Xung quanh đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Đại biểu và người lao động nói gì?

11:28 | 31/05/2019
(LĐTĐ) Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến. Tuy nhiên trong các phiên thảo luận tại Hội trường cũng như ý kiến người lao động vẫn băn khoăn một số nội dung liên quan đến quy định tuổi nghỉ hưu.
xung quanh de xuat tang tuoi nghi huu dai bieu va nguoi lao dong noi gi Nâng tuổi nghỉ hưu và làm thêm giờ: Không nên đánh đồng
xung quanh de xuat tang tuoi nghi huu dai bieu va nguoi lao dong noi gi Tăng tuổi nghỉ hưu cần lấy ý kiến rộng rãi nhân dân
xung quanh de xuat tang tuoi nghi huu dai bieu va nguoi lao dong noi gi Tăng tuổi nghỉ hưu: Chọn lộ trình nào?

Tính toán hợp lý trên cơ sở đảm bảo quyền lợi người lao động

Trước đó, trong Tờ trình về dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Chính phủ đưa ra hai phương án để Quốc hội xem xét. Cụ thể: Phương án 1- quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

xung quanh de xuat tang tuoi nghi huu dai bieu va nguoi lao dong noi gi
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại buổi thảo luận Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Phương án 2- cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Đồng thời, quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt; quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Theo đánh giá của Chính phủ, cả hai phương án đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 1, tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021). Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn, khi tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026 và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021).

xung quanh de xuat tang tuoi nghi huu dai bieu va nguoi lao dong noi gi
Người lao động lo ngại không đủ sức khỏe để làm việc đến tuổi nghỉ hưu.

“Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1, vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế”- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định.

Liên quan đến tuổi nghỉ hưu (Điều 170 của dự án luật), Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho thấy, Chính phủ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ, nhưng chưa làm rõ tính hợp lý về khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ theo quan điểm bình đẳng giới cũng như tinh thần Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW).

xung quanh de xuat tang tuoi nghi huu dai bieu va nguoi lao dong noi gi

Theo ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam là ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, có 3 vấn đề cần phải quan tâm tính toán hợp lý, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi NLĐ. Đầu tiên là đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu, cần phải cân nhắc những người suy giảm sức khỏe, làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì không nên áp dụng chính sách tăng tuổi nghỉ hưu.

Bên cạnh đó, việc tăng hoặc cho về hưu trước không chỉ dừng lại ở 5 năm, mà có thể là 5-7 năm, bởi có những người, những ngành đến 50 tuổi không thể làm việc được nữa. Ngoài ra, cũng cần quan tâm thiết kế lộ trình sao cho NLĐ dễ hiểu và tránh bị hiểu nhầm. “Chúng tôi đề xuất khi trình dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chính phủ cần trình nghị định, những danh mục về ngành nghề được nghỉ hưu sớm hơn. Nói cách khác, có một chế độ nghỉ hưu linh hoạt mà vẫn đảm bảo quyền lợi của NLĐ…”- ĐB Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đã chính thức được Chính phủ trình Quốc hội xem xét. Theo đó, có 02 phương án tăng tuổi nghỉ hưu được đưa ra để lấy ý kiến.

Phương án 01 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 02 quy định tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt; quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) dẫn chứng đánh giá của WHO, đó là trong số những người đã về hưu (nữ ở tuổi 55, nam ở tuổi 60), vẫn có tới 42% số người tiếp tục tham gia vào thị trường lao động, vừa hưởng lương hưu, vừa hưởng tiền lương làm thêm. Ông Lợi cũng cho rằng, lương hưu bình quân của NLĐ nhìn chung còn thấp, đặc biệt giáo viên mầm non lương chưa đến 1.390.000 đồng- không bằng tiền lương cơ sở.

Do đó, nếu kéo dài thời gian làm việc, chính là kéo dài thêm thời gian tích luỹ quỹ hưu trí, để khi NLĐ về hưu có mức lương hưu cao hơn. Đáng chú ý, chính sách BHXH hiện nay được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW, tức là “có đóng, có hưởng”, “đóng cao hưởng cao” và tiền lương được tính bình quân cả quá trình tham gia BHXH. Do đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết và phù hợp với thực tế.

Tăng tuổi nghỉ hưu nằm trong xu thế chung của thế giới

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) đồng ý với đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên mức 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam, bởi theo ông năng suất lao động của chúng ta còn thấp; tuổi thọ người Việt Nam ngày một tăng lên, trong khi thời gian nghỉ ngơi hưởng thụ tăng lên là lãng phí nguồn lực lao động, nhất là trong khi đất nước đang tiếp tục cần sáng tạo, lao động để phát triển.

