Nói không với nợ đọng các loại bảo hiểm

Bài cuối: Quyết liệt vào cuộc tháo gỡ nợ bảo hiểm xã hội

13:47 | 31/05/2019
(LĐTĐ) Xác định giảm nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và BH thất nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, là cơ sở để giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, BHXH Thành phố đã phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
bai cuoi quyet liet vao cuoc thao go no bao hiem xa hoi Nói không với nợ đọng các loại bảo hiểm: Có được giảm lãi suất chậm đóng? (Bài 2)
bai cuoi quyet liet vao cuoc thao go no bao hiem xa hoi Danh sách các doanh nghiệp nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội

Tăng cường thanh tra, xử phạt

Bà Đàm Thị Hòa - Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội cho biết: Một trong những biện pháp được đẩy mạnh thời gian qua là BHXH Hà Nội phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác đôn đốc thu, thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị sử dụng lao động.

bai cuoi quyet liet vao cuoc thao go no bao hiem xa hoi
Báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ huyện Đan Phượng tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT đến doanh nghiệp và người lao động

Cụ thể: Năm 2018, đã thanh tra, kiểm tra 4.913 cuộc (tăng 2.435 cuộc, tương đương tăng 98,2% so với năm 2017) với tổng số tiền nợ 1.029 tỷ đồng, thu hồi được 581,5 tỷ đồng (đạt 56,5%). Năm 2018, LĐLĐ Thành phố tiếp nhận từ BHXH Thành phố hồ sơ đề nghị khởi kiện 583 đơn vị với số tiền nợ đóng BHXH 474,3 tỷ đồng, thu hồi số tiền 99,673 tỷ đồng; lũy kế đến hết tháng 4/2019, BHXH đề nghị khởi kiện là 592 đơn vị với số tiền nợ 475,6 tỉ đồng; số thu hồi đạt 100,1 tỷ đồng;

Trong 4 tháng đầu năm 2019, đã thực hiện 808 cuộc thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ với tổng số tiền nợ 379,4 tỷ đồng, thu hồi được 142 tỷ đồng (đạt 37,4%). Trong đó: Thanh tra Thành phố chủ trì, phối hợp liên ngành ban hành văn bản dự kiến kế hoạch thanh tra tại 261 đơn vị, thực hiện thanh tra 100 đơn vị (chưa ra quyết định thanh tra 161 đơn vị do đã khắc phục cơ bản số tiền nợ) nợ đóng BHXH 266,3 tỉ đồng, thu hồi 95,2 tỷ đồng (đạt 35,7%).

Để tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn Thủ đô, BHXH thành phố Hà Nội kính đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả của các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã.

Đặc biệt, sự nghiêm túc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn là cơ sở để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

BHXH Thành phố đã tổ chức 628 cuộc thanh tra chuyên ngành các đơn vị sử dụng lao động với số tiền nợ là 96,6 tỷ đồng, sau thanh tra thu hồi được 33,1 tỷ đồng (đạt 33,9 %). UBND các quận, huyện, thị xã đã tổ chức 80 cuộc kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động, với tổng số tiền nợ 16,5 tỷ đồng, sau kiểm tra thu hồi được 13,7 tỷ đồng (đạt 83,1%); xử phạt 3 đơn vị với số tiền: 261.249.000 đồng theo thẩm quyền.

Cũng theo bà Đàm Thị Hòa, BHXH Hà Nội đã thực hiện phân tích, phân loại nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo loại hình doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất kinh doanh, thời gian nợ; xác định nguyên nhân, tính chất nợ, để có hình thức, biện pháp đôn đốc thu nợ cụ thể, phù hợp. Đồng thời giao kế hoạch giảm nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đến từng cán bộ, viên chức BHXH Thành phố, yêu cầu cán bộ, viên chức tăng cường đôn đốc nợ trực tiếp tại đơn vị.

Bên cạnh đó, giải pháp được đẩy mạnh là tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2019, BHXH Thành phố phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, LĐLĐ Thành phố và UBND quận, huyện, thị xã, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tổ chức 43 Hội nghị, tập huấn, tọa đàm, đối thoại đối với doanh nghiệp và người lao động với trên 5.160 người tham dự.

Tiếp tục quyết liệt, đồng bộ các giải pháp

Đánh giá về kết quả triển khai các giải pháp giảm nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thời gian qua, ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc BHXH TP Hà Nội nhấn mạnh: Dù đã có nhiều cố gắng nhưng tình hình nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội vẫn còn khá phức tạp, nhức nhối và ảnh hưởng nhiều tới quyền lợi hợp pháp của hàng trăm ngàn lao động.

Theo Giám đốc BHXH Thành phố, số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tăng cao do một số nguyên nhân nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng. Số tiền nợ ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng lớn (nợ 1.384,6 tỷ đồng chiếm 66,4% tổng số tiền nợ).

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, việc xử lý nợ BHXH, BHYT đối với các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động… chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật (Đến ngày 30/4/2019 có trên 7.000 đơn vị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động với số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 781,1 tỷ đồng).

Cũng theo Giám đốc BHXH TP Hà Nội, nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành pháp luật về lao động, BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của nhiều người sử dụng lao động chưa nghiêm túc; nhiều đơn vị trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động. Bên cạnh đó, người lao động ở một số đơn vị có nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp còn hạn chế. Họ đã thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia hoặc sợ mất việc làm không dám đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp của mình.

Theo đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động về các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội và hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, nhất là chỉ tiêu giảm tỉ lệ nợ BHXH năm 2019 xuống dưới 2%, BHXH Thành phố đề nghị các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục phối hợp thực hiện quyết liệt trong việc thu nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Cụ thể, tăng cường tuyên tuyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT và thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động hàng tháng đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, với những doanh nghiệp cố tình “chây ì”, sẽ thường xuyên thông tin rộng rãi các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, BHXH Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Thanh tra Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Thành phố, Công an Thành phố, Cục Thuế, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố, các Ban quản lý dự án, UBND các quận, huyện, thị xã kịp thời cung cấp các đơn vị, doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp BHXH để không vinh danh khen thưởng, tham gia đấu thầu và đầu tư dự án của Thành phố.

Để tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn Thủ đô, BHXH thành phố Hà Nội kính đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả của các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Đặc biệt, sự nghiêm túc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn là cơ sở để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

3 kiến nghị của BHXH thành phố Hà Nội

1. BHXH Hà Nội đề nghị Công an Thành phố, Viện Kiểm sát Thành phố, Tòa Án nhân dân thành phố Hà Nội xem xét, xử lý hình sự đối với những đơn vị, doanh nghiệp vi phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.

2. Đề nghị LĐLĐ Thành phố tiếp tục chỉ đạo Công đoàn cơ sở khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp nợ đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

3. Đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT trên địa bàn.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này