An sinh xã hội cho lao động tự do:

Vẫn thiếu những “cứu cánh” hiệu quả

10:45 | 04/06/2019
(LĐTĐ) Không hợp đồng, không bảo hiểm và... không trách nhiệm là những gì dễ hình dung ở những đối tượng lao động tự do hay còn gọi là lao động phi chính thức. Đáng nói, những rủi ro và thiệt thòi của lao động tự do từ lâu đã được các ngành chức năng nhìn nhận và chỉ rõ song những giải pháp “cứu cánh” dường như vẫn chưa thực sự có nhiều hiệu quả. 
van thieu nhung cuu canh hieu qua Long Biên: Trang bị kiến thức về an toàn lao động cho lao động tự do
van thieu nhung cuu canh hieu qua 8/3 của những nữ lao động tự do
van thieu nhung cuu canh hieu qua Web trực tuyến giúp người lao động tự do dễ tìm việc mới

Vòng luẩn quẩn của rủi ro và thiệt thòi

Hàng ngày, ở Hà Nội và nhiều thành phố lớn có hàng triệu lao động tự do kéo đến tìm việc làm. Những việc họ thường làm là: Phụ hồ, bán hàng, nhân viên phục vụ, giúp việc gia đình... Chợ Long Biên nằm ngay phía sau con đường gốm sứ Yên Phụ là một trong những điểm tập trung lượng lao động tự do đông đảo hơn cả.

van thieu nhung cuu canh hieu qua
Lao động tự do khó có cơ hội thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Ảnh: Lê Thắm

Theo ghi nhận, tại khu chợ này, thời điểm nhộn nhịp bắt đầu từ 22h – 4h sáng với những xe buôn từ tỉnh lẻ và dòng xe kéo hoạt động hết công năng. Chị Phạm Thị Hòa, quê ở Hưng Yên là người có thâm niên làm cửu vạn được hơn 20 năm chia sẻ: Một ngày làm việc của chúng tôi thường bắt đầu tại chợ từ 22h – 4h sáng hôm sau. Hết giờ làm việc, tranh thủ về chợp mắt trong căn nhà trọ với giá 30.000 đồng người/ngày. Do không có gì ràng buộc nên những ai sau khi làm đêm, nếu có sức khỏe thì 9 giờ sáng lại ra chợ Đồng Xuân làm tiếp.

Theo tìm hiểu, dù làm những công việc lao động chân tay nặng nhọc nhưng thu nhập của những cửu vạn như chị Hòa cũng không được nhiều. Tháng nào nhiều việc thì khoảng 6-7 triệu đồng, còn tháng nào ít việc chỉ khoảng 3-4 triệu đồng. Chi phí, sinh hoạt mất 2 triệu đồng/tháng còn bao nhiêu thì gửi về cho gia đình, con cái ăn học.

“Cứu cánh” cho người lao động tự do

Tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, người lao động tự do được hưởng những lợi ích thiết thực như: Được chi trả lương hàng tháng như cán bộ công nhân viên chức; được hưởng lương hưu ngay khi nộp đủ số tháng theo thời gian quy định...

Bên cạnh đó, người lao động tự do còn có cơ hội tiếp cận với các chính sách khác như bảo hiểm y tế; chăm sóc sức khỏe; vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất.

Hiện nay, rất nhiều ngân hàng có chính sách cho vay vốn với cơ chế thoáng, chỉ cần người lao động tham gia đóng BHXH là được vay, thuận lợi hơn nhiều so với việc thế chấp sổ đỏ hoặc tài sản khác. Lợi ích nhiều, nhu cầu của người dân về BHXH tự nguyện rõ ràng là rất lớn nhưng trên thực tế việc thu hút được người lao động tự do tham gia vào loại hình BHXH này lại chưa đạt hiệu quả.

Qua chia sẻ được biết, những ảnh hưởng từ nghề nghiệp như: Trẹo cổ, tím người, trẹo tay, vai… vì liên tục kéo xe, vác, dỡ hàng không phải là hiếm. Tuy nhiên, do là công việc tự do nên khi xảy ra sự cố họ đều tự bỏ tiền túi ra điều trị.

Tôi quen Nguyễn Văn Liên, quê ở Ứng Hòa, là “cai thầu” của một nhóm thợ điện nước cách đây 2 năm. Trong tay Liên có 3 – 5 lao động phụ. Người cứng nghề thì Liên cho làm phó, người mới học nghề thì đảm nhận “phụ nhặt đồ”... Nghĩa là, trình độ biết nghề đến đâu thì Liên sử dụng kiểu đó. Khi nhận được mối thầu, Liên lo khâu tổ chức, điều hành, cuối tháng lấy tiền trọn gói. Việc chia chác tiền bạc thế nào đều do thỏa thuận “miệng” với nhau.