Đặc biệt, đại biểu cũng cho rằng, chính sách với chế độ hưu trí còn rất thấp nên muốn cải thiện điều này thì phải tăng quỹ hưu trí lên, tăng tuổi nghỉ hưu để đóng góp cho quỹ hưu trí tăng lên, có cơ hội cải thiện mức sống của người nghỉ hưu, về lâu dài còn đảm bảo an toàn quỹ bảo hiểm xã hội.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Đào Tú Hoa (đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Bởi hiện nay, cả thể lực và trí tuệ của người Việt Nam ngày càng tốt lên. Rất nhiều người đã nghỉ hưu nhưng vẫn lao động và đóng góp tích cực cho xã hội. Tuy nhiên, đại biểu Đào Tú Hoa cũng đề xuất, cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của quy định này với một số Luật quy định hiện hành.

Chẳng hạn, Nghị định 141 hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học quy định tuổi nghỉ hưu kéo dài không quá 5 năm đối với tiến sĩ, không quá 7 năm với phó giáo sư và không quá 10 năm với giáo sư.

Cũng đồng tình với đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận định, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, nhằm giải quyết việc làm, hạn chế thất nghiệp, tránh tác động tiêu cực đến thị trường lao động. “Dư luận cho rằng cán bộ, công chức, những người có chức quyền muốn tăng tuổi nghỉ hưu; trong khi NLĐ trực tiếp, sử dụng chân tay, cơ bắp lại thấy nếu kéo dài thời gian làm việc thì không đảm bảo được sức khỏe cũng như hiệu quả công việc.

Đây là ý kiến cần cân nhắc, xem xét thấu tình đạt lý để đảm bảo tính khả thi. Mặt khác, Chính phủ cần đánh giá rõ tác động tích cực và tiêu cực đối với thị trường lao động, phân rõ các nhóm lao động, giúp đưa ra lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp…”- ĐB Hòa kiến nghị.

ĐB Lê Văn Sỹ (Thanh Hoá) nhận định, tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án 1 là lựa chọn hợp lý. Song, cần quy định kỹ về việc NLĐ (có chuyên môn, kỹ thuật cao, làm công tác quản lý) có quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 năm. Theo đó, phải xác định nhóm ngành nghề nào thuộc chuyên môn kỹ thuật cao hoặc làm công quản lý; cũng như có những vị trí nào không cần nghỉ hưu muộn hơn 5 năm.

“Hiện một số trường ĐH, BV ký hợp đồng với các chuyên gia sau tuổi nghỉ hưu tiếp tục làm việc nhưng thôi công tác quản lý”- ĐB Sỹ dẫn chứng. Do đó, theo ĐB Sỹ, nếu không bàn kỹ, trong quá trình làm sẽ rất vướng.

Đồng tình với quy định này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu nằm trong xu thế chung của thế giới cũng như sự già hoá dân số và nhu cầu đảm bảo an toàn quỹ BHXH. Đặc biệt, không phải tất cả mọi đối tượng trong khu vực công tư, trong các lĩnh vực đều tăng tuổi nghỉ hưu bình quân như nhau.

“Báo cáo thẩm tra tuổi nghỉ hưu cần nghiên cứu bình đẳng hơn, tại sao nam 62 tuổi nghỉ hưu, mà nữ chỉ 60 tuổi. Tôi cho rằng, không có nghĩa độ tuổi bằng nhau nghỉ hưu là bình đẳng, mà sự khác nhau mới bình đẳng. Bởi, do đặc thù tâm sinh lý, mỗi giới khác nhau, thì mới có sự tiến bộ, chứ không nhất thiết phải nam và nữ bằng tuổi nhau”- Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Công nhân nữ nói tăng lên 60 là không hợp lý

“Đối với công nhân lao động, năng suất và hiệu quả công việc tỷ lệ thuận với tình trạng sức khỏe. Vì vậy, tôi rất lo sợ sẽ không đảm bảo sức khỏe để làm việc đến 60 tuổi.

Qua tìm hiểu, tôi biết được dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt nhưng không quy định rõ suy giảm khả năng lao động bao nhiêu phần trăm, những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là những công việc cụ thể nào.

Thế nên chúng tôi cũng không biết mình có nằm trong diện được quyền nghỉ hưu sớm hay không? Chúng tôi mong rằng Chính phủ và Quốc hội xem xét để có chế độ nghỉ hưu linh hoạt đối với NLĐ làm việc ở các ngành nghề khác nhau” – chị Trần Thị Nhung bày tỏ.

