Mô hình phòng đọc cộng đồng: Góp phần nâng cao tri thức

15:33 | 15/05/2019
(LĐTĐ) Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ số và các thiết bị điện tử, việc phát huy phong trào đọc sách trong cộng đồng đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, tại một số địa phương, các mô hình phòng sách cộng đồng cũng đã được triển khai và nhận được sự ủng hộ của người dân, là tín hiệu đáng mừng trong quá trình xây dựng văn hóa đọc cho độc giả.
mo hinh phong doc cong dong gop phan nang cao tri truc Dành hết tâm huyết cho tình yêu quê hương

Từ ý tưởng đến thực tiễn

Theo lời ông Đặng Văn Năm - trưởng thôn Đông Dương xã Tả Dương Văn, huyện Ứng Hòa, địa điểm được lựa chọn để xây dựng phòng đọc sách cộng đồng không nằm đâu xa mà chính tại ngôi trường Đông Dương học đường được xây dựng từ những năm 1942. Để nối tiếp truyền thống hiếu học của cha ông, những người con thôn Đông Dương đã nảy sinh ý tưởng xây dựng phòng đọc cộng đồng để tiếp thêm ngọn lửa tri thức cho người dân thôn Đông Dương.

Sau khi thống nhất xây dựng phòng đọc cộng đồng, chính quyền thôn Đông Dương đã đưa ra kế hoạch, mục tiêu và triển khai xây dựng phòng đọc cộng đồng. Phòng đọc bắt đầu được xây dựng vào thời điểm tháng 9/2018 và hoàn thành vào cuối năm 2018. Để đảm bảo thư viện có thể hoạt động lâu dài, chính quyền thôn Đông Dương cũng đã thành lập ra Ban Thư viện gồm 5 thành viên gồm có người quản thư, kế toán và người quản lý chung.

Sau hơn 5 tháng hoạt động, Ban Thư viện thôn Đông Dương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, các thành viên trong ban đã kêu ủng hộ được hơn 50 triệu đồng cùng đa dạng các đầu sách cho phòng đọc cộng đồng. Bên cạnh đó, ban quản lý thư viện cũng tiến hành mua thêm một số các loại sách để phục vụ cho việc học tập, tham khảo cho các em học sinh.

mo hinh phong doc cong dong gop phan nang cao tri truc
Mô hình phòng đọc cộng đồng thôn Đông Dương, xã Tảo Dương Văn huyện Ứng Hòa thu hút đông đảo sự quan tâm của độc giả khi đi vào hoạt động.

Theo đó, phòng đọc cộng đồng thôn Đông Dương được mở cửa vào 3 ngày cố định trong tuần, thế nhưng phòng đọc lúc nào cũng tấp nập đọc giả, đặc biệt là các em học sinh. Tuy nhỏ tuổi nhưng em Nguyễn Hữu Trang – học sinh Trường Tiểu học Tảo Dương Văn đã có đam mê với sách, Nguyễn Hữu Trang cho biết: “Em thường tới phòng đọc của thôn để đọc sách vào một số ngày trong tuần mỗi khi đi học về. Trong thư viện có rất nhiều sách và truyện hay nên không chỉ có em mà rất nhiều bạn khác cũng đến đọc, em mong rằng thư viện sẽ được mở các ngày trong tuần để chúng em có thể được đọc nhiều sách hơn.”

Nói về vai trò của phòng đọc cộng đồng, ông Đặng Văn Năm - Trưởng thôn Đông Dương khẳng định: “Mô hình phòng đọc cộng đồng thực sự là một mô hình thiết thực đối với đời sống tinh thần của nhân dân. Phòng đọc cộng đồng đã tạo một môi trường văn hóa lành mạnh, tại đây các em học sinh không chỉ được đọc những cuốn truyện hay, những cuốn sách bổ ích mà những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn còn được ban thư viện tạo điều kiện cho được mượn sách giáo khoa trong quá trình học tập. Hơn nữa, phòng đọc cũng đưa lại kiến thức về nông nghiệp cho người dân, giúp họ giảm thiểu được những rủi do khi nuôi trồng, từ đó phát triển kinh tế gia đình”.

Tính tới thời điểm hiện tại, phòng đọc cộng đồng đã có hơn 2000 đầu sách với đa dạng các thể loại. Để nâng cao hiểu biết về văn hóa đọc cho nhân dân, chính quyền thôn Đông Dương cũng đã tổ chức hội thảo tại chính phòng đọc của thôn để giúp người dân có phương pháp đọc sách đúng. “Hội thảo thu hút đông đảo sự quan tâm của không chỉ các em học sinh mà còn đông đảo người dân trong thôn Đông Dương. Chúng tôi xác định có 2 điều quan trọng nhất đó là sức khỏe và văn hóa, có đọc sách thì mới có thể góp sức lực trong việc xây dựng quê hương đất nước”- ông Năm cho hay.

mo hinh phong doc cong dong gop phan nang cao tri truc

Về hướng phát triển của mô hình phòng đọc cộng đồng trong thời gian tới, thôn Đông Dương vẫn tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân về tầm quan trọng của việc đọc sách. Cùng đó trang bị thêm các thiết bị phục vụ cho việc đọc sách, tiếp tục kêu gọi các nhà tài trợ quyên góp sách và mua thêm các đầu sách mới để làm đa dạng hơn các thể loại sách phục vụ nhu cầu cho độc giả.