Nhắc chuyện này, Liên cho biết, người làm trong đội đa phần cùng quê hoặc những vùng lân cận. Người nọ dắt dây người kia mà hình thành đội ngũ của những người lao động tự do hành nghề điện nước. Thợ cũng tự truyền nghề và kinh nghiệm cho nhau. Bản thân Liên cũng từng làm thợ phụ ở Hà Nội cả chục năm rồi mới cứng nghề.

Dĩ nhiên, từ thời điểm của Liên đến hiện tại, chuyện ký hợp đồng lao động đều chỉ bằng “miệng”. Khi tôi hỏi thêm về chuyện ăn ở, Liên cho biết đa số đều ăn, nghỉ tại một khu trọ anh đứng ra thuê. Chủ nhà trọ nào cẩn thận thì yêu cầu phôtô chứng minh nhân dân để làm đăng ký tạm trú, còn không thì thôi...

Câu chuyện của chị Hòa, anh Liên là một trong rất nhiều trường hợp điển hình cho lao động tự do đang sinh sống tại Hà Nội. Tuy nhiên, trên khía cạnh pháp lý, ông Nguyễn Ngọc Sinh - Chuyên viên tư vấn luật (Công ty Cổ phần tư vấn DLS Việt Nam) cho biết, Trong luật định thì quan hệ lao động giữa hai bên là bên thuê lao động và bên lao động phải được xác lập với nhau bằng một hợp đồng lao động. Bởi vậy, việc thỏa thuận “miệng” trong các quan hệ lao động của lao động tự do, phần nhiều người chịu thiệt lại chính là họ.

“Bộ luật Lao động công bằng và bình đẳng với mọi đối tượng người lao động – cứ có khả năng lao động, được thuê mướn bởi một tổ chức hoặc cá nhân mà tổ chức, cá nhân này có trả công/trả lương thì người được trả công/trả lương đó được gọi là người lao động. Bộ luật Lao động cũng quy định rõ nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, bản thân người lao động phải tìm hiểu, phải nắm được quy định này để tự bảo vệ mình, một quyền mà pháp luật đã trao cho người lao động” - ông Nguyễn Ngọc Sinh chia sẻ.

Giải pháp nào hiệu quả?

Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng tại Hội thảo quốc tế “Chia sẻ về lao động phi chính thức ở Việt Nam” tổ chức mới đây tại Hà Nội cho thấy, lao động tự do làm nhiều hơn hai giờ so với lao động làm công ăn lương chính thức, cao hơn số giờ làm việc theo quy định (49,2 giờ/47,2 giờ). Hầu hết lao động tự do đều thuộc diện dễ bị tổn thương.

Thu nhập bình quân hằng tháng của nhóm này đạt khoảng 4,4 triệu đồng/tháng, thấp hơn khu vực chính thức. Nghiêm trọng hơn, có tới 97,9% số lao động tự do không được ký kết hợp đồng lao động nên không được tiếp cận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Điều này dễ dẫn đến tình trạng họ không có cơ hội thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, nhất là khi hết độ tuổi lao động.

Khách quan nhìn nhận, các ngành chức năng liên quan đang nỗ lực để mở rộng sự bảo vệ đến nhóm lao động này thông qua cải thiện khuôn khổ pháp luật quốc gia và phát triển chính sách nhằm giải quyết các thách thức của nền kinh tế phi chính thức, thông qua việc hình thành nhiều tổ chức có hoạt động tương trợ đối với người lao động tự do, trẻ em đường phố, dân di cư…

Ngoài ra, Dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi) đang được Chính phủ lấy ý kiến nhân dân, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến trong Kỳ họp Quốc hội tới đây được kỳ vọng sẽ sửa đổi, bổ sung toàn diện, trong đó quy định cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động tổ chức đại diện của người lao động, tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động, quản lý nhà nước về lao động.

Bổ sung các quy định nhằm mở rộng diện bao phủ của Bộ luật về tiền lương, thời giờ làm việc, kỷ luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động... đến lực lượng lao động trong khu vực phi chính thức, lao động tự tạo việc làm, lao động làm việc theo các hình thức liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp công nghệ số, lao động làm việc cho các doanh nghiệp và hộ gia đình sử dụng dưới 10 lao động...

Với những đóng góp của lao động tự do đối với xã hội và nền kinh tế hiện nay, việc thừa nhận vị trí, vai trò xã hội và tạo điều kiện cho họ thụ hưởng các dịch vụ công ích là điều không thể phủ nhận. Để bù đắp sự yếu thế và giảm tính dễ bị tổn thương… rất cần các ngành chức năng vào cuộc để có những chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể đối với đối tượng này.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này