Xử lý bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép ở xã An Thượng, huyện Hoài Đức

Sao lại khó đến thế?

21:29 | 30/05/2019
(LĐTĐ) Báo Lao động Thủ đô đã có bài viết phản ánh về tình trạng, nhiều bãi tập kết vật liệu xây dựng (VLXD) không phép ở xã An Thượng, huyện Hoài Đức, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Những sai phạm đã rõ, tuy nhiên, sau nhiều lần tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân cũng như các cơ quan ngôn luận, dường như chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.
sao lai kho den the Bãi tập kết vật liệu xây dựng: Người dân “chìm” trong đất bụi
sao lai kho den the Liên tiếp xảy ra tình trạng rơi vãi bùn đất trên cầu Nhật Tân

Khó xử lý vi phạm

Trong các ngày từ 22-26/5, có mặt tại đoạn đường thuộc xã An Thượng (đoạn nối giữa cầu vượt Phương Bản đến thôn Mộc Hoàn, xã Vân Côn) phóng viên ghi nhận, các bãi tập kết VLXD trái phép ở đây vẫn đang tiếp tục hoạt động. Theo quan sát tại một bãi tập kết VLXD lớn nhất tại đây, hàng trăm mét khối đá chất thành đống cao, máy xúc luân phiên phục vụ việc trung chuyển vật liệu.

sao lai kho den the
Bãi tập kết vật liệu xây dựng đoạn nối từ cầu vượt Phương Bản đến thôn Mộc Hoàn tồn tại nhiều năm nay

Vào khoảng thời gian cao điểm giữa trưa và tối muộn, các loại phương tiện vận chuyển đất đá nườm nượp chạy qua. Có thể thấy, hoạt động tập kết VLXD tại khu vực chân cầu vượt này khiến cho việc sản xuất nông nghiệp của hàng chục hộ dân thôn Mộc Hoàn gặp nhiều khó khăn do hầu hết hoa màu, nông sản luôn bị phủ kín trong lớp bụi. Không chỉ vậy, mặt đường ở khu vực này cũng trở nên xuống cấp nghiêm trọng khi bị các loại xe có trọng tải lớn cày xới mỗi ngày.

Trời nắng, bụi bốc lên mù mịt, trời mưa đường trở nên trơn trượt, lầy lội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như an toàn của người dân. Nhiều người dân địa phương cho biết, tình trạng đường xuống cấp dẫn tới khói bụi, ô nhiễm môi trường là nguyên nhân chính gây ra bệnh về đường hô hấp và gia tăng tình trạng tai nạn giao thông cho người dân sống xung quanh khu vực…

sao lai kho den the
Khiến đường đi của dân lầy lội, bụi bẩn

Trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô, ông Nguyễn Chí Lương – Chủ tịch UBND xã An Thượng, thừa nhận: Những nội dung người dân phản ánh về hoạt động không phép của những bãi tập kết VLXD ảnh hưởng dân sinh là đúng. Hầu hết những bãi tập kết VLXD trên địa bàn xã đều hoạt động không phép. Về phương án xử lý các bãi tập kết VLXD không phép, ông Lương cho biết, xã đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc xử lý vi phạm nhưng do còn nhiều khó khăn nên trong quá trình thực hiện, việc xử lý vẫn còn chậm trễ và chưa được triệt để.

Lý giải cho sự khó khăn của chính quyền, theo ông Lương: Do các bãi tập kết nằm tại ngã ba đoạn giáp ranh giữa 3 xã: An Thượng, Vân Côn và Song Phương nên việc phân chia quản lý gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, địa bàn xã An Thượng rất rộng, dân số đông, các bãi tập kết VLXD cách xa UBND huyện, lực lượng chức năng địa phương lại mỏng… nên không thể tiến hành kiểm tra thường xuyên. Đặc biệt, các bãi đã tồn tại từ nhiều năm nay nên khó giải quyết.

Xung quanh ý kiến cho rằng, lãnh đạo xã đang cố tình buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho cho các bãi tập kết hoạt động trái phép, ông Lương cho biết: “Trước đây chúng tôi từng tiến hành đề nghị điện lực huyện Hoài Đức cắt điện ở những lán tạm mà công nhân trông coi bãi tập kết dựng lên để họ không hoạt động được, chính quyền không tạo điều kiện cho các bãi tập kết trên hoạt động”…

Trách nhiệm thuộc chính quyền địa phương

Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Lý – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức, cho biết: “Những bãi tập kết VLXD không phép, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống người dân, thuộc địa bàn xã An Thượng là chính xác.

Theo quy hoạch sử dụng đất, mỗi xã chỉ được bố trí một bãi tập kết VLXD để phục vụ người dân. Việc bãi tập kết vật liệu xây dựng trên đất nông nghiệp ở khu vực này có được cấp phép hay không là do Phòng quản lý đô thị huyện chịu trách nhiệm…”.

Qua tìm hiểu, theo chỉ thị số 04/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội năm 2014 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn Thành phố Hà Nội nêu rõ, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố phải: Xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra thường xuyên, định kỳ, kịp thời xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là các trường hợp cho thuê đất công, đất nông nghiệp công ích, đất bãi bồi ven sông để sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp, các trường hợp tự chuyển mục đích sang xây dựng công trình nhà ở, sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp (bao gồm cả các trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuê nhưng các cá nhân đã thành lập doanh nghiệp hiện đang sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp), đảm bảo tất cả các trường hợp vi phạm phải được lập hồ sơ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật và được công khai.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn; về các trường vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã xử lý, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.

Quy định đã rõ, chính quyền cũng thừa nhận có biết tới tình trạng các bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép tồn tại và hoạt động từ lâu. Song, với thái độ trả lời vòng vo, né tránh vấn đề, cộng thêm việc chỉ chỉ đạo đôn đốc nhắc nhở mà không có văn bản xử phạt cụ thể của chính quyền xã An Thượng khiến cho dư luận hoài nghi về việc, cán bộ địa phương đã buông lỏng quản lý.

Báo Lao động Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Theo chỉ thị số 04/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội năm 2014 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn Thành phố Hà Nội nêu rõ, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố phải: Xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra thường xuyên, định kỳ, kịp thời xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là các trường hợp cho thuê đất công, đất nông nghiệp công ích, đất bãi bồi ven sông để sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp, các trường hợp tự chuyển mục đích sang xây dựng công trình nhà ở, sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp (bao gồm cả các trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuê nhưng các cá nhân đã thành lập doanh nghiệp hiện đang sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp), đảm bảo tất cả các trường hợp vi phạm phải được lập hồ sơ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật và được công khai.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này