Người phụ nữ cần mẫn lan tỏa nghĩa cử hiến máu cứu người

18:33 | 31/05/2019
(LĐTĐ) Mỗi khi nghĩ đến những số phận không may mắn vì bệnh tật, sự cố tai nạn, ánh mắt bà Nguyễn Thị Vườn (phường Thanh Xuân Trung, Hà Nội) lại trăn trở, âu lo, nỗi niềm ấy đã thôi thúc bà luôn cháy bỏng khát vọng hiến máu cứu người.  
nguoi phu nu can man lan toa nghia cu hien mau cuu nguoi Ngày hội hiến máu tình nguyện trong CNVCLĐ huyện Gia Lâm năm 2019
nguoi phu nu can man lan toa nghia cu hien mau cuu nguoi 240 đơn vị máu được hiến tại “Ngày hội hiến máu tình nguyện” năm 2019
nguoi phu nu can man lan toa nghia cu hien mau cuu nguoi Hàng nghìn người đã hiến máu ở lễ hội Xuân hồng 2019

“Cho đi nghĩa là nhận lại”

Bà tên thật là Nguyễn Thị Vườn nhưng bà con lối xóm ở khu tập thể cấp thoát nước 101 ở Hạ Đình, Thanh Xuân Trung vẫn quen gọi là cô Thanh. Hai vợ chồng bà Thanh bán hàng nước nhưng vẫn nuôi dạy hai con nên người, đỗ đại học và có việc làm ổn định.

Một gia đình thuận hòa, êm ấm nhưng hơn cả ở bà là một tấm gương hết lòng vì cộng đồng rất đáng trân trọng. Bà và gia đình luôn tiên phong trong phong trào hiến máu nhân đạo và các công việc thiện nguyện.

Trên cương vị là Chi hội trưởng Hội chữ thập đỏ 14, phường Thanh Xuân Trung, mỗi năm bà đã vận động được hàng trăm đơn vị máu nghĩa tình.

nguoi phu nu can man lan toa nghia cu hien mau cuu nguoi
Bà Thanh nhận Bằng khen tại lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu thành phố Hà Nội năm 2018.

Khi được hỏi về cơ duyên đưa đến với nghĩa cử cao đẹp này, bà cho biết lý do khiến bản thân tâm huyết với việc hiến máu tình nguyện như vậy bởi hơn ai hết bà hiểu bản thân người bệnh cần máu như thế nào.

Bà Thanh chia sẻ: “Từ năm 2003 về hưu tôi tham gia vào các hoạt động xã hội ở khu dân cư, thấu hiểu được nỗi vất vả của những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, tôi vận động người dân tham gia quyên góp, ủng hộ cho những hoàn cảnh đó để giúp cuộc sống họ bớt phần nào những khó khăn.

Cùng với đó, năm 2003, em trai tôi bị tai nạn, thuộc nhóm máu hiếm, kho máu trong bệnh viện lúc đó hết, mấy người trong gia đình tôi đều không đúng nhóm máu với em. May mắn lúc đó có một người họ hàng xa, mặc dù tuổi đã cao nhưng trùng với nhóm máu của em tôi nên được họ cho máu, nhờ đó em trai tôi được cứu sống. Sau đó tôi nhận thấy việc hiến máu có lợi cho rất nhiều người, đem lại sự sống cho biết bao bệnh nhân”.

Ngồi nói chuyện một hồi lâu, chúng tôi được bà cho xem một sấp giấy màu đỏ cất giữ cẩn thận trong tủ kính, đó là những tấm giấy chứng nhận hiến máu của bà và các con trong gia đình. Tuy không tập hợp đủ nhưng số lượng đó đủ để khiến nhiều người phải cảm thấy trân trọng.

Lật giở những tờ giấy chứng nhận, bà Thanh tâm sự: “Trong khi nhiều người cần máu mà không có, mình đủ điều kiện và việc hiến máu cũng không hại tới sức khỏe thì tại sao lại không hiến cho người ta? Hiến máu đều đặn như thế lại thấy sức khỏe mình tốt hơn, cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, cứu giúp bệnh nhân kém may mắn thì đó là một niềm vui đối với tôi và gia đình rồi.

Vào bệnh viện chứng kiến những phút giây vào sinh ra tử và niềm mong mỏi của người bệnh cũng như người nhà, tôi mới thấu hiểu hết cái ý nghĩa của từng giọt máu yêu thương và việc sơ cấp cứu ban đầu cho người bệnh cần thiết đến thế nào. Chỉ cần người nhận qua được cơn nguy kịch là tôi thấy vui rồi nên luôn sẵn sàng hiến máu bất cứ lúc nào bởi cho đi là nhận được nhiều hơn thế…”.

