Đặt hàng và gom hàng

14:15 | 26/06/2019
(LĐTĐ) Liên quan đến thông tin mà một số cơ quan báo chí nêu về việc mặt hàng điện tử (tivi) của Công ty cổ phần Điện tử Asanzo nhập hàng Trung Quốc về để bán, nhưng gắn mác Made in Vietnam, công nghệ Nhật Bản; đặc biệt, sản phẩm của doanh nghiệp này được công nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao…Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan vào cuộc làm rõ các nghi vấn trên. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật nếu đúng như phản ánh.  
dat hang va gom hang Nâng cao hiệu quả công tác đầu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại
dat hang va gom hang Chung tay chống hàng giả, hàng nhái

Sau chỉ đạo của Thủ tướng, một số cơ quan chức năng đang vào cuộc thanh, kiểm tra và chắc chắn tới đây sẽ có những kết luận xác đáng. Ở bài viết này không bình luận về sự vụ của Asanzo mà chỉ đề cập đến khía cạnh pháp lý liên quan đến sản xuất - thương mại. Lâu nay, một sản phẩm bất kỳ khi được gắn mác Made in Vietnam - khách hàng hiểu ngay đó là hàng do các công ty Việt Nam sản xuất.

Hiểu nôm na là hàng Việt Nam. Nhưng thực tế, các sản phẩm điện thoại, tivi của các hãng như Samsung một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, nhưng đặt nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam họ đều ghi Made in Vietnam; Ipone ghi Made in China- thì khách hàng vẫn hiểu đó là sản phẩm của Hàn Quốc, Mỹ được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, Trung Quốc. Từ hai ví dụ trên có thể cắt nghĩa: Hàng do công ty của Việt Nam sản xuất (rắp ráp), nếu ghi Made in Vietnam, người tiêu dung hiểu đó là hàng do doanh nghiệp của Việt Nam tự sản xuất được; Còn khi các sản phẩm của các hãng nước ngoài đặt ở Việt Nam, ghi Made in Vietnam - khách hàng cũng hiểu ngay “hàng tây” đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

dat hang va gom hang
Nên chi tiết hóa, cụ thể hóa cụm từ Made in Vietnam trong sản xuất, kinh doanh nhằm tạo bình đẳng cho các doanh nghiệp...

Chính sự “nhập nhèm” khó cắt nghĩa của từ Made in Viẹtnam mà khiến không ít công ty hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai để nhập các sản phẩm nước ngoài về lắp ráp rồi gắn mác Made in Vietnam. Nhưng hiểu thế nào đủ tiêu chuẩn Made in Vietnam cũng rất khó.

Cụ thể, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hàng hóa đều phải ghi nhãn cho hàng hóa (trừ một số trường hợp đặc biệt). Trong đó, Điều 15, “yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và tự ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình, bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết”. Tuy vậy, xác định xuất xứ hàng hóa theo nguyên tắc nào, quy tắc nào thì đến nay chưa có hướng dẫn rõ ràng. 10%, 20% hay 30% cấu thành sản phẩm được sản xuất và lắp trong nước được coi là đủ điệu kiện để được gắn mác Made in Vietnam. Được biết, tới đây Bộ Công Thương sẽ có hướng dẫn rõ ràng về vấn đề này.

Trở lại với nhãn mác Made in Vietnam mà một số doanh nghiệp lắp ráp đang dán trên sản phẩm của mình. Theo quy định quốc tế, nếu một doanh nghiệp kinh doanh thương mại, thu gom các sảm phẩm về để lắp ráp bán ra thị trường, thì sản phẩm đó phải ghi là “Assembled in Vietnam”- lắp ráp ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong công việc kinh doanh, khái niệm Made in Vietnam và Assembled in Vietnam là rất mong manh. Đặc biệt, trong xu thế toàn cầu hóa, để có một sản phẩm hoàn thiện là công sức của rất nhiều công ty đa quốc gia.

Ngay để hoàn thiện một chiếc máy bay, nhà sản xuất đặt hàng nhiều công ty khác nhau trên cơ sở đáp ứng các tiêu chí về chất lượng, kiểu dáng. Cụ thể hơn, ví dụ một công ty A của Việt Nam muốn sản xuất một chiếc xe hơi, vì động cơ trong nước chưa thể sản xuất hoặc những bộ phận khó trong nước chưa thể sản xuất thì công ty A có quyền ký hợp đồng với đối tác cung cấp các bộ phận. Song không phải bê nguyên những sản phẩm đã có về để lắp ráp mà các sản phẩm đó đều được sản xuất dưới dạng đặt hàng theo đúng tiêu chí, quy chuẩn, kiểu dáng mà công ty A đưa ra (thậm chí mua công nghệ theo đơn đặt hàng để tự công ty sản xuất), còn lại các công đoạn khác do công ty và các đơn vị trong nước cung cấp… chắc chắn sản phẩm của công ty A được ghi Made in Vietnam (sản xuất tại Việt Nam, xe do người Việt Nam làm ra). Ngay đến các sản phẩm thời trang, nhiều hãng cũng làm như vậy. Đó là cách làm theo đơn đặt hàng.

Còn khi anh nhập (gom hàng) từ nước ngoài không qua cơ chế đặt hàng về để lắp ráp bán ra thành phẩm, thực chất là hình thức kinh doanh (thương mại). Cái khôn của doanh nghiệp là bỏ qua khâu thương mại tiến hành rắp láp và có thể thêm một số chi tiết rất nhỏ vào quá trình lắp ráp… thế là tự ý ghi Made in Vietnam, khiến người tiêu dùng tin đó là sản phẩm do người Việt Nam sản xuất (công ty Việt làm ra). Tất nhiên, người Việt Nam thì phải ưu tiên dùng hàng Việt Nam- một kỹ năng lách luật khôn khéo khiến doanh nghiệp gặt hái lợi nhuận rất cao. Đấy là chưa kể khi thị trường dị ứng với những hàng giá rẻ xuất xử từ…. nước ngoài, thì việc sản phẩm ghi Made in Vietnam bán giá rẻ người tiêu dùng trong nước không mua mới lạ. Từ thực tế này thế mới thấy sự khác biệt giữa đặt hàng và gom hàng; thế mới thấy hình thức lách luật của một số đơn vị gom hàng về lắp ráp xong gắn mác Made in Vienam khôn đến mức nào. Giải quyết vấn đề này là câu chuyện của các nhà làm luật, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này