Tham gia BHXH, BH thất nghiệp:

Thể hiện trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội

13:52 | 25/06/2019
(LĐTĐ) Năm 2019, với mục tiêu góp phần ổn định đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội và ổn định chính trị - xã hội, UBND TP Hà Nội đề ra mục tiêu tăng tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đạt 90% số người thuộc diện tham gia; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm (BH) thất nghiệp đạt 90% số người thuộc diện tham gia. 
the hien trach nhiem voi ban than gia dinh va xa hoi Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội: Bảo đảm tốt quyền lợi cho người tham gia
the hien trach nhiem voi ban than gia dinh va xa hoi Chủ động nắm bắt quá trình tham gia BHXH, BHYT qua đầu số 8079
the hien trach nhiem voi ban than gia dinh va xa hoi Phát hiện hơn 56% số người chưa tham gia BHXH

Đối tượng tham gia còn dưới mức tiềm năng

BHXH, BH thất nghiệp là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Những năm qua, việc thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội và ổn định chính trị - xã hội. Tuy nhiên, theo đánh giá của Thành phố, hiện nay, độ bao phủ BHXH, BH thất nghiệp còn thấp, việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp dưới mức tiềm năng.

the hien trach nhiem voi ban than gia dinh va xa hoi
Báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ huyện Hoài Đức tuyên truyền về chính sách BHXH tới người lao động.

Thành phố Hà Nội hiện có trên 7,5 triệu dân, lực lượng lao động có quy mô lớn và cơ cấu lao động trẻ, số lao động trong độ tuổi lao động trên 4,6 triệu người. Tuy nhiên, theo thống kê của BHXH Hà Nội, tính đến ngày 31/12/2018, thành phố Hà Nội có trên 80.000 đơn vị tham gia BHXH bắt buộc với 1.620.001 lao động (tăng 7% so với năm 2017 và tăng 13% so với năm 2016), chiếm 34,7% lực lượng lao động, đạt 80,9% số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh là khu vực có số lao động tham gia BHXH bắt buộc cao nhất và đây cũng chính là khu vực có nguồn khai thác phát triển đơn vị tiềm năng nhất. Căn cứ theo dữ liệu của Cục Thuế Hà Nội, hiện nay, thành phố Hà Nội còn khoảng 70.000 doanh nghiệp với hơn 410.000 lao động có kê khai thuế nhưng chưa tham gia BHXH. Theo đó, UBND Thành phố đề nghị BHXH Thành phố và các Sở, ngành liên quan cần phải thống kê, rà soát, phân loại số lao động thuộc đối tượng nhưng chưa tham gia BHXH bắt buộc.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý vừa ký Quyết định số 2992/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Với các giải pháp đồng bộ, phân công nhiệm vụ đến từng cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể, Đề án nhằm thực hiện thành công mục tiêu “Bảo hiểm xã hội cho mọi người lao động” theo đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BH thất nghiệp đảm bảo vai trò là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội”.

Đề án sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân nhận thức rõ rằng: Tham gia BHXH, BH thất nghiệp là thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân trong thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp; là một cách dự phòng rủi ro về tài chính khi ốm đau, bệnh tật, tuổi già có tính ổn định. Đặc biệt, thông qua đó, hình thành một nếp suy nghĩ mới, một thói quen mới và một cách ứng xử văn minh, có văn hóa, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Cũng theo thống kê của BHXH TP Hà Nội, năm 2018, số người tham gia BHXH là 1.642.685 người, chiếm 35,2% lực lượng lao động (trong đó: Số người tham gia BHXH bắt buộc là 1.620.001 người, chiếm 34,7% lực lượng lao động, đạt 80,9% số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; số người tham gia BHXH tự nguyện là 22.684 người chiếm 0,5% lực lượng lao động, tốc độ gia tăng so với năm 2017 đạt 7,2%). Số người tham gia BH thất nghiệp là 1.502.120 người chiếm 32,2% lực lượng lao động, đạt 83,3% số người thuộc diện tham gia BH thất nghiệp.