Đai biểu Quốc hội ý trên như trên, còn công nhân lao động thì sao: Chia sẻ về vấn đề này, nhiều công nhân bày tỏ lo ngại sẽ không đủ sức khỏe để làm việc đến tuổi nghỉ hưu, đồng thời, mong muốn có chế độ nghỉ hưu linh hoạt đối với từng ngành, nghề.Theo chị Trần Thị Nhung, công nhân đang làm việc tại một công ty chuyên về linh kiện điện tử tại KCN Thăng Long, với đặc thù công việc của công nhân là làm ca, kíp và liên tục tăng ca để có thêm thu nhập trong khi điều kiện để tái tạo sức lao động không nhiều đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng sức khỏe.

Đối với bản thân chị, năm nay tuy mới 32 tuổi nhưng hơn 10 năm làm việc trong khu công nghiệp, cường độ công việc cao, thời gian nghỉ ngơi, điều kiện ăn uống không đảm bảo đã khiến cho sức khỏe của chị bị suy giảm rõ rệt với nhiều biểu hiện như đau lưng, mờ mắt…

“Đối với công nhân lao động, năng suất và hiệu quả công việc tỷ lệ thuận với tình trạng sức khỏe. Vì vậy, tôi rất lo sợ sẽ không đảm bảo sức khỏe để làm việc đến 60 tuổi. Qua tìm hiểu, tôi biết được dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt nhưng không quy định rõ suy giảm khả năng lao động bao nhiêu phần trăm, những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là những công việc cụ thể nào.

Thế nên chúng tôi cũng không biết mình có nằm trong diện được quyền nghỉ hưu sớm hay không? Chúng tôi mong rằng Chính phủ và Quốc hội xem xét để có chế độ nghỉ hưu linh hoạt đối với NLĐ làm việc ở các ngành nghề khác nhau” – chị Trần Thị Nhung bày tỏ.

Còn chị Vũ Thị Linh (37 tuổi), công nhân đang làm việc tại công ty may mặc ở KCN Phú Nghĩa cho biết, hằng ngày chúng tôi làm việc từ 8 – 10 giờ đồng hồ và chỉ tập trung vào cái trụ kim nhỏ bằng đầu ngón tay, công việc rất mệt mỏi, áp lực, nhiều người mới ở độ tuổi 40 – 45 đã phải nghỉ việc để tìm công việc khác hoặc về quê mở hiệu may.

Do vậy, để có thể làm việc được đến 55 tuổi nghỉ hưu như quy định hiện hành đã khó, huống chi là làm việc đến 60 tuổi để nhận lương hưu. Từ thực tế đó, công nhân chúng tôi đề xuất không nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với những lao động trực tiếp bởi rất khó để chúng tôi có đủ sức khỏe để đáp ứng yêu cầu của công việc.

Công nhân nam cũng đề nghị xem xét lại

Tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, trong báo cáo thẩm tra về dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cũng như ý kiến các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề lớn ảnh hưởng đến người lao động, nên Chính phủ cần phải tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.

Cùng chung quan điểm không đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu, anh Nguyễn Văn Chính, công nhân đang làm việc tại KCN Nội Bài chia sẻ, thực tế cho thấy, có nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển lao động dưới 30 tuổi, trên tuổi này rất khó xin việc. Ngoài ra, cũng có trường hợp công nhân làm việc đến độ tuổi 38 – 40 tuổi bị doanh nghiệp sa thải.

Theo anh Chính, nguyên nhân là do đối với những lao động phổ thông, làm việc chân tay, càng lớn tuổi, năng suất lao động càng thấp trong khi mức lương phải trả lại cao hơn do có thâm niên làm việc. Vậy nên, khả năng để NLĐ duy trì việc làm đến năm 62 tuổi mới nghỉ hưu là không cao. “Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng hãy lắng nghe, ghi nhận ý kiến của NLĐ về vấn đề này để từ đó có những xem xét, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi của NLĐ.”

Từ những suy nghĩ, đề xuất của NLĐ về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 và của nam lên 62, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần xem xét, thảo luận để có phương án tối ưu nhằm đảm bảo quyền lợi của NLĐ và tránh ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội, cuộc sống của NLĐ sau khi nghỉ hưu. Cạnh đó, đối với các đối tượng là lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và các ngành nghề đặc thù cần xem xét để có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu hợp lý, có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động…

N. Tú- Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này