Đoàn viên, người lao động nói gì về tuổi nghỉ hưu?

10:10 | 21/05/2019
(LĐTĐ) Việc tăng tuổi nghỉ hưu cho lao động trực tiếp rất khó đáp ứng được như trong dự thảo; đồng thời cần xem xét linh hoạt tuổi nghỉ hưu cho từng ngành nghề, nhất là ngành nghề đặc thù. Đó là ý kiến được nhiều người lao động bày tỏ, khi tham gia góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động sẽ được đưa ra trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIV lần này. Phóng viên báo LĐTĐ đã ghi lại ý kiến một số đoàn viên, người lao động về những nội dung mà họ quan tâm.
doan vien nguoi lao dong noi gi ve tuoi nghi huu Khó áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu với khối lao động, sản xuất trực tiếp
doan vien nguoi lao dong noi gi ve tuoi nghi huu Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021
doan vien nguoi lao dong noi gi ve tuoi nghi huu Có nên trao quyền để người lao động lựa chọn “thời điểm nghỉ hưu”?

Khó áp dụng vào thực tiễn

Theo dự thảo Bộ luật Lao động, Ban soạn thảo quy định mức tăng tuổi nghỉ hưu 62 đối với nam và 60 đối với nữ. 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu được đưa ra để lấy ý kiến. Cụ thể: Phương án 1, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Phương án 2, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ.

doan vien nguoi lao dong noi gi ve tuoi nghi huu
Đại diện Công đoàn cơ sở góp ý về dự án Luật.

Đại diện cho ý kiến của người lao động, bà Phạm Hải Hà - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI Việt Nam (KCN Thăng Long, Hà Nội) cho biết, để góp ý cho Bộ Luật Lao động (sửa đổi), công ty đã phát phiếu khảo sát xin ý kiến của 400 công nhân lao động, cả trực tiếp và gián tiếp, cán bộ quản lý.

Song, doanh nghiệp này chỉ thu được 2/400 ý kiến đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 60 đối với nữ. Đặc biệt, ý kiến đồng thuận này là 2 lao động làm công việc gián tiếp, quản lý. Về việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam, công ty cũng chỉ thu được 5/400 ý kiến đồng ý. Do đó, bà Hà nhấn mạnh: Việc tăng tuổi nghỉ hưu cho lao động trực tiếp rất khó đáp ứng được như trong dự thảo.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần quy định thống nhất trong Bộ luật Lao động, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động, bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số, bình đẳng giới, cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn, xu hướng già hóa dân số, tính chất loại hình lao động.

“Cá nhân tôi không hề mong muốn điều này", công nhân Nguyễn Thị Hiền (48 tuổi, làm việc tại Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG Thái Nguyên) cho biết: Do đặc thù công việc nên mắt kém và mờ rất nhanh, càng lớn tuổi nhìn càng không rõ. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu và nghỉ hưu muộn, liệu chúng tôi có theo được hay không? Tôi cho rằng rất khó để đủ sức khỏe để đáp ứng yêu cầu công việc. Do đó, không nên tăng tuổi nghỉ hưu với lao động trực tiếp.

“Nếu kéo dài tuổi làm việc, trong trường hợp muốn về sớm, bị trừ phần trăm thì lương hưu rất thấp. Chúng tôi đề xuất tuổi làm việc như hiện nay để khi về hưu có thể làm thêm việc khác, có 2 lương, may ra mới đủ sống” - chị Hiền đề nghị.

Làm việc trong khối hành chính sự nghiệp, song bà Đinh Bích Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Việt Triều - Hữu Nghị (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn, nữ giáo viên mầm non khó có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu, bởi mỗi ngày lao động hơn 8 tiếng vừa trí óc và chân tay, nhất là khi cường độ làm việc ngày càng cao, áp lực nhiều.