Cần nhân rộng những mô hình phòng đọc cộng đồng

Sách được coi là nguồn thông tin không thể thiếu với xã hội nói chung và xã hội hiện đại ngày nay nói riêng. Những vấn đề được đưa vào sách đều là những vấn đề được các nhà khoa học, nhà văn, nhà báo quan tâm nghiên cứu nhiều năm. Thêm vào đó, trước khi sách được xuất bản đã phải trải qua nhiều khâu kiểm duyệt, sửa lỗi về nội dung và hình thức, do đó nguồn thông tin trong sách đều là những thông tin chân thực, khách quan, người đọc có thể yên tâm khi tiếp nhận thông tin.

Dù được xác định là nguồn thông tin quan trọng, thế nhưng không thể phủ nhận rằng việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng vẫn chưa được quan tâm chú trọng. Theo PGS. TS Phạm Ngọc Trung – Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên Truyền, tình trạng đọc sách hiện nay đang có xu hướng giảm, không được thường xuyên và không được rộng khắp như trước đây.

Nguyên nhân chính là do trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa, cuộc sống lao động sản xuất căng thẳng khiến người lao động không có nhiều thời gian tiếp cận sách, báo. Thêm vào đó sự phát triển của công nghệ thông tin đã khiến nhu cầu đọc sách, ham thích đọc sách của độc giả có xu hướng giảm dần. Thay vì tiếp cận thông tin qua sách báo thì đọc giả lại có thói quen lướt thông tin qua các trang mạng xã hội.

Bên cạnh tiện ích là cập nhập thông tin nhanh nhạy, PGS. TS Phạm Ngọc Trung cũng chỉ rõ những bất cập khi độc giả thay đổi thói quen tiếp cận thông qua sách. “Đa phần độc giả hiện nay đang quá phụ thuộc vào nguồn tài liệu trên các trang mạng thay vì tiếp thu qua sách, báo. Những nguồn thông tin trên mạng tuy đa dạng nhưng phần lớn thông tin lại không được kiểm chứng, kiểm duyệt, nhiều bài viết được chia sẻ rộng rãi nhưng lại mang tính chủ quan, cá nhân. Cùng với đó, do thông tin trên mạng xã hội là thông tin mở nên độc giả sẽ khó có thể phân biệt đâu là nguồn thông tin chính thống để từ đó có thể giải đáp thông tin cho mình.”- ông Phạm Ngọc Trung chia sẻ.

Thực tế cho thấy, tại một số địa phương trên cả nước cũng đã xây dựng được những mô hình phòng đọc cộng đồng. Tiêu biểu là mô hình phòng đọc cộng đồng tại thôn Đông Dương xã Tảo Dương Văn huyện Ứng Hòa, hay những mô hình thư viện tư nhân tại một số địa phương đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân và chính quyền địa phương. Đặc biệt, tại các phòng đọc cộng đồng, việc quản lý các đầu sách được coi là vấn đề quan trọng hàng đầu.

Theo ông Đặng Văn Năm – Trưởng thôn Đông Dương, các loại sách được lựa chọn phải là những đầu sách có ý nghĩa, có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng, đặc biệt thư viện nói không với những đầu sách tuyên truyền mê tín dị đoan. Cùng đó, tại phòng đọc cũng đưa ra các nội quy như thời gian mượn, người đăng ký mượn sách phải có trách nghiệm bảo quản đầu sách, không để rách và mất, đảm bảo sách phải như ban đầu mượn.

Dù hoạt động hiệu quả, thế nhưng số lượng những mô hình phòng đọc cộng đồng hiện nay của các địa phương còn quá hiếm hoi so với nhu cầu từ thực tiễn, nhất là tại các vùng nông thôn. Đánh giá về hiệu quả của những mô hình phòng đọc cộng đồng và những thư viện tư nhân, PGS. TS Phạm Ngọc Trung – Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên Truyền cho biết: “Các địa phương hiện tại có rất nhiều người yêu thích sách vở nên họ thành lập những thư viện gia đình và phòng đọc cộng đồng để mọi người trong địa phương đến đọc.

Tuy những thư viện, phòng đọc cộng đồng đều là hoạt động tự phát, thế nhưng lại có tác dụng hỗ trợ cho mảng thiết chế văn hóa thư viện của nhà nước, cùng đó việc trao đổi về văn hóa đọc của độc giả cũng giúp những thư viện, phòng đọc hoạt động khá hiệu quả và đi vào cuộc sống của người dân”.

Với mong muốn phát triển sâu rộng hơn nữa những mô hình phòng đọc cộng đồng nói chung và thôn Đông Dương nói riêng ông Đặng Văn Năm – Trưởng thôn Đông Dương bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các cấp chính quyền có sự quan tâm nhiều hơn đối với việc phát triển văn hóa đọc, đặc biệt là các vùng nông thôn để mọi người có thể tiếp thu được những nguồn thông tin chính thống, từ đó giúp người dân thực hiện tốt những chính sách, pháp luật của nhà nước, giúp các em học sinh tiếp thu được những kiến thức bổ ích phục vụ cho việc học tập, giải trí.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này