Xóa bỏ các bến bãi tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn trước ngày 31/7/2019:

Biến quyết tâm thành hành động tổng lực

17:52 | 13/06/2019
(LĐTĐ) Từ nhiều năm nay, tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông diễn ra tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ sạt... Đáng nói, không ít bãi tập kết đang hoạt động không phép, sai phép dù đã được “chỉ mặt, điểm tên” từ lâu nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.  Vì vậy, việc lập lại trật tự, siết chặt quản lý trong lĩnh vực này là yêu cầu cấp thiết của thành phố Hà Nội hiện nay. Đặc biệt, với việc Thành phố quyết tâm xóa bỏ các bến bãi tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn trước ngày 31/7/2019, đòi hỏi sự vào cuộc tổng hợp của tất cả các cấp chính quyền!
bien quyet tam thanh hanh dong tong luc Hà Nội kiên quyết xóa bỏ các bến bãi tập kết cát, sỏi trái phép
bien quyet tam thanh hanh dong tong luc Bãi tập kết vật liệu xây dựng: Người dân “chìm” trong đất bụi

Lộn xộn bãi chứa vi phạm

Thời gian qua, tại một số tuyến đê sông trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản, bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Thực trạng này không những gây hao mòn nguồn tài nguyên khoáng sản, mà còn gây thất thu ngân sách, gây ô nhiễm môi trường, làm hư hao các công trình đê điều...

Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, hiện nay, ven các tuyến sông trên địa bàn thành phố Hà Nội còn tồn tại các bến bãi chứa vật liệu xây dựng, nhiều bến bãi hoạt động thiếu giấy phép nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Cụ thể, dọc các tuyến sông trên địa bàn thành phố có 202 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng tập trung trên các tuyến đê, trong đó, có 188 bãi hoạt động và 14 bãi đang tạm dừng hoạt động. Trong số bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng đang hoạt động, có 37 bãi có giấy phép.

bien quyet tam thanh hanh dong tong luc
Các điểm tập kết vật liệu xây dựng ven sông sẽ được quản lý chặt chẽ. (ảnh: Đinh Luyện).

Ngoài các điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động ở khu vực bãi sông, trên tuyến đê tả Đáy thuộc địa bàn các huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa tồn tại các điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng nhỏ lẻ nằm trên mặt đê, mái đê, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình đê điều cũng như gây mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.

Huyện Thường Tín từng có tới 21 bến bãi ven sông Hồng thuộc các xã Ninh Sở, Hồng Vân, Thống Nhất, Vạn Điểm, nhưng chỉ 8 điểm được cấp phép. Qua rà soát của Hạt Quản lý đê, đến cuối tháng 5/2019, toàn huyện vẫn còn 17/21 bến bãi đang hoạt động, trong đó 14 điểm sử dụng đất sai mục đích với tổng diện tích hơn 18ha.

31/7 là thời hạn chót để trên địa bàn toàn Thành phố không còn các bến bãi, tập kết cát sỏi trái phép. Vấn đề đặt ra, để biến quyết tâm thành hành động cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã, phường - quận, huyện và hệ thống chính trị, đoàn thể.

Tình trạng tương tự diễn ra trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Ông Nguyễn Văn Hoài, xã Văn Nhân cho biết: “Khu dân cư chỉ cách bãi tập kết một mặt đê, những ngày cao điểm bãi tập kết cát còn cao hơn mặt đê hữu Hồng nên mỗi khi gió lớn, cát bay vào nhà nhiều hộ dân, ảnh hưởng đến sinh hoạt…”.

Dù nhân dân đã bức xúc và nhiều lần có ý kiến tới chính quyền các cấp nhưng tình hình vẫn không được giải quyết. Các chủ bãi vẫn ngang nhiên cho các phương tiện hoạt động, xe quá tải quá khổ chạy liên tục ngày đêm khiến mặt đê xuống cấp và cả một khu vực rộng lớn lúc nào cũng chìm trong khói bụi. Theo thống kê, toàn huyện Phú Xuyên có 13 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông, trong đó 8 bãi được cấp có thẩm quyền cho thuê đất, còn lại đều không có hoặc quá hạn cho thuê.

Bên cạnh các bến bãi vi phạm, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 10 đơn vị có giấy phép khai thác cát còn hiệu lực. Trong đó có 4 đơn vị đang hoạt động khai thác, 1 đơn vị bị Sở Tài nguyên và Môi trường đình chỉ hoạt động do vi phạm pháp luật về khoáng sản, 1 đơn vị chưa hoạt động do chưa có đường vận chuyển bằng đường bộ. Ngoài ra, còn 4 đơn vị chưa hoạt động do chưa hoàn thiện các thủ tục thuê đất theo quy định

Đưa vào nề nếp

Thời gian qua, thành phố và các sở, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các quận, huyện, thị xã giải tỏa vi phạm. Trong tháng 5 vừa qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động tập kết, kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng ở khu vực bãi sông trên địa bàn các quận, huyện, thị xã: Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.

bien quyet tam thanh hanh dong tong luc

Căn cứ vào tình hình thực tế, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục có Văn bản 2310/UBND-ĐT, yêu cầu đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là Chủ tịch UBND, các thủ trưởng các sở, ngành. Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép hoặc để tình trạng lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, sỏi trái phép và thành lập bến, bãi tập kết trái phép diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức tiêu cực, tham nhũng, cần tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu và điều chuyển, bố trí công tác khác. Thành phố kiên quyết xóa bỏ các bến bãi tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn trước ngày 31/7/2019.

UBND Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị chức năng giám sát các chủ đầu tư khi tiến hành ký hợp đồng giao thầu các dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng cát, sỏi phải chứng minh bằng văn bản về nguồn gốc hợp pháp của cát, sỏi do nhà thầu cung cấp, chỉ phê duyệt, thanh toán, quyết toán đối với phần khối lượng cát, sỏi có nguồn gốc hợp pháp. Đối với các dự án nạo vét bến cảng, luồng lạch, dòng chảy có thu hồi cát, sỏi, chỉ thanh toán khối lượng đã đăng ký khối lượng thu hồi theo quy định.

UBND Thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan phân công trách nhiệm cụ thể và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, đơn vị trong quản lý, xử lý vi phạm nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đấu tranh ngăn chặn hiệu quả vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Các đơn vị cần tăng cường quản lý khai thác cát, sỏi tại những khu vực lòng sông giáp ranh giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận, tiếp tục rà soát để điều chỉnh và thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng cát, sỏi trên địa bàn. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần tăng cường vai trò của các cơ quan dân cử và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong việc giám sát hoạt động khai thác cát, sỏi tại địa phương...

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này