Thực tế, công tác 15 năm tại trường Việt Triều, bà Hà chưa chứng kiến trường hợp về hưu đúng tuổi, vì vậy, bà Hà mong muốn linh hoạt tuổi nghỉ hưu với từng ngành nghề. "Quy định kéo dài độ tuổi lao động là khó cho giáo viên mầm non, bởi giáo viên lớn tuổi (ở tuổi 55) khó có thể hát hay, múa đẹp. Do đó, phải linh hoạt tuổi nghỉ hưu cho từng ngành nghề, nhất là đặc thù như giáo viên mầm non", bà Hà nêu ý kiến.

Trao đổi về vấn đề này, bà Hà Thị Thanh Vân - chuyên viên cao cấp đến từ Học viện Phụ nữ đề xuất: Tuổi nghỉ hưu không thể dựa trên giới tính, không phải tất cả nam giới đều khỏe như nhau thì về nghỉ hưu ở tuổi giống nhau; không phải tất cả phụ nữ yếu như nhau thì nghỉ hưu ở cùng một độ tuổi. Vì thế, các nhà làm luật cần tính toán ở các góc độ. Tuổi nghỉ hưu cần phải trên nguyên tắc hợp lý, phù hợp với từng giai đoạn, điều kiện.

Còn nhiều băn khoăn

Với hai phương án trên, đến thời điểm này, nhiều ý kiến ủng hộ cho phương án 1 bởi lộ trình tăng chậm nhưng an toàn hơn so với phương án 2. Với phương án 1, lao động nữ sẽ mất 15 năm và nam 8 năm sẽ hoàn chỉnh được tuổi nghỉ hưu là 60 và 62; thị trường lao động có cơ hội điều chỉnh thuận lợi.

Nếu thực hiện phương án 2, thời gian để thực hiện hoàn chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu nhanh hơn (6 năm đối với nam để tăng 2 tuổi và 10 năm với nữ để tăng 5 tuổi) nhưng lại gây sốc cho NLĐ và tác động không tốt tới thị trường việc làm. Kinh nghiệm một số quốc gia cho thấy, tăng tuổi nghỉ hưu chậm để đảm bảo tính bền vững và không gây sốc cho các quan hệ lao động, thị trường lao động.

Trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi cũng quy định "quyền nghỉ hưu sớm" không quá 5 năm cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động, NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; người lao động làm một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Thế nhưng, quy định này không rõ, chung chung nên có những ý kiến băn khoăn từ phía NLĐ và doanh nghiệp trong lĩnh vực giày da, may mặc, điện tử... Về phía NLĐ cũng có quan ngại khi tuổi cao, không biết chủ doanh nghiệp có tiếp tục sử dụng hay không; trong trường hợp thôi việc ra ngoài thì có nơi nào nhận vào làm việc, cuộc sống sẽ lại gặp bấp bênh.

Dù rằng trong dự thảo Bộ luật Lao động đã mở cho NLĐ mất sức lao động thì được "quyền nghỉ hưu sớm" hơn không quá 5 năm, nhưng lại không nói rõ, họ có được hưởng tối đa phần trăm lương hưu. Vì thế, nhiều người lo ngại, trong trường hợp lương hưu lại bị trừ theo số năm khi NLĐ nghỉ sớm, điều này cũng là một thiệt thòi lớn.

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Bộ luật Lao động quy định "quyền nghỉ hưu muộn" hơn không quá 5 năm đối với NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt. Liệu những người làm lãnh đạo đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng được tiếp tục ở lại có làm mất cơ hội thăng tiến của lao động trẻ?

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần quy định thống nhất trong Bộ luật Lao động, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động, bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số, bình đẳng giới, cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn, xu hướng già hóa dân số, tính chất loại hình lao động.

Ông Quảng cũng cho rằng, cần cân nhắc, xem xét tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành, nghề đặc thù. Đối với những đối tượng này, có thể xem xét chưa tăng tuổi nghỉ hưu hoặc có lộ trình tăng chậm hơn, có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động...

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này