phần lớn lại có nguồn gốc từ TQ, rồi gắn nhãn mác Việt Nam thì chúng tôi cảm thấy mình như bị lừa dối, như bị đánh cắp niềm tin”, anh Khánh cho hay.

Vì sao qua các “ải” dễ dàng?

Trước sự bức xúc của dư luận, cùng sự lên tiếng mạnh mẽ của các cơ quan truyền thông về Asanzo có dấu hiệu sử dụng sản phẩm nguồn gốc TQ, gắn nhãn mác Việt Nam. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo và yêu cầu các cơ quan, ban, ngành có liên quan vào cuộc làm rõ. Nếu có sai phạm, sẽ phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật, điều này cho thấy, cơ quan chức năng đang có những hành động mạnh mẽ đối với những thương hiệu, doanh nghiệp làm ăn gian dối.

Tuy nhiên, điều khiến người tiêu dùng tỏ ra bức xúc và cho rằng, vì sao sản phẩm Asanzo có nguồn gốc từ TQ, nhưng vẫn được gắn nhãn mác HVNCLC trong một thời gian dài, mà không bị cơ quan chức năng nào phát hiện, thậm chí cả đơn vị đã cấp chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cho Asanzo cũng “bó tay”. Trước vấn đề này nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng quy trình thẩm định, bình chọn quá sơ sài và đơn vị bình chọn không đủ năng lực?.

lien quan den san pham tivi cua cong ty asanzo can xem lai tat ca cac quy trinh
Asanzo từng được chứng nhận là hàng VNCLC.

Trước làn sóng dư luận, mới đây đại diện Hội doanh nghiệp HVNCLC, đơn vị cấp giấy chứng nhận thương hiệu HVNCLC cho các sản phẩm Việt cho biết, mới đây đơn vị đã tước danh hiệu HVNCLC của Asanzo. Ngoài ra, đơn vị này cũng chia sẻ, họ là đơn vị độc lập và không hưởng kinh phí từ Nhà nước, cũng như không nhận “phí bôi trơn” của doanh nghiệp để bình chọn. Quan điểm của Hội đưa ra là vậy, nhưng nhiều người tiêu dùng cho rằng, việc không sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước, cũng như không thu phí của doanh nghiệp trong việc xét, bình chọn HVNCLC của Hội doanh nghiệp trên, thì họ lấy kinh phí ở đâu để làm công tác này và khi đó có đảm bảo tính minh bạch?.

“Khi không đảm bảo kinh tế, năng lực thẩm định, thì việc những cá nhân chỉ “làm vì đam mê” liệu có chính xác? Và bài học từ thương hiệu Khaisilk vẫn còn nguyên đó. Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần phải xem xét lại đơn vị cấp chứng nhận HVNCLC cho các sản phẩm Việt. Bởi lẽ, nếu như một doanh nghiệp tư nhân, thì họ dựa vào tiêu chí nào để cấp và khi cấp sai cho các sản phẩm thì trách nhiệm của họ sẽ như thế nào?”, chị Hà Uyên ở Thanh Xuân (Hà Nội) đặt câu hỏi.

Vẫn biết bản chất của doanh nghiệp là lợi nhuận, nhưng lợi nhuận phải có được từ hoạt động sản xuất- kinh doanh minh bạch. Trên tinh thần đó, một số bạn đọc cho rằng tại sao một doanh nghiệp hoạt động công khai giữa Thành phố sôi động nhất cả nước, mà trong suốt thời gian dài nhập hàng về lắp ráp, rồi quảng cáo tự hào hàng Việt- được cấp chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao mà từ hải quan, thuế quan, quản lý thị trường, khoa học công nghệ không hay biết gì?

Cũng liên quan đến vấn đề trên, chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nêu quan điểm, vấn đề chính là việc hiện nay Việt Nam vẫn chưa có được một bộ tiêu chí hoàn thiện cho hàng Việt. Do đó, thương hiệu chỉ là một phần trong câu chuyện hàngTQ gắn nhãn mác Việt Nam, phần còn lại đó chính là phương thức kinh doanh của doanh nghiệp, liệu họ đã thực sự vì quyền lợi người tiêu dùng?. Đây cũng chính là lý do khiến người tiêu dùng bức xúc và cảm thấy bị lừa dối khi Asanzo bị vạch mặt là hàng TQ.

“Từ phong trào kêu gọi người Việt dùng hàng Việt, đã khiến nhiều doanh nghiệp đang quá lạm dụng vào cụm từ này. Qua đó, dẫn đến tình trạng lạm dụng tinh thần dân tộc của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng này cũng xuất phát từ chính cách làm không rõ ràng của các cơ quan chức năng, đã dung dưỡng cho những vấn nạn trên. Do đó, để thực sự chiếm được cảm tình người tiêu dùng, xây dựng được một thương hiệu Việt vì người Việt, các doanh nghiệp cần có thái độ “bình tĩnh hơn”, cẩn trọng hơn trong quá trình xây dựng, khẳng định thương hiệu và tên tuổi của mình”, ông Phú chia sẻ.

Từ câu chuyện của doanh nghiệp này đã đến lúc cơ quan chức năng cần xem lại các khâu: Quá trình thẩm định để được xác định là hàng Việt Nam chất lượng cao ra sao? Các ngành hải quan, thuế, quản lý thị trường, khoa học công nghệ đứng ở đâu khi trong một thời gian dài doanh nghiệp này vẫn sản xuất bình thường để đến khi báo chí vào cuộc điều tra mới bị vỡ lẽ. Đúng hay sai sẽ có kết luận trong thời gian sớm nhất. Nhưng việc các cơ quan trên đứng ngoài cuộc lại là câu chuyện đáng bàn.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này