Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sau tiếp thu, chỉnh lý có gì mới?

11:41 | 21/05/2019
(LĐTĐ) Sáng nay (21/5), tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Dự thảo Luật Giáo dục Đại học: Bộ Y tế lên tiếng, vì sao?
Dự thảo Luật Giáo dục: Gần 239.000 giáo viên chưa đạt chuẩn sẽ thế nào?
Bắt đầu từ đâu trước?
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sau tiếp thu, chỉnh lý có gì mới?
Quang cảnh buổi họp sáng nay 21/5

Về triết lý giáo dục, trình bày Báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, triết lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định mục tiêu và định hướng phát triển giáo dục của mỗi quốc gia. Trên thực tế, nền giáo dục Việt Nam đã và đang vận động dưới sự dẫn dắt của một triết lý giáo dục được xây dựng, hình thành và phát triển qua các thời kỳ cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thể hiện rõ trong các quan điểm, định hướng của Đảng và được thể chế hóa thành các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý phát triển giáo dục, thể hiện nhất quán tính nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại. Tham khảo Luật Giáo dục một số nước trên thế giới cho thấy hầu hết không quy định riêng về triết lý giáo dục mà chỉ thông qua những quy định về mục đích, sứ mệnh, mục tiêu và nguyên lý giáo dục. Vì vậy, UBTVQH đề nghị giữ như dự thảo Luật. Theo đó, triết lý giáo dục Việt Nam được thể hiện qua các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý, quan điểm phát triển giáo dục (các điều 2,3,4); đồng thời tinh thần triết lý giáo dục cũng xuyên suốt trong các quy định của Luật này.

Về vấn đề liên thông, theo báo cáo thẩm tra, dự thảo Luật đã bổ sung một số điều khoản quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng (Điều 9) và liên thông (Điều 10), làm rõ khái niệm, nguyên tắc và cơ chế liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo theo Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam để tạo điều kiện cho quá trình liên thông giữa các cấp đào tạo và các hệ thống đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn, bảo đảm cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người. Bên cạnh đó, để làm rõ hơn về cơ chế liên thông, tạo thuận lợi cho người học được học liên thông và giải quyết vấn đề phân luồng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, chuẩn đầu ra, dự thảo Luật quy định người học được sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở các cấp học, trình độ khác cùng ngành nghề hoặc khi chuyển sang ngành đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác phù hợp với yêu cầu nội dung tương ứng, trên cơ sở đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng và chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam (Điều 10).

Về các loại cơ sở giáo dục, dự thảo Luật chỉnh lý quy định cụ thể nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình trường công lập, trường dân lập và trường tư thục. Trường tư thục được phân loại theo nguồn gốc chủ sở hữu vốn, gồm trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài đầu tư; theo tính chất hoạt động, gồm trường tư thục và trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; bổ sung nguyên tắc chuyển đổi loại hình trường tư thục theo hướng chỉ chuyển đổi từ trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận và giao Chính phủ quy định cụ thể (Điều 47).

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sau tiếp thu, chỉnh lý có gì mới?
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo. (ảnh QH)

Liên quan đến chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) và thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), UBTVQH cho rằng, hiện nay quy định về chương trình, sách giáo khoa GDPT trong dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần các nghị quyết của Đảng và Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Theo đó, việc giảng dạy và học tập phổ thông chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Với quan điểm này, trên nền tảng một chương trình GDPT thống nhất dùng chung trong cả nước do Bộ Giáp dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) ban hành; sách giáo khoa là tài liệu học tập, cụ thể hóa chương trình, giúp giáo viên và học sinh sáng tạo trong phương pháp dạy và học, nhằm tiếp thu tốt nhất kiến thức của chương trình GDPT.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, hiện nay Bộ GDĐT đã công bố chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và đang soạn thảo ban hành bộ sách giáo khoa theo chương trình này, sẽ hoàn thành sau năm 2022. Vì vậy, UBTVQH đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa như trong dự thảo Luật. Để rõ ràng, mạch lạc hơn về vai trò của chương trình GDPT và sách giáo khoa, nội dung này đã được quy định thành hai điều riêng biệt: Điều 31 quy định về chương trình GDPT, Điều 32 quy định về sách giáo khoa. Theo các quy định này, chương trình là pháp lệnh, thống nhất trong toàn quốc; sách giáo khoa là công cụ giảng dạy, triển khai chương trình GDPT. Để bảo đảm chất lượng của chương trình và sách giáo khoa GDPT, dự thảo Luật quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GDĐT, Ủy ban Nhân dân các địa phương, Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa và Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục cấp tỉnh. Đồng thời Luật cũng quy định quy trình chọn sách giáo khoa tại địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Đối với các quy định liên quan đến nhà giáo, dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc, vấn đề quy hoạch trường sư phạm, xây dựng chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội sẽ được quy định trong văn bản dưới luật.

Về chính sách vay tín dụng sư phạm, dự thảo Luật được điều chỉnh theo hướng chuyển chính sách tín dụng sư phạm sang hình thức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên sư phạm tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Trong trường hợp, học sinh, sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp không công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian quy định thì phải hoàn trả toàn bộ kính phí hỗ trợ cho nhà nước (Điều 83). Dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn nhà giáo về phẩm chất, tư tưởng, đạo đức; trình độ chuẩn; kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp (Điều 67).

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về GDĐT; quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ GDĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong quản lý nhà nước đối với GDĐT. Để tạo sự linh hoạt cho Chính phủ trong phân công trách nhiệm quản lý nhà nước, phân cấp, phân quyền rõ ràng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật quy định các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ GDĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo sự phân công của Chính phủ; Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và phân cấp của Chính phủ (Điều 102).

Sau khi nghe Báo cáo giải trình về việc tiếp thu, chỉnh lý các đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến thảo luận.

H.Phạm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này