Nguyên nhân của hạn chế trên được nhìn nhận là do nhận thức của một bộ phận người lao động, người sử dụng lao động về vai trò, mục đích, ý nghĩa của BHXH, BH thất nghiệp chưa đầy đủ. Hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp còn bất cập.

Tình trạng doanh nghiệp nợ đóng và trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp còn nhiều. Công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BH thất nghiêp chưa thực sự hiệu quả để thu hút người lao động tham gia.

Đặc biệt, lãnh đạo Thành phố cũng thẳng thắn nhìn nhận một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quan tâm chỉ đạo thường xuyên việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn.

Do đó, việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án “Phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội” là rất cần thiết, để hoàn thành các chỉ tiêu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững.

Siết chặt tính nghiêm minh về pháp luật BHXH

Nhìn nhận lại những tồn tại, hạn chế khiến đối tượng tham gia, BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp chưa đạt 100% đối tượng lao động phải tham gia theo quy định của pháp luật, một trong những nguyên nhân được nhắc tới là nhiều đơn vị sử dụng lao động trốn đóng, nợ đóng, không tham gia BHXH, BH thất nghiệp cho người lao động.

Thực tế, hiện, doanh nghiệp tại Hà Nội chủ yếu là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và hoạt động chính trong lĩnh vực thương mại. Việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, trách nhiệm của chủ sử dụng lao động đối với người lao động chưa cao; tình trạng lách luật, trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp cho người lao động diễn ra phổ biến.

Do vậy, theo Đề án “Phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội”, thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền thiết thực và có hiệu quả, UBND TP Hà Nội chú trọng các giải pháp khai thác mở rộng đối tượng để tăng nguồn thu BHXH, BH thất nghiệp, trong đó tập trung nắm bắt số lượng các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, làng nghề… và người lao động trên địa bàn.

Cụ thể, thống kê số lao động đang làm việc trong các cơ sở thuộc thành phần kinh tế chính thức, phi chính thức, các làng nghề; nắm chắc được số lao động hiện tại trên địa bàn để có biện pháp phát triển đối tượng phù hợp.

Về giải pháp, UBND TP Hà Nội sẽ tập trung thông qua mạng lưới cơ sở như: Tổ dân phố, các Hội đoàn thể (Mặt trận Tổ quốc, Phụ nữ, Đoàn thanh niên…) và các cơ quan chức năng, thực hiện rà soát, thống kê đối tượng, phân nhóm lao động cho phù hợp để tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện.

Đi liền với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị về sử dụng lao động, về việc chấp hành Bộ luật Lao động. Tiến hành phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, làng nghề… về quy mô tổ chức sản xuất kinh doanh, số lao động và hình thức ký kết hợp đồng lao động. Trên cơ sở đó kiến nghị với các cấp có thẩm quyền yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc chính sách BHXH, BH thất nghiệp cho người lao động theo đúng quy định.

Một trong những tồn tại, hạn chế cần được sớm khắc phục hiện nay là tình trạng nợ đọng, chiếm dụng tiền BHXH, BH thất nghiệp trong các doanh nghiệp hiện nay rất phổ biến và trở thành một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tranh chấp và khiếu kiện giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. Việc không tham gia BHXH, BH thất nghiệp đầy đủ cho người lao động ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Theo đó, để thực hiện tốt công tác thu BHXH, BH thất nghiệp, cần thực hiện nghiêm Luật BHXH, Luật Việc làm để hạn chế tình trạng trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp; xử phạt nghiêm những trường hợp nợ đóng, trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp cho người lao động. Đối với những doanh nghiệp cố tình trốn đóng , nợ đóng BHXH, chuyển Công an Thành phố xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trên địa bàn Thành phố.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về đóng BHXH, BH thất nghiệp nhằm tăng cường pháp chế trong việc thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp đảm bảo cho mọi người lao động đều được tham gia BHXH, BH thất nghiệp; đồng thời, phát hiện những vi phạm trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp, qua đó có những biện pháp xử lý kịp thời buộc đơn vị sử dụng lao động phải chấp hành nghiêm chỉnh chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này