Ám ảnh “ma men” lái xe: Ý thức thôi... chưa đủ

09:21 | 25/05/2019
(LĐTĐ) Tai nạn giao thông (TNGT) do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia gây ra, thường để lại những hậu quả đau lòng. Vì thế, việc đưa ra các giải pháp để ngăn chặn TNGT liên quan là rất bức thiết. Thực tế cho thấy, thời gian qua các lực lượng chức năng của Hà Nội đã tích cực vào cuộc kiểm tra, nhằm xử lý ngăn chặn song để quyết liệt với “ma men” cầm lái lại cần thêm các giải pháp căn cơ. Tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người lái là một trong những phương cách như vậy. 
am anh ma men lai xe y thuc thoi chua du Khi tham gia giao thông: Nói không với rượu bia
am anh ma men lai xe y thuc thoi chua du Kiểm soát tài xế “ma men” trên những cung đường du lịch
am anh ma men lai xe y thuc thoi chua du Khi “ma men” ngồi sau vô lăng! Còn xảy ra tai nạn

Ráo riết ngăn chặn, xử lý

Sau hàng loạt các vụ TNGT nghiêm trọng do các “ma men” sau tay lái gây ra, Hà Nội là một trong những địa phương tích cực vào cuộc chấn chỉnh. Dễ thấy là hàng loạt các cuộc kiểm tra nồng độ cồn và chất ma tuý đột suất đối với lái xe, đặc biệt là người điều khiển ô tô đã được triển khai.

am anh ma men lai xe y thuc thoi chua du
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn của các lái xe

Ngoài ra, các lực lượng như: CSGT, Công an các quận, huyện… cũng đẩy mạnh, tăng cường lực lượng để xử lý nghiêm vào các ngày cuối tuần, tại các tuyến đường, khu vực có nhiều nhà hàng, quán nhậu, các tuyến quốc lộ, nơi có đông khu dân cư… Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng để kéo giảm TNGT.

Tích cực và khẩn trương là vậy song nhìn vào thực tế cho thấy, tại các con phố bia nổi tiếng ở Hà Nội như: Tạ Hiện, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến hay Huỳnh Thúc Kháng… lượng khách tìm đến hơi men vẫn tấp nập, đặc biệt là khung giờ cuối ngày. Theo quan sát của phóng viên, có những cuộc ăn nhậu thậm chí còn kéo dài từ chiều đến tối muộn. Dĩ nhiên, sau những “cuộc vui” như vậy, dân nhậu thường tự lái xe về.

am anh ma men lai xe y thuc thoi chua du

Hành vi này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra TNGT cho những người tham gia giao thông cùng thời điểm. Cần phải khẳng định, việc thiếu thông tin, hiểu biết về pháp luật là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người vẫn điều khiển phương tiện giao thông dù đã uống rượu bia. Tuy nhiên, ở câu chuyện này, hành lang pháp lý với chế tài “nhẹ” cũng là một trong những nguyên nhân khiến “ma men” tái diễn.

Theo tìm hiểu, hiện tại mức xử phạt hành chính đối với hành vi điều khiển ô tô có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở là từ 16 - 18 triệu đồng và hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe có thời hạn từ 4 - 6 tháng.

Khi được hỏi, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, mức xử phạt trên chưa đủ sức răn đe. Để nghiêm trị hành vi vi phạm này phải tăng mức xử phạt từ 80 – 100 triệu đồng và tước giấy phép lái xe vĩnh viễn đối với những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó còn buộc người vi phạm phải thực hiện lao động công ích có thời hạn từ 7 - 10 ngày, như vậy mới đủ sức răn đe.

Cần thêm những giải pháp

Theo thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an, trong quý I/2019 toàn quốc xảy ra 4.030 vụ TNGT, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. So với 3 tháng đầu năm 2018, số vụ TNGT giảm 644 vụ (giảm 13,78%), số người chết giảm 244 người (giảm 11,35%), số người bị thương giảm 486 người (giảm 13,4%).

Tuy nhiên, lại xảy ra 7 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 29 người, bị thương 29 người, gây bức xúc dư luận xã hội tại các địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện, trong đó nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu bia chiếm tỷ lệ rất cao.

Rất nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra đều bắt nguồn từ bia rượu. Do say xỉn không làm chủ được tay lái, xử lý tình huống kém, nhiều người đã gieo những án “tử” không hẹn trước cho những người tham gia giao thông khác và cả chính mình. Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết: Thời gian qua, ngành giao thông đã nỗ lực phối hợp với các Bộ ngành liên quan thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu TNGT trên cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết, số người bị thương.

Tuy vậy, tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó, nguyên nhân do người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt mức cho phép chiếm số lượng lớn. “Chúng ta vẫn và đang phải chứng chứng kiến, hàng ngày, hàng giờ, những chiếc xe điên do người say xỉn tạo nên, phóng điên cuồng trên đường phố, gây nên những cái chết đau thương, biến bao gia đình trở thành bất hạnh, bao nhiêu đứa trẻ mồ côi cha, mẹ…

Vì cuộc sống hạnh phúc, an toàn của người dân, tôi yêu cầu các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, thanh tra, cương quyết ngăn chặn và xử lý những trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn cho phép” - Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Trên khía cạnh xử lý vi phạm, Đại úy Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, quá trình tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm của CSGT cho thấy, ý thức của không ít người tham gia giao thông rất kém. Họ liều lĩnh điều khiển phương tiện khi bản thân đã say mèm. Nhiều người vi phạm sẵn sàng bỏ tiền ra nộp nhưng việc xử phạt lần nào biết lần đó mà chưa có cơ chế xử phạt tăng nặng đối với những lần tái phạm vô tình khiến nhiều người coi thường và nhờn luật.

Theo Đại úy Trần Quang Chinh, để đủ sức răn đe thì phương pháp phạt tiền hay tước giấy phép lái xe dường như vẫn chưa đủ. Bởi vậy, việc cưỡng bức người vi phạm phải lao động công ích có lẽ là cần thiết. Bởi ngoài việc xử lý vi phạm thì cần thiết phải có biện pháp giáo dục.

Đồng quan điểm này, theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, kiểm soát việc uống rượu rồi lái xe cần thực hiện trước khi một người nhấc lên ly rượu, cốc bia, chứ không phải những lời nhắc nhở yếu ớt khi cuộc rượu đã lên tới đỉnh điểm.

Cũng trên góc độ đẩy mạnh giáo dục ý thức, Chủ tịch Công đoàn Giao thông Vận tải Việt Nam - Đỗ Nga Việt cho biết: “Để giảm tải tình trạng TNGT do rượu bia gây ra, mỗi người dân mà trước hết là công nhân viên chức trong ngành giao thông phải nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông, thực hiện tốt văn hóa giao thông, không uống rượu bia, chất kích thích trước khi tham gia giao thông vì mục tiêu tính mạng con người là trên hết”.

Chủ tịch Công đoàn Giao thông Vận tải Việt Nam cũng yêu cầu toàn thể các cấp công đoàn, cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động trong ngành thực hiện tốt các nội dung: Tuyên truyền đến toàn thể nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, thực hiện tốt văn hóa giao thông.

Yêu cầu, các cán bộ, công nhân viên chức lao động không sử dụng rượu, bia, chất có cồn khác trong thời gian làm nhiệm vụ; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, công nhân viên chức lao động trong ngành vi phạm...

Khách quan nhìn nhận, tăng chế tài xử phạt, dù mạnh đến mức nào thì cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Cái gốc của vấn đề, nằm ở giáo dục ý thức người lái. Tuy nhiên, trước mắt các ngành chức năng cần tạo ra càng nhiều rào cản đối với người uống rượu bia tiếp cận với phương tiện giao thông càng tốt.

Hạn chế việc tiếp cận phương tiện giao thông đối với người uống rượu bia bằng mọi hình thức sẽ tác động tới thói quen, lựa chọn của người dân khi quyết định sử dụng rượu bia. Chỉ khi người dân ngại sử dụng rượu bia khi còn phải di chuyển sau đó thì mới hạn chế được triệt để tai nạn giao thông do rượu bia.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này