Miệt mài tiếp sức nối dài sự sống

Với vai trò là Chi hội trưởng, Ủy viên Ban chấp hành Hội chữ thập đỏ phường Thanh Xuân Trung đã giúp bà được đến gần hơn với những cảnh đời còn nhiều khó khăn. Để rồi bà vận động, tuyên truyền, quyên góp ủng hộ cho những hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vơi đi phần nào sự thiếu thốn về vật chất. Chẳng những vậy, nhiều năm qua, bà Thanh luôn vận động tiền, quà giúp đỡ hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tổ dân phố và những hoàn cảnh khó khăn nơi mọi miền Tổ quốc. Ngày ngày, bước chân của bà vẫn tiếp tục in dấu trên con đường mang hơi ấm tình người đến với hoàn cảnh nghèo khó.

Ngoài ra, mỗi khi có cơ hội là bà lại tuyên truyền về lợi ích của việc hiến máu để những người thân trong gia đình, trong khu dân cư cùng thực hiện nghĩa cử cao đẹp này. Mở màn mọi cuộc họp trong khu phố đều là những lời kêu gọi, tuyên truyền thông điệp tới bà con tham gia hiến máu nhân đạo. Với tâm niệm “Mỗi giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại”, nghĩa cử đặc biệt của bà Thanh thực sự tạo nên một phong trào hiến máu rất mạnh mẽ khắp trong khu dân cư.

Trong hành trình tuyên truyền vận động đó chẳng thể kể hết những gian khổ, vất vả mà bà gặp phải. Theo bà Thanh, nhiều người chưa hiểu hết được việc cho máu để làm gì và tại sao phải cho máu, có người nghĩ rằng mua một đơn vị máu tốn rất nhiều tiền nhưng đi hiến thì không được gì, hoặc có người e ngại sau khi hiến máu sức khỏe của họ bị giảm sút... Với những suy nghĩ đó nên khi bà đi vận động nhiều gia đình không hiểu được việc làm cao đẹp đó, họ nói những câu khó nghe, nhiều trường hợp nhận lời tham gia hiến máu nhưng tới ngày họ lại vắng nhà hoặc không ít gia đình bố mẹ không đồng ý cho con tham gia.

Để thuyết phục mọi người, bà xin rất nhiều tài liệu về đọc, sau đó bà đến từng nhà, phát tài liệu, giải thích cho họ hiểu ý nghĩa của việc làm cao đẹp đó. Đặc biệt bằng minh chứng cụ thể là người thật, việc thật, bản thân bà đã tham gia hiến máu nên bà biết cách chăm sóc sức khỏe sau khi hiến máu ra sao, chế độ ăn uống, ngủ nghỉ như thế nào. Bởi vậy sự tuyên truyền của bà dần dà được nhiều người dân trong chi hội lắng nghe. Trước tấm lòng nhiệt huyết của bà, các thành viên trong gia đình và người thân nhiệt tình ủng hộ tham gia rồi tiếp đến là những người dân trong khu phố. Kể từ đó trở đi việc tham gia hiến máu của hội viên trong chi hội cứ tăng dần lên.

“Những lúc họ chưa hiểu, khi đó mình lại phải gần họ hơn và không chỉ một mình tôi giải thích, các cán bộ trong khu dân cư đều chủ động đến giải thích cho người dân hiểu việc đó có lợi ích như thế nào, dần dần người dân cũng hiểu ra. Điều đáng mừng là hiện nay có nhiều hội viên họ tự nguyện hiến máu. Cứ lâu lâu họ gọi điện hoặc trực tiếp gặp và hỏi tôi: Cô ơi sao lâu thế không thấy đợt hiện máu? Chị ơi sao lâu thế, chị quên em rồi à. Chị ơi ngày nào tổ chức hiến máu, em đăng ký 3 người nhé. Tôi cảm thấy rất vui khi ý thức của nhiều người đã được nâng lên”, bà Thanh chia sẻ.

Không chỉ hiến máu nhân đạo cứu bệnh nhân nghèo, bà Thanh còn gắn bó với người dân nơi đây bằng việc thường xuyên, kịp thời sơ cấp cứu tai nạn thương tích không may xảy ra đối với những người dân trong khu dân cư. Nhờ việc tham gia vào khóa học “Phòng chống tai nạn thương tích và sơ cấp cứu tại cộng đồng’, đến nay bà đã sơ cấp cứu cho 7 người dân trong khu dân cư khi họ bị điện giật, tai biến, say nắng… rồi sau đó mới đưa đến bệnh viện, giúp giảm những rủi ro đáng tiếc cho bệnh nhân.

Đánh giá về những việc làm của bà Thanh trong suốt thời gian qua, bà Đặng Diễm Lệ, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) cho hay: Đây là một gia đình có truyền thống về công tác nhân đạo rất tốt. Hàng năm đều được công nhận là gia đình hiến máu tiêu biểu, trong đó điển hình năm 2018, gia đình bà Thanh được nhận Bằng khen của Trung ương Hội chữ thập đỏ, được quận biểu dương về nghĩa cử hiến máu cao đẹp.

Nguyễn